Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng

Cùng với các vaccine COVID-19 khác, vaccine AstraZeneca đã được tiêm hàng triệu liều trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp sát kỳ nghỉ lễ, Bộ Y tế ra khuyến cáo

Bộ Y tế yêu cầu không để xảy ra khan hiếm, thiếu thuốc dịp nghỉ lễ

Bộ Y tế chấn chỉnh chất lượng bệnh viện, phòng ngừa sự cố y khoa

Bộ Y tế họp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu dược liệu

Mới đây, thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông kèm giảm tiểu cầu (TTS), khiến nhiều người dân băn khoăn, lo lắng dù hãng dược này khẳng định đây là trường hợp "rất hiếm”.

Về vấn đề này, ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, người dân đã từng tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cách đây 2-3 năm không nên hoang mang, lo lắng, bởi vaccine chỉ có tác dụng trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, giới chuyên môn Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi thông tin từ đồng nghiệp quốc tế liên quan vấn đề này. 

Theo PGS. Khuê, đây cũng là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của Astra Zeneca đã được cảnh báo. Cụ thể, ngày 22/4/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1966/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19.

"Ngay từ đầu, chúng ta đã rất thận trọng trong tiêm chủng, mọi người đều phải khám sàng lọc rất kĩ trước khi tiêm chủng. Quy trình tiêm chủng được xây dựng chặt chẽ, người dân được kiểm tra trước tiêm, giám sát sức khỏe chặt chẽ sau tiêm", PGS. Khuê cho biết.

Mọi người dân trước tiêm chủng đều được kiểm tra huyết áp, theo dõi sau tiêm chủng, đặc biệt với nhóm đối tượng nguy cơ cao việc chỉ định tiêm, theo dõi sau tiêm càng thận trọng hơn. Sau này, trong quá trình theo dõi, cho thấy nguy cơ tai biến ít nên quy trình tiêm được điều chỉnh, có những bệnh nhân huyết áp cao vẫn được tiêm chủng.

Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Số vaccine này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam. Hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2-4 liều vaccine COVID-19, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna…góp phần đẩy lùi đại dịch.

Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vaccine mũi nào.

Trước đó, ngày 2/5, thông tin từ báo chí quốc tế, hãng dược AstraZeneca đã lần đầu thừa nhận trong một tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao vào tháng 2/2024 rằng, vaccine COVID-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".

 
Hiệp Nguyễn (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn