Bộ trưởng Bộ Y tế: Ngành Y đang rất cần sự chia sẻ để vượt qua khó khăn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023 - Ảnh: MOH.

Bộ trưởng Bộ Y tế gửi thư tri ân chiến sỹ áo trắng trên mọi miền Tổ quốc

2023: Ngành Y tế còn nhiều việc lớn

Trông đợi ở “Tư lệnh” đến từ ngoài ngành

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp cho nguồn nhân lực ngành Y

Vừa qua, trao đổi với báo chí nhân dịp 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chia sẻ về những giải pháp vượt khó của ngành y tế trong năm 2023, cũng như những gửi gắm đến người lao động trong ngành.

Những giải pháp đột phá trong năm 2023

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, ngành y tế cần tập trung xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, phát triển bền vững”, để làm được điều này cần có những giải pháp đột phá.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2023 là có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhanh chóng, khó đoán định, vì thế để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành Y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

Cùng với đó là thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và các nội dung y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, không để dịch chồng dịch. Triển khai hiệu quả các hoạt động về an toàn sinh học và xét nghiệm, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm. Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm; quản lý môi trường y tế, nâng cao sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

"Trong năm 2023, ngành y tế tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc, vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân. Phát huy hiệu quả cao nhất của đấu thầu tập trung, đàm phán giá góp phần giảm chi phí thuốc…" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Bài học kinh nghiệm sau những thăng trầm của ngành

Tư lệnh ngành y tế khẳng định vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ sớm được giải quyết - Ảnh: Hiệp Nguyễn/sức khỏe+

Tư lệnh ngành y tế khẳng định vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ sớm được giải quyết - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, năm 2022, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, biến cố, nhưng toàn ngành y tế đã nỗ lực, đoàn kết quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, với những kết quả đã đạt được, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình, kế hoạch hành động có tính phù hợp, khả thi đối với Ngành, cơ quan, tổ chức; tập trung tổ chức việc học tập, quán triệt tới các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành, đồng thời tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.

Thứ hai, tập trung công tác xây dựng văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Chủ động, liên tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Thứ tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; coi trọng sơ kết, đánh giá thực tiễn, kịp thời rút kinh nghiệm gắn với nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình, kịp thời ứng phó, xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh.

Thứ năm, đẩy mạnh thông tin, truyền thông chính sách; huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong nước, ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế.

 

"Với vai trò là người đứng đầu ngành y tế, thời gian qua tôi phần nào thấu hiểu những vất vả, hy sinh của đội ngũ thầy thuốc ngày đêm hết lòng vì người bệnh. Ngành y tế rất cần sự chia sẻ của các cấp, các ngành và đồng cảm của nhân dân để từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong giai đoạn này" - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin