Mất đa dạng sinh học ảnh hưởng tới y học và sức khỏe con người như thế nào?

Biến đổi khí hậu, thay đổi sử dụng đất và các nguyên nhân chính khác gây mất đa dạng sinh học

Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, thiên nhiên rất quan trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta – đồng thời là nguồn cung cấp thuốc, với hơn 40% công thức dược phẩm có nguồn gốc từ các nguồn tự nhiên. Từ việc tạo ra oxy cho chúng ta thở, đến thực phẩm chúng ta ăn, thực vật rất cần thiết cho sự tồn tại của con người. tuy nhiên, chúng đang chết đi nhanh hơn 500 lần so với trước khi chúng ta xuất hiện trên Trái đất.

Theo các nhà khoa học tại Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Royal Botanic Gardens, Richmone, Anh), loài Tyrannosaurus Rex có thể đã dẫm nát những loài lan từ 83 triệu năm trước nhưng không làm chúng tuyệt chủng. Thế nhưng, ngày nay, hoa lan là một trong những loài thực vật bị đe dọa nhất trên thế giới, với 56% họ lan có nguy cơ tuyệt chủng, so với 45% tổng số loài thực vật có hoa.

Các nhà khoa học Kew ước tính có khả năng khoảng 3/4 loài thực vật “chưa được mô tả” trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Một số loài bị tuyệt chủng ngay cả khi chúng được phát hiện, như loài lan thác Denise (Saxicolella deniseae) ở Guinea, được cho là đã biến mất khi việc xây dựng một con đập làm ngập lụt khu vực nơi nó được tìm thấy.

Với ước tính khoảng 2,5 triệu loài trên toàn cầu, nấm chỉ đứng sau động vật không xương sống về sự đa dạng loài - nhưng có tới 95% nấm trên thế giới vẫn chưa được phát hiện và cuộc đua vẫn tiếp tục tìm ra chúng trước khi chúng bị mất do con người gây ra. 

Theo Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mất đa dạng sinh học và sụp đổ hệ sinh thái nằm trong số 5 rủi ro hàng đầu mà thế giới phải đối mặt trong 10 năm tới, trong đó rủi ro môi trường chiếm 6 trong số 10 rủi ro dài hạn hàng đầu.

Đồ họa minh họa sự đa dạng loài khác nhau giữa động vật, thực vật và nấm (Hình ảnh: Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew)

Đồ họa minh họa sự đa dạng loài khác nhau giữa động vật, thực vật và nấm (Hình ảnh: Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew)

Mất đa dạng sinh học và thuốc

Bên cạnh vai trò mang lại sự sống, thực vật còn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho cả các loại thuốc hiện đại và truyền thống.

Ví dụ, từ năm 2800 trước Công nguyên, hoa lan đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị các tình trạng từ đau dạ dày đến viêm khớp.

Khoảng 1/10 danh sách thuốc “cơ bản” và “thiết yếu” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nguồn gốc từ thực vật có hoa, với hơn 40% công thức dược phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Kew cho biết nấm là một “nguồn hợp chất hoạt tính sinh học ngày càng có giá trị, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch và statin”. Statin là loại thuốc được sử dụng để giảm cholesterol.

Taxol, một chất chống ung thư được sử dụng trong các loại thuốc hóa trị, được tìm thấy trong vỏ của một số cây thủy tùng. Mặc dù hiện nay nó có thể được sản xuất tổng hợp giống như nhiều loại thuốc khác, nhưng một số loài thủy tùng có chứa taxol và các hợp chất khác đang bị đe dọa.

Khoảng 70% tổng số thuốc trị ung thư là sản phẩm tự nhiên hoặc “lấy cảm hứng từ sinh học”. Bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, sốt rét cũng nằm trong số những bệnh được điều trị bằng thuốc có chứa các chất được phát hiện trong thực vật.

Thuốc aspirin, được biết đến với tác dụng làm giảm nguy cơ đau tim, sử dụng một hợp chất ban đầu được chiết xuất từ ​​​​vỏ cây liễu, một loại thuốc cổ truyền trong lịch sử.

Vào tháng 8 năm 2023, WHO đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về Y học cổ truyền lần đầu tiên và ước tính khoảng 80% người dân ở hầu hết các nước châu Á và châu Phi dựa vào y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Vào năm 2024, với sự đầu tư từ chính phủ Ấn Độ, WHO sẽ mở Trung tâm Y học Cổ truyền Toàn cầu để khai thác tiềm năng này. Thị trường y học cổ truyền đã được dự đoán sẽ đạt 115 tỷ USD vào cuối năm 2023. Nhưng ngành công nghiệp này và cuộc sống của những người phụ thuộc vào nó đang bị đe dọa bởi tình trạng mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Bảo vệ "hiệu thuốc" của thiên nhiên

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Bộ phận Môi trường của WHO cho biết: “Bạn phải dựa vào thiên nhiên nếu muốn tồn tại: Nó cung cấp cho bạn thức ăn, nước uống, cây xanh để bảo vệ chất lượng không khí bạn hít thở”. Đó là lẽ thường: Bạn cần bảo vệ những gì đang bảo vệ bạn. Nếu không, chúng ta là kẻ thua cuộc chứ không phải hành tinh này.”

Bảo tồn là rất quan trọng để bảo vệ đa dạng sinh học của toàn cầu và điều đó có nghĩa là trao quyền cho cộng đồng bản địa và thúc đẩy việc sử dụng bền vững thực vật cho mục đích làm thuốc.

Ví dụ, ở Châu Âu, một nhóm các nhà nghiên cứu đã nhận ra sự cần thiết phải “cứu dược phẩm của thiên nhiên” - từ St John's Wort cho bệnh trầm cảm, đến Calendula để chữa lành vết thương - và đã hợp tác với EthnoHERBS để khảo sát các loài thực vật ở Balkan và khai thác những thực vật có tiềm năng ứng dụng vào chữa trị bệnh tật. 

Sự kết hợp giữa vệ tinh và dữ liệu lớn đang được sử dụng để giám sát các loài và giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng. Tiến sĩ Spyros Theodoridis thuộc Trung tâm nghiên cứu khí hậu và đa dạng sinh học Senckenberg ở Đức cho biết: “Mô hình mà chúng tôi đang được áp dụng cho nhiều cây thuốc như nhiều loài kinh giới, hoa lan và hoa anh thảo dưới áp lực từ biến đổi khí hậu và việc thu hái quá mức, góp phần bảo vệ về các dịch vụ hệ sinh thái y học độc đáo và vô giá của Châu Âu.”

Vào tháng 12 năm 2022, các quốc gia đã đồng ý mục tiêu mang tính bước ngoặt là bảo vệ 30% diện tích đất và đại dương trên Trái đất vào năm 2030 tại Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP15). Vào tháng 1 năm 2023, trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, Triển vọng Chiến lược Chăm sóc sức khỏe và Sức khỏe Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã đặt ra tầm nhìn cho năm 2035, trong đó bao gồm tính bền vững của môi trường, công nghệ và đổi mới làm trụ cột cốt lõi.

Sự đổi mới trong y học sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta bảo vệ được nguồn gốc của những loại thuốc đó - chính là thiên nhiên.

PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sức khỏe môi trường