Bài tập Dịch cân kinh 12 thế

Thế 1: Vi Đà Hiến Chử

Thân thể phải đứng thẳng, không được dùng sức, toàn thân thả lỏng. Hai bàn chân song song phải cách nhau một khoảng, bằng chiều rộng của hai vai. Cột sống phải và lưng eo không được cong vẹo. Hai chóp vai hơi nhô lên, tự nhiên cột sống sẽ thẳng đứng. Hai mắt nửa mở nửa nhắm, nhìn thẳng phía trước. Hai cánh tay từ từ nâng lên phía trước ngực, ban đầu cánh tay duỗi ra, sau đó cong lại, hai lòng bàn tay đối nhau, chậm chậm khép lại phía trước, cách ngực một nắm tay thì dừng, hai bàn tay chạm nhau, đối nhau với huyệt Đản trung ở giữa hai vú. Làm vậy có thể khiến tạng phế hô hấp đúng mức, đạt được yêu cầu “khí định”.

Bài tập Dịch cân kinh 12 thế 1

Thế 2: Hoành Đảm Hàng Ma Chử

Tiếp theo thế thứ 1, hai bàn tay chuyển động, lòng bàn tay hướng xuống, các đầu ngón tay chạm nhau, từ từ duỗi cánh tay đưa ngang ra hai bên trái phải; hai bàn tay, hai cánh tay thẳng thành một hàng cao ngang vai. Lúc này tự nhiên sẽ cảm thấy nặng ở hai vai, như đang gánh nặng, vừa nhón gót chân lên, mũi bàn chân chấm đất. Động tác này cần phải phối hợp nhịp nhàng với động tác duỗi cánh tay đưa ngang ra hai bên trái phải, trên dưới cùng lúc, không được tách biệt trước sau.

Thế 3: Chưởng Thác Thiên Môn

Sau thế Hoành đảm hàng ma chử, hai tay tiếp tục vòng lên thành nửa vòng tròn, lòng hai bàn tay từ từ lật thành hướng lên, đầu hai ngón trỏ chạm nhẹ vào nhau, đối chiếu thẳng xuống “thiên môn” (trong chân tóc trên trán khoảng 2 phân). Lúc này hai cánh tay thẳng đứng song song nhau, hơi chạm vào hai bên lỗ tai; cùng lúc, dùng ý niệm quán chiếu từ “thiên môn” lên hai lòng bàn tay, không được ngửa đầu dùng mắt nhìn, nếu dùng mắt nhìn sẽ bị đầu choáng, và đứng không vững. Lúc thực hiện động tác, cần phải dùng mũi bàn chân chạm đất, vẫn nhón gót, nhưng không được tăng thêm độ cao; hai gót chân hơi hướng ra hai bên, khiến cho khí của ba kinh âm thuận theo khí của ba kinh dương vận nghịch lên; đồng thời làm cho đốc mạch được thông suốt tự nhiên, thế đứng càng vững vàng tự nhiên.

Sau đó, hai hàm răng hơi cắn lại, từ từ vận khí thở ra bằng mũi. Sau khi cảm thấy răng đã cắn chặt, đầu lưỡi hơi chạm nóc giọng, tiếp nhận tân dịch (nước bọt), ngậm trong miệng, hô hấp đổi thành hít vào bằng mũi, hơi thở đều đều dài mà nhẹ tưởng chừng không dứt. Rồi hai bàn tay đang trong thế Chưởng thác thiên môn, nắm lại thành quyền, chia ra hai bên trái phải, căn cứ theo lộ tuyến lúc đưa lên mà hạ xuống, biến thành thế Hoành đảm hàng ma chử, đồng thời hai bàn chân từ từ hạ gót xuống đất.

Thế 4: Trích Tinh Hoán Đẩu

Tiếp theo thế trên, tay phải từ từ đưa thẳng lên; trong quá trình đưa lên, bàn tay vòng ra phía trước rồi qua bên trái, lòng bàn tay hướng xuống đỉnh đầu, đồng thời quay đầu sang bên phải, hướng nhìn lên lòng bàn tay phải; cùng lúc, tay trái vòng ra phía sau lưng, lưng bàn tay áp vào huyệt yêu nhãn (chỗ lõm hai bên cột sống lưng ở eo) bên trái. Lúc này phải dùng phương pháp mũi hít vào, miệng thở ra, hơi thở đều.

Điểm then chốt của động tác này là vừa dùng mắt nhìn lòng bàn tay phải, vừa dùng ý niệm tập trung ở lưng bàn tay trái áp vào huyệt yêu nhãn bên trái, hơi thở hít vào thở ra tự nhiên, không cần câu nệ. Sau đó, chiếu theo động tác vừa thuật, đổi tay trái, từ từ đưa lên, quay đầu nhìn lên bên trái, tay phải hạ xuống, áp vào huyệt yêu nhãn bên phải; phương pháp hô hấp giống động tác đưa tay phải lên. Thay đổi động tác phải trái này từ 3 - 5 lần, nhưng số lần hai tay đưa lên phải bằng nhau.

Theo Sức khỏe & Đời sống

admin
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp