Tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu tại các cơ sở y tế

Bộ Y tế tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đấu thầu tại các cơ sở y tế.

Những điểm mới trong Luật đấu thầu sửa đổi 2023

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đã được gỡ khó

Kinh nghiệm Trung Quốc: Đấu thầu thuốc tập trung hay không tập trung?

Bộ Y tế gia hạn hơn 600 loại thuốc phục vụ đấu thầu

Ngày 11/10, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo triển khai thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu phổ biến các quy định mới của pháp luật đấu thầu; trao đổi, thảo luận, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Khắc phục các bất cập trong việc mua thuốc, thiết bị y tế

Theo Bộ Y tế, hiện nay các quy định của pháp luật về đấu thầu đối với việc mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ; trong đó đã quy định nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế thời gian vừa qua.

Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế gửi tất cả các địa phương, cơ sở y tế.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu cho các bệnh viện trực thuộc Bộ. Từ đó, để các bệnh việc chủ động, linh hoạt, tự quyết định, và chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

Hội thảo triển khai triển khai thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: MOH

Hội thảo triển khai triển khai thi hành Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: MOH

Tại hội thảo, đại diện các Sở Y tế, bệnh viện đã nêu ra nhiều nội dung còn vướng mắc như: Thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp. Có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm.

Cùng với đó, việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất như: Việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình. Khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu.

Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về lập và thẩm định hồ sơ thầu, hay thông tư chưa có quy định rõ về hàm lượng đối với một số thuốc biệt dược trong Danh mục bảo hiểm y tế...

Nhiều nội dung đã được các chuyên gia hướng dẫn, giải đáp cụ thể, như: Các cơ sở y tế có thể đấu thầu để mua sắm số lượng sử dụng cho nhu cầu trong 2 năm, 3 năm, thay vì đấu thầu dùng cho 1 năm như trước đây; cách thức xác định giá gói thầu cho phù hợp; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa; thực hiện ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung…

Ông Đỗ Trung Hưng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, những vướng mắc đều đã được các chuyên gia của Bộ Y tế giải đáp, hướng dẫn cụ thể, đồng thời khẳng định những nội dung này đều đã được quy định chi tiết trong Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị để tháo gỡ vướng mắc trong việc thi hành quy định của pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu.

Việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện thực hiện như thế nào?​

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về vấn đề mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc trong bệnh viện. Về nội dung này, các chuyên gia cho hay đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc của bệnh viện, Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT đã hướng dẫn cụ thể cách thức mua sắm.

Theo đó, đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh viện có thể lựa chọn tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của bệnh viện, và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Bệnh viện cũng có thể tách riêng số lượng thuốc cần mua sắm để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu; lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu riêng.

Trong trường hợp này, bệnh viện có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Đấu thầu năm 2023. Tuy nhiên, phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Đối với thuốc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, bệnh viện tự quyết định việc mua sắm, trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình, mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Đại diện các đơn vị của Bộ Y tế giải đáp vướng mắc của các cơ sở y tế - Ảnh: MOH

Đại diện các đơn vị của Bộ Y tế giải đáp vướng mắc của các cơ sở y tế - Ảnh: MOH

Ngoài ra, đối với nhà thuốc tư nhân nằm trong khuôn viện bệnh viện, không thuộc quyền quản lý của bệnh viện, ví dụ bệnh viện cho tư nhân thuê địa điểm thì hoạt động mua thuốc, vật tư y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… của các cơ sở này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, trong đó có Luật Đấu thầu năm 2023.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất, thống nhất của nhiều bệnh viện, Bộ Y tế đã tổng hợp, có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi quy định về mua thuốc để bán lẻ trong nhà thuốc thuộc khuôn viên bệnh viện, theo hướng cho phép bệnh viện được áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần, thay vì một lần như quy định hiện hành.

Việc cho phép áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần, cùng với các quy định khác như: Áp dụng tùy chọn mua thêm; mua sắm cho nhu cầu sử dụng nhiều hơn một năm; áp dụng chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến… sẽ bảo đảm đáp ứng được yêu cầu về mua sắm thuốc cho nhà thuốc bệnh viện, vật tư, thiết bị y tế và các hàng hóa khác.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin