Cơn ác mộng thường gây ra các cảm xúc lo lắng, sợ hãi hay kinh hoàng
Phương pháp 4-7-8 giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ
3 thói quen đơn giản giúp não bộ lão hóa khỏe mạnh
L-theanine: Loại acid amin giúp chống lo âu, cải thiện chất lượng giấc ngủ
Thiết bị đột phá trong ngành công nghệ giấc ngủ do người Việt phát triển
Gợi ý cho người bị mất ngủ thường xuyên
Theo Joshua Tal, một nhà tâm lý học về giấc ngủ và sức khỏe ở Manhattan (Mỹ), giấc mơ thường phản ánh lại những gì đã diễn ra trong ngày. Điều này khiến một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng những giấc mơ và giấc ngủ REM (rapid eye movement - giấc ngủ chuyển động của mắt) rất cần thiết để tăng cường trí nhớ và chức năng nhận thức.
Giấc ngủ REM là một trong bốn giai đoạn mà não bộ thường trải qua khi ngủ. Chúng ta thường bước vào giấc ngủ REM trong tầm 90 phút đầu tiên sau khi chìm vào giấc ngủ. Những giấc mơ chủ yếu diễn ra trong giai đoạn này.
Viện Y học giấc ngủ Mỹ gọi ác mộng là những giấc mơ sống động, thực tế và nhiễu loạn, thường gây ra cảm xúc lo lắng, sợ hãi hay kinh hoàng. Việc gặp ác mộng thường xuyên có thể dẫn đến chứng mất ngủ, trầm cảm và các hành vi tự sát.
Dưới đây là một số cách giúp xoa dịu cơn ác mộng, cải thiện giấc ngủ hiệu quả:
Tạo thói quen ngủ lành mạnh
Ác mộng thường xuất hiện trong giấc ngủ REM, thời điểm mà cơ bắp thư giãn và chúng ta bắt đầu mơ. Tỉnh dậy trong giấc ngủ REM có thể khiến bạn nhớ lại những cơn mơ và rơi vào trạng thái lo âu.
Jennifer Martin, giáo sư y khoa tại Trường Y khoa David Geffen, Đại học California (Mỹ), cho biết một trong những cách hữu hiệu hạn chế gặp ác mộng ở người trưởng thành là giúp họ ngủ ngon hơn nhằm tránh thức giấc giữa chừng.
Để có giấc ngủ ngon, cần tạo ra thói quen ngủ lành mạnh bằng cách tập thể dục, thiết lập thời gian ngủ và thức đều đặn, đảm bảo phòng ngủ tối và mát mẻ, tránh sử dụng đồ uống kích thích sau buổi chiều và tham gia các hoạt động thư giãn.
Tránh đồ uống có cồn
Theo Jennifer Martin, sử dụng đồ uống có cồn có thể gây ra tình trạng bồn chồn và thức giấc suốt đêm, điều này có khả năng khiến bạn nhớ lại những cơn ác mộng.
Nhiều người chuộng đồ uống có cồn để thư giãn và dễ ngủ vào cuối ngày, nhưng đây không phải là giải pháp phù hợp. Thay vào đó, bạn hãy thử uống trà thảo mộc hay các thức uống khác có lợi cho giấc ngủ.
Không ăn sát giờ ngủ
Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (The National Sleep Foundation) của Mỹ, ăn vặt có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất, khiến não hoạt động nhiều hơn và khiến bạn có thể gặp phải ác mộng. Vì thế, bạn nên ăn tối ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ.
Xem lại thuốc đang dùng
Một số loại thuốc có thể gây ra ác mộng làm gián đoạn giấc ngủ.
Jennifer Martin nói: "Nếu mọi người có thể nhận thấy rằng những cơn ác mộng bắt đầu hoặc tăng lên khi thay đổi loại thuốc đang dùng hãy báo cho bác sỹ ngay để điều chỉnh lịch uống thuốc hoặc tìm phương pháp thay thế".
Ghi lại những nỗi lo âu
Theo Joshua Tal, viết nhật ký có thể giúp bạn giải tỏa những lo lắng của mình. Thói quen này khá hữu ích trong việc tránh gặp phải ác mộng và căng thẳng.
Tránh xem phim, truyện kinh dị trước giờ ngủ
Những gì bạn xem vào buổi tối có thể xuất hiện trong giấc ngủ, thế nên hãy dành năng lượng cho những điều tích cực để ngủ ngon giấc hơn.
Dùng tiếng ồn trắng
Yên tĩnh là yếu tố quan trọng để tạo nên thói quen ngủ lành mạnh. Thế nhưng đối với những người không thích sự yên tĩnh tuyệt đối hay người dễ bị giật mình do tiếng ồn bất thình lình giữa đêm, thì tiếng ồn trắng từ quạt máy hay các thiết bị khác có thể khiến họ ngủ ngon.
Kiểm tra sức khỏe tinh thần
Nếu đã áp dụng những cách nêu trên mà vẫn gặp ác mộng, bạn hãy tìm đến bác sỹ chuyên khoa để kiểm tra xem bạn có đang mắc các chứng rối loạn lo âu hay không, vì việc gặp ác mộng là một trong những dấu hiệu của các hội chứng này.
Hiện nay, đã có nhiều tiến bộ trong các phương pháp điều trị tâm lý đối với ác mộng, mất ngủ, lo lắng và rối loạn tâm trạng. Vì vậy đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ bác sỹ khi bạn gặp phải các vấn đề này.
Bình luận của bạn