Luật còn nương tay, còn nhiều thực phẩm giả

Nhiều vụ việc sữa giả, thực phẩm giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng

Nhiều doanh nghiệp đang “tự nguyện” thu hồi Giấy tự công bố sản phẩm

Cảnh báo nguy cơ suy gan, thận, ngộ độc vì dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả

Phanh phui đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả

Vụ sữa giả thu lời 500 tỷ: Chuyên gia chỉ ra những lỗ hổng

Phân loại thực phẩm còn chưa rõ ràng, khó quản lý

Trao đổi với Tạp chí Sức khỏe+, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF), nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua liên tục xảy ra các “đại án” về thực phẩm giả như hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất, đường dây 573 sản phẩm sữa giả, hay đường dây hàng trăm tấn gia vị giả… Đây là những vụ việc xảy ra trên quy mô toàn quốc trong nhiều năm, gây ra tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng.  

Đặc biệt, vụ việc sữa bột giả diễn ra trong 4 năm cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong quy trình quản lý mặt hàng này. PGS.TS Trần Đáng nhấn mạnh: “Đánh đồng sữa giả với Thực phẩm chức năng là sự hiểu lầm tai hại. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, sữa tăng cường vi chất là thực phẩm tăng cường (Fortification Food). Đây là thực phẩm cộng thêm chất dinh dưỡng vào thực phẩm truyền thống. Trường hợp này, sữa bột là “thực phẩm mang”, quá trình chế biến hòa trộn đồng nhất các vi chất trong sữa. Còn Thực phẩm chức năng cũng có dạng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng (bổ sung vitamin và chất khoáng), nhưng không trộn lẫn vào thực phẩm thông thường mà được đóng thành khẩu phần riêng ở dạng viên, bột hoặc dung dịch.”

Tuy nhiên khi đối chiếu với quy định hiện hành, định nghĩa “thực phẩm tăng cường” mà PGS.TS Trần Đáng nói tới lại không được gọi tên trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo PGS.TS Trần Đáng, nên tham khảo định nghĩa của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) và các nước trên thế giới để bổ sung, phân loại cho đúng thực phẩm tăng cường và thực phẩm chức năng. Đây cũng là nền tảng để cơ quan quản lý có thể phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm giữa Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương và Bộ Y tế sao cho sát với tình hình thực tiễn hiện nay.

Phan biet TPCN-01

PGS.TS Trần Đáng phân tích thêm, nhìn vào Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ta thấy rằng hiện nay việc quản lý vẫn chủ yếu dựa vào hậu kiểm. Trong khi đó, toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm – từ tiền kiểm nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất trong nhà máy, cho đến hậu kiểm – đều cần được quy định bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng. Vấn đề là, khi cơ sở sản xuất đã khánh thành, sản phẩm đã lưu hành mới tiến hành kiểm tra thì vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Một ví dụ điển hình là những sản phẩm sữa bột giả đã tồn tại trên thị trường suốt 4 năm. Việc thu hồi sản phẩm từ các điểm bán hàng là vô cùng phức tạp, tốn kém cả về nhân lực lẫn vật lực. 

Cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến thực phẩm chức năng

Một trong những vấn đề cũng gây bức xúc dư luận trong thời gian qua là thực trạng người nổi tiếng và bác sĩ, nhân viên y tế quảng cáo thực phẩm chức năng với nội dung sai sự thật, thổi phồng công dụng hoặc “tiếp tay” cho những sản phẩm kém chất lượng. KOL (Key Opinion Leader) là những người có sức ảnh hưởng lớn trong một lĩnh vực hoặc cộng đồng cụ thể. Nhờ sức hút trên truyền thông, họ được nhiều nhãn hàng săn đón làm “người phát ngôn”, trung gian quảng cáo các mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm và thực phẩm chức năng. 

Phan biet TPCN-02

Chủ tịch VAFF khẳng định: “Thực phẩm chức năng đúng nghĩa luôn được đánh giá đầy đủ về tính chất lượng, tính an toàn và tính hiệu quả. Sản phẩm cũng được ghi nhãn theo quy định của thực phẩm chức năng. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.”

Tuy nhiên, để những quảng cáo “nổ”, thổi phồng công dụng nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, trách nhiệm thuộc về ai? TS. Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Truyền thông và Xử lý khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions) cho biết: “KOL ở Việt Nam hiện chủ yếu hoạt động dựa trên lợi thế là sức ảnh hưởng cộng đồng, cùng với kinh nghiệm và thế mạnh cá nhân. Tuy nhiên, các quy định pháp luật cụ thể dành cho KOL hiện vẫn chưa được đặt ra.” Khi không bị ràng buộc bởi pháp lý, liệu điều gì có thể ngăn cản KOL đứng giữa lựa chọn thù lao cao ngất ngưởng từ những lời mời quảng cáo và lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng? 

TS. Lê Ngọc Sơn nhận định, một xã hội không thể trông cậy vào đạo đức của cá nhân, mà cần phải có sự can thiệp mạnh mẽ của pháp luật, không chỉ trong quảng cáo mà cả trong các lĩnh vực liên quan như bảo vệ người tiêu dùng, an toàn thực phẩm. Từ kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại CHLB Đức, ông cho biết, thực phẩm chức năng là một ngành rất phát triển, được nhiều người tin dùng nhưng không có nghĩa là được quản lý TPCN lỏng lẻo. Ngược lại, quy định rất chặt chẽ, mọi nội dung quảng cáo đều phải được công khai minh bạch, rõ ràng là quảng cáo, chứ không được mập mờ như kiểu “ba đời nhà tôi dùng sản phẩm này”. 

Empty

“Những hình thức nhập nhèm như vậy bị xem là quảng cáo chui và chắc chắn sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Ở Đức, nếu quảng cáo sai sự thật gây hậu quả, mức phạt có thể lên đến 50.000 euro – tức khoảng hơn 1,6 đến 1,7 tỷ đồng. Con số đó khiến cho những ai có ý định gian lận trong lĩnh vực quảng cáo thực phẩm chức năng gần như không thể làm được. Cũng chính vì thế, bạn sẽ không thấy tình trạng người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng tràn lan, thiếu kiểm soát như ở Việt Nam."

Trước những thực trạng nhức nhối về quảng cáo TPCN, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã ban hành bản Quy chế đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng theo Quyết định 17/QĐ-VAFF ngày 10/5/2024. PGS.TS Trần Đáng cho hay, pháp luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người quảng cáo, người chuyển tải nhiệm vụ quảng cáo và ban hành chế tài xử phạt nghiêm minh cho hành vi quảng cáo sai trái.

Đồng thời, ngành thực phẩm chức năng hiện đã chiếm tới 40% lĩnh vực thực phẩm. Do đó cần ban hành một luật riêng có đủ không gian để kiểm soát lĩnh vực này. Nhật đã ban hành Luật Thực phẩm chức năng từ năm 1991, Mỹ là năm 1994, nhiều nước cũng ban hành Luật và Nghị định nhằm siết chặt, không để lại kẽ hở cho các hành vi trục lợi từ sức khỏe người tiêu dùng.

Đơn cử ở Đức, TS. Lê Ngọc Sơn cho biết, chỉ một quảng cáo về thực phẩm chức năng đã chịu sự giám sát của vài điều luật: Luật Cạnh tranh không lành mạnh; Luật Thực phẩm và Dược phẩm; Luật về quảng cáo lĩnh vực y tế, chưa kể các quy định chung của Liên minh châu Âu (EU) về thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng (Quy định 1169/2011) và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Các tình huống, hành vi quảng cáo bị cấm của KOL và người nổi tiếng cũng được quy định cụ thể trong luật với chế tài xử phạt nghiêm minh. Bên cạnh đó còn có quyền lực của người tiêu dùng. Một lần bất tín, vạn lần bất tin, người nổi tiếng sẽ bị tẩy chay và không thể khôi phục danh tiếng sau những quảng cáo bát nháo.

Để cơ quan chức năng không phải “chạy theo” xử lý hậu quả của những vụ thực phẩm giả, quảng cáo “láo”, đề xuất của các chuyên gia là cần thiết hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của các bên liên quan, từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. 

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng