Ánh sáng từ văn kiện 80 năm trước của Đảng ta

Lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị của văn hóa (ảnh Hội đồng Lý luận trung ương)

Phụ nữ sinh con đầu lòng sớm có nguy cơ đau tim, đột quỵ cao hơn

Lợi ích của nước ép cherry và trà hoa cúc với giấc ngủ

7 cách giúp cải thiện cơn đau lưng, đau cổ do ngồi nhiều

Tại sao bạn không nên uống đồ quá nóng?

Hội thảo quốc gia với chủ đề “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023), đã được tổ chức (ngày 27/2) tại Hà Nội với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử của Đảng, Đề cương về văn hóa Việt Nam, nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng và thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Trước yêu cầu của tình hình cách mạng trong nước, thực hiện chủ trương của Trung ương và đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương, họp từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943 tại Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội).

Đề cương đã thể hiện sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, khẳng định văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa), ở đó người cộng sản phải hoạt động, phải làm cách mạng văn hóa. Đề cương đã phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng văn hóa nhằm mục đích xây dựng và phát triển nền văn hóa mới. Đề cương đã vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của các nhà văn hóa yêu nước Việt Nam là phải chống lại văn hóa phát xít, phong kiến lạc hậu, nô dịch, văn hóa ngu dân, phỉnh dân; đề cập toàn diện và sâu sắc những vấn đề có tính chất nền tảng về nguyên tắc, phương châm, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

ong-thang-1677473519380

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng (ảnh Dân trí)

Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Bản Đề cương đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: "nền văn hoá xã hội chủ nghĩa".

"Càng nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng, tính chất đúng đắn của những luận điểm, nguyên tắc, đường lối của bản Đề cương, ngày nay, chúng ta càng thấy được sự cần thiết phải kế thừa và phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc, vừa đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, khẳng định bản sắc và bản lĩnh của dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu tại Hội thảo, khẳng định: Sự ra đời của Đề cương đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; thể hiện ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc, trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia sự nghiệp cách mạng của Đảng; đóng góp quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; sau đó là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954 và đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước; đưa đất nước ta ngày càng vững vàng trên hành trình đổi mới và phát triển.

Với những luận điểm khoa học và thuyết phục, Đề cương có ý nghĩa lý luận sâu sắc, mang tầm thời đại, có vai trò là “cương lĩnh” đầu tiên của Đảng về văn hóa, là sự khai phá mở đường, là nền tảng lý luận về văn hóa của Đảng. Thực tiễn đã khẳng định những đóng góp quan trọng của Đề cương đối với việc hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, trong đó có đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đã dày công xây dựng nền văn hóa mới, đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực: khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo; văn học-nghệ thuật,… Trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh đến thực tiễn sôi động của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hôm nay, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ nước nhà ngày càng hùng hậu, có sự kế thừa và phát triển vững chắc qua các thế hệ, đóng vai trò quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay.

ong-hung-1677473868899

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (ảnh Dân trí)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong phát biểu tại Hội thảo, một lần nữa khẳng định: Đề cương về Văn hóa Việt Nam "là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam". Ba năm sau ngày Đề cương ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định: "Văn hoá phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Kể từ thời điểm này cho tới năm 1975, đường lối văn hóa kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đề ra.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (từ 1986), cùng với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, từ sự kế thừa các giá trị về lý luận của Đề cương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển về văn hoá, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của văn hóa cũng như các mục tiêu phát triển văn hóa cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới. Theo đó, trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" (năm 1991), Đảng ta đã xác định, chúng ta cần xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII (1993) Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998), tới Nghị quyết số 33-NQ/TW nhấn mạnh mục tiêu "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam".

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định "...Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trải qua 80 năm, trước những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm cũng như quá trình chuyển dịch từ 3 nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong từng giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước đã cho thấy giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao của Đề cương về Văn hóa Việt Nam với vai trò một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trong phát biểu tại Hội thảo cho rằng, ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.

toan-canh-1677473982880

Hội thảo quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023) (ảnh Dân trí)

Đề cương tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay. Đề cương được xem như cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn thổi hơi nóng mang tính thời sự.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định đúng phương pháp đấu tranh từng đối tượng. "Tinh thần của Đề cương dạy chúng ta không vơ đũa cả nắm, phân biệt rõ tư tưởng văn hóa phản động với những tư tưởng ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của văn nghệ sỹ mà không có lợi cho nhiệm vụ cách mạng trong những giai đoạn cụ thể; bọn bồi bút, bám gót ngoại bang và những người lừng chừng, hoài nghi, dao động, ngả nghiêng; những người thể hiện "trách nhiệm xã hội" của trí thức bằng phản biện với những kẻ mượn danh "phản biện" để chống phá...", PGS.TS Đoàn Minh Huấn khẳng định.

"Nhờ chỉ dẫn của Đề cương mà Đảng đã giáo dục, lôi cuốn không ít nhà văn hóa, văn nghệ sỹ trước đó ẩn dật, nương náu trong "tháp ngà nghệ thuật" từng bước thay đổi lập trường, tham gia sự nghiệp cứu nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng cho dân tộc và nhân dân. Văn hóa, con người Việt Nam - Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới", PGS. TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thực hiện theo chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hoá, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân. "Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hoá; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) rằng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

 
Diệu Vi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa