Bệnh cúm và COVID-19 có những điểm gì giống và khác nhau?

Bạn nghĩ COVID-19 và bệnh cúm tình trạng nào nguy hiểm hơn?

Viện Pasteur TP.HCM gửi công văn khẩn về cúm gia cầm H5N1

Chủ động phòng cúm cho trẻ trong mùa Xuân

Mùa Xuân, nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Cách phòng tránh COVID-19, cảm cúm khi đi du lịch ngày lễ

Điểm tương đồng giữa bệnh cúm và COVID-19

Nhìn chung, cả 2 căn bệnh đều lây truyền qua đường hô hấp, có thể ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng như phổi và tim. Các triệu chứng chính cũng khá giống nhau, bao gồm: Sốt, mệt mỏi, ho, hụt hơi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, nôn mửa/tiêu chảy

Các biến chứng của cúm mùa và COVID-19 cũng tương tự nhau, bao gồm: Viêm phổi, suy hô hấp, đau tim, đột quỵ, suy thận, viêm tim/viêm não, khiến các bệnh nền trở nên trầm trọng hơn, nhiễm trùng thứ cấp (khi một người bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm trong khi bị cúm hoặc COVID-19).

Sự khác biệt giữa bệnh cúm và COVID-19

Dù bệnh cúm và COVID-19 có nhiều triệu chứng tương tự nhau, nhưng giữa 2 tình trạng này vẫn có một số khác biệt đáng kể:

Nguyên nhân gây bệnh

Cả COVID-19 và cúm đều là những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, mỗi bệnh lại do một loại virus khác nhau gây ra.

Theo đó, COVID-19 do là SARS-CoV-2 - một loại virus thuộc họ Corona - gây ra. Corona là họ virus có gai bao bọc phía ngoài, trông giống như một chiếc vương miện. Họ virus này chủ yếu ảnh hưởng đến động vật, nhưng có 7 loại trong số đó được biết tới có thể gây bệnh ở người.

COVID-19 và cúm do 2 virus khác nhau gây ra

COVID-19 và cúm do 2 virus khác nhau gây ra

May mắn là 4/7 loại virus này chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, không nguy hiểm. 3 loại còn lại bao gồm:

- SARS-CoV: Loại virus gây dịch SARS năm 2002 - 2003.

- MERS-CoV: Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012, là nguyên nhân của hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

- SARS-CoV-2: Virus gây đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, cúm do 4 loại virus cúm gây ra: A, B, C và D. Hầu hết các trường hợp cúm theo mùa đều do loại A và B gây ra, trong khi cúm C gây ra các triệu chứng nhẹ và cúm D chỉ ảnh hưởng đến động vật. Virus cúm không phải virus thuộc họ Corona.

Triệu chứng

Cúm và COVID-19 có chung nhiều triệu chứng nên không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt chúng mà không cần xét nghiệm.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là người mắc COVID-19 có nguy cơ cao bị mất khứu giác và/hoặc vị giác. Ngoài ra, các triệu chứng COVID-19 có xu hướng xuất hiện sau khoảng 5 ngày nhiễm bệnh, trong khi đó các triệu chứng cúm thường xuất hiện sớm hơn, đôi khi chỉ 1 ngày sau khi nhiễm virus.

COVID-19 và cúm có khá nhiều triệu chứng giống nhau

COVID-19 và cúm có khá nhiều triệu chứng giống nhau

Biến chứng

Người mắc COVID-19 có nguy cơ biến chứng cao hơn những người mắc cúm. Ngoài ra, SARS-CoV-2 còn có nhiều khả năng gây ra các cục máu đông.

Một lý do khác nữa khiến COVID-19 được đánh giá nguy hiểm hơn cúm là nguy cơ biến chứng lâu dài - biến chứng hậu COVID-19. Những biến chứng này vẫn có thể xảy ra, ngay cả khi người bệnh không gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng. Một số ví dụ về biến chứng hậu COVID bao gồm: Sương mù não bộ, mệt mỏi, đau đầu, trầm cảm, lo lắng và đau khớp. Các biến chứng này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Những đối tượng có nguy cơ cao

 Cả 2 căn bệnh này đều đặc biệt nguy hiểm với những người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai.

Sự khác biệt là ảnh hưởng của 2 căn bệnh tới trẻ nhỏ. Trong khi cúm đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng ở trẻ em là rất hiếm.

Những lựa chọn điều trị

Do cúm đã xuất hiện từ lâu, các nhà khoa học có thời gian để nghiên cứu nhiều về virus cúm. Tính tới nay, có 4 loại thuốc thuốc kháng virus được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để điều trị cúm:

 

- Oseltamivir phosphate (tên thuốc là Tamiflu).

- Zanamivir (tên thuốc là Relenza).

- Peramivir (tên thuốc là Rapivab).

- Baloxavir marboxil (tên thuốc là Xofluza).

SARS-CoV-2 chỉ mới xuất hiện từ năm 2019. Do đó, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về loại virus này, cũng như nghiên cứu các loại thuốc điều trị hiệu quả. Một số phương pháp điều trị COVID-19 đã được phê duyệt có thể kể tới như thuốc kháng virus Veklury (remdesivir) cho người lớn và một số bệnh nhi, thuốc điều biến miễn dịch Olumiant (baricitinib) và Actemra (tocilizumab) cho một số người lớn…

Làm sao phòng ngừa COVID-19 và cúm?

Cúm và COVID-19 đều lây lan chủ yếu qua các giọt bắn phát tán trong không khí khi người nhiễm virus trò chuyện, hắt hơi hoặc ho. Đây là lý do tại sao các biện pháp phòng ngừa đối với COVID-19 và bệnh cúm cũng rất giống nhau, bao gồm các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên.

- Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

- Hạn chế tới những nơi đông người, đặc biệt là trong các không gian kín.

- Chủ động ở nhà khi bạn có các triệu chứng đau ốm.

- Tránh tiếp xúc với những người đang đau ốm.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt có thể chứa mầm bệnh như tay nắm cửa, mặt bàn/ghế, nút bấm thang máy…

- Tiêm vaccine.

- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi.

- Đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, nơi đông người để làm giảm sự lây lan của virus gây bệnh.

Vi Bùi (Theo Journal.weatherwell)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm