Cảnh báo nguy cơ suy gan, thận, ngộ độc vì dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả

Cơ quan chức năng vừa thu giữ lượng lớn thực phẩm giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam - Ảnh: Công an cung cấp.

Phanh phui đường dây sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng giả

Thủ tướng: Đẩy nhanh điều tra vụ sản xuất, buôn bán sữa giả và thuốc giả

Vụ sữa giả thu lời 500 tỷ: Con voi chui lọt lỗ kim

7 lợi ích sức khỏe độc đáo của rau đay bạn nên biết

Thực phẩm giả chủ yếu dùng cho bếp ăn tập thể

Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Ngoài ra, còn có gần 84 tấn phụ gia các loại và gần 1,6 triệu vỏ bao bì, can nhựa dùng để đóng gói sản phẩm, cùng một dây chuyền sản xuất quy mô lớn.

Bước đầu, cơ quan công an xác định Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đã tiêu thụ ra thị trường tổng cộng 144 tấn dầu ăn, 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Riêng mì chính có hơn 1.220 tấn sản phẩm vi phạm về tem mác và chỉ dẫn thương mại. Điều đáng lo ngại, các sản phẩm giả này chủ yếu được tiêu thụ vào bếp ăn tại các khu công nghiệp, trực tiếp đe dọa sức khỏe của hàng ngàn công nhân lao động.

Theo lời khai của Nguyễn Văn Hưng — Giám đốc Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, doanh nghiệp đã mua nguyên liệu rẻ tiền từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó pha trộn, đóng gói thành các sản phẩm mang nhãn hiệu nổi tiếng như Boat Brand (Singapore), Famimoto (công nghệ Nhật Bản), Bột canh cao cấp Hà Nội, Hạt nêm Bếp Hồng Việt... Việc tự công bố chất lượng sản phẩm nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn đã khiến mức độ nguy hiểm tăng cao.

Danh sách các sản phẩm bị làm giả được cơ quan chức năng công bố bao gồm: Bột ngọt Boat Brand (thương hiệu xuất xứ Singapore), Bột ngọt Famimoto (nhãn hiệu bột ngọt Việt Nam, công nghệ Nhật Bản); Dầu ăn Boat Brand (thương hiệu Singapore), Dầu thực vật Fami Gold (sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore); Bột canh cao cấp Hà Nội và Hạt nêm Bếp Hồng Việt, với quy cách đóng gói 400g/túi đối với bột canh và 5kg/túi đối với hạt nêm.

Theo kết quả trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, thành phần, định lượng và giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm nói trên do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam sản xuất không đạt so với các chỉ tiêu đã công bố hoặc ghi trên nhãn. Đây là dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng.

Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ (giữa) kiểm tra kho sản xuất. Ảnh: Công an cung cấp.

Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ (giữa) kiểm tra kho sản xuất. Ảnh: Công an cung cấp.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ sức khỏe từ thực phẩm giả

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, các sản phẩm bột canh, mì chính, hạt nêm giả đều rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

Ông Thịnh nhấn mạnh, điều đáng lo ngại là các đối tượng sản xuất có thể sử dụng những chất tạo ngọt không có trong danh mục chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép. Khi người tiêu dùng sử dụng phải những sản phẩm này, có thể gặp các triệu chứng như dị ứng, choáng váng, nhức đầu. Về lâu dài, những tác động này có thể dẫn đến suy gan, suy thận, hoặc ngộ độc mãn tính mà chưa có biểu hiện cấp tính nên rất khó phát hiện.

Ngoài ra, khi hạt nêm, mì chính được đóng gói trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh — nhà xưởng, thiết bị, nhân công đều không đạt tiêu chuẩn — sản phẩm dễ bị nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn nhẹ có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, gây các bệnh tiêu hóa như viêm loét, táo bón nếu sử dụng lâu dài. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm các vi khuẩn đường ruột như E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí co giật hoặc tử vong.

Ngoài ra, hạt nêm, bột canh giả còn có thể bị nhiễm tạp chất do điều kiện đóng gói tồi tệ hoặc bị pha trộn cố ý nhằm tăng lợi nhuận. Việc đưa tạp chất độc hại vào cơ thể lâu dài làm tăng nguy cơ bệnh mạn tính, thậm chí ung thư.

Làm thế nào để nhận biết bột ngọt, hạt nêm giả?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, việc phân biệt thực phẩm giả hiện nay rất khó, bởi công nghệ làm giả ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn có thể lưu ý một số đặc điểm nhận biết:

- Bột ngọt giả: Hạt sắc, không vuông vức, có nhiều bụi trắng.

- Hạt nêm giả: Hay nhái tên thương hiệu lớn, đóng gói theo cân, in ngày sản xuất mờ hoặc không in.

- Bao bì hàng thật: Rõ ràng, hình ảnh sắc nét, màu chữ đỏ tươi; đường hàn túi phẳng, đều, không nổi bọt; ngày sản xuất in nổi rõ nét.

- Bao bì hàng giả: Màu chữ đỏ sẫm hoặc vàng sậm, hình ảnh mờ nhòe; bao bì giòn, dễ nhăn; đường hàn không đều, nổi bọt; in ngày sản xuất mờ hoặc không có.

- Cánh bột ngọt: Hàng thật cánh to, sóng đều, không gãy; hàng giả cánh không đều, nhiều gãy vụn.

Về trọng lượng, sản phẩm chính hãng luôn đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Hàng giả thường có trọng lượng thiếu hoặc xấp xỉ nhưng không chuẩn xác.

Các mẫu mã thường bị làm giả nhiều là Vedan, Miwon, A-one,... Người tiêu dùng nên đặc biệt cẩn trọng khi mua các sản phẩm này trên thị trường.

Khuyến cáo để đảm bảo an toàn

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên:

- Mua sản phẩm từ những nhà sản xuất uy tín, có nhãn mác đầy đủ (tên sản phẩm, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, thành phần phụ gia).

- Đối với thực phẩm nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

- Không nên sử dụng các loại gia vị không rõ nguồn gốc, đóng gói sơ sài hoặc rao bán trôi nổi giá rẻ.

- Hạn chế thói quen dùng hạt nêm quá tay trong nấu nướng vì sản phẩm này vốn có hàm lượng muối cao. Ăn quá nhiều muối lâu dài có thể gây tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin