Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường truyền thông, sàng lọc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở - Ảnh: MOH.

Podcast: Rối loạn tâm thần gia tăng mạnh ở trẻ vị thành niên

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề sức khỏe

Thực phẩm gây viêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính

Lý do chậm trễ giải quyết việc vay mượn vật tư y tế chống dịch COVID-19?

Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm, tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...

Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.

Theo đó, Đề án nhằm tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản (gọi tắt là bệnh không lây nhiễm) và rối loạn sức khỏe tâm thần nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân...

Trong Đề án này, Bộ Y tế đưa ra các mục tiêu tăng tỷ lệ dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần; Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn Sức khỏe tâm thần;

Đồng thời phát triển, nâng cao năng lực hệ thống giám sát, quản lý thông tin, thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ.

Theo Bộ Y tế để đạt được các mục tiêu trên cần tổ chức cung cấp các dịch vụ khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, đo các chỉ số và thực hiện các nghiệm pháp phù hợp để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm:

- Phát hiện sớm tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

- Phát hiện sớm đái tháo đường.

- Phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Phát hiện sớm ung thư, tập trung sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và một số bệnh ung thư phổ biến khác.

- Phát hiện sớm tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và một số rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến khác.

Quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần theo các tuyến bao gồm:

Tuyến trung ương: Củng cố, nâng cao năng lực phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho các cơ sở y tế dự phòng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh liên quan để bảo đảm thực hiện phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần theo chức năng, nhiệm vụ.

Tuyến tỉnh: Rà soát, phân công nhiệm vụ, nâng cao năng lực cho các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn liên quan tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn theo quy định.

Tuyến huyện: Phân công nhiệm vụ cho các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn và nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế cấp huyện để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn.

Đối với trạm Y tế xã phân công cán bộ thực hiện hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm; triển khai nhiệm vụ thường quy phòng, chống bệnh không lây nhiễm của nhân viên y tế thôn, bản; bảo đảm cung cấp các dịch vụ truyền thông, tư vấn, dự phòng, sàng lọc phát hiện, quản lý điều trị người mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần theo quy định;

Đồng thời phân công cán bộ để tổ chức quản lý người bệnh tâm thần; chỉ đạo nhân viên y tế và cộng tác viên y tế thôn, bản tham gia thực hiện tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, tái hòa nhập xã hội, đôn đốc uống thuốc ngoại trú của người bệnh tâm thần tại cộng đồng.

Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tại địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí đủ ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện Đề án và các nội dung hoạt động khác của Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 đã được phê duyệt tại Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ nội dung của Đề án, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch Dự phòng, phát hiện, quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và rối loạn sức khỏe tâm thần để thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2024 - 2025 tại địa phương.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin