Bộ Y tế: Tết Giáp Thìn, số bệnh nhân khám, cấp cứu tăng hơn 30%

Trong 7 ngày Tết Giáp Thìn các cơ sở y tế đã tiếp nhận thăm khám, cấp cứu hơn 400.000 người - Ảnh: Báo Lao Động.

Ngắm Hà Nội yên bình trong sáng mùng 1 Tết Giáp Thìn

Cảnh báo nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024

Cảnh báo nguy cơ thiếu an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024

Thủ tướng: Khi bệnh viện còn bệnh nhân, y bác sĩ chưa thể nghỉ ngơi

Chiều 14/2, Bộ Y tế đã có thông tin về tình hình công tác y tế trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, từ ngày 29 Tết (8/2/2024) đến ngày Mùng 5 Tết (14/2/2024).

Khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa tăng hơn 50%

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, TP, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết, trong 7 ngày Tết Nguyên đán, ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết; không ghi nhận trường hợp tử vong. Hiện có 5 địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm: Tiền Giang (11 ổ dịch), An Giang (9 ổ dịch), Tây Ninh (8 ổ dịch), Bến Tre (6 ổ dịch), TP.HCM (3 ổ dịch). Về bệnh tay chân miệng, ghi nhận 225 trường hợp mắc bệnh; không ghi nhận trường hợp tử vong.

Tình hình khám cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông, Bộ Y tế cho biết, tổng số ca khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông là 23.244 trường hợp, giảm 12,1% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Số lượt tai nạn nghi liên quan đến giao thông phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi là 8.967 trường hợp, giảm 8,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Chuyển tuyến trên điều trị là 2.930 trường hợp, tăng 6,5% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện là 5.728 trường hợp, giảm 1,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 118 (trong đó tử vong tại bệnh viện là 37; tử vong trước khi đến bệnh viện là 81), giảm 22,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Đối với tai nạn do pháo nổ, chất nổ, có 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, tăng 51,4% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (315 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 15% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).

Số khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác là 87 trường hợp, tăng 56 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023 (39 trường hợp phải nhập viện điều trị, tăng 17 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023; tử vong là 4 trường hợp, tăng 2 ca so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).

Tổng số khám, cấp cứu ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa: 616 ca, giảm 9,5% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023, trong đó số nhập viện theo dõi điều trị: 341 ca, giảm 19,6% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023.

Những ca ghép tạng trong kỳ nghỉ Tết

Trong những ngày nghỉ Tết, các bệnh viện vẫn bảo đảm duy trì công tác khám, chữa bệnh thông thường, cấp cứu, thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, kể cả những kỹ thuật khó, phức tạp nhất như ghép tạng.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công lấy, ghép đa mô, tạng từ người cho chết não do tai nạn giao thông. Ngày 09/02/2024 (30 Tết), bệnh viện đã huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia tổ chức lấy, ghép và điều phối 08 mô, tạng; 05 ca ghép tạng được thực hiện ngay sau khi lấy mô, tạng (ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tụy-thận, ghép 2 cánh tay); phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, điều phối 2 lá phổi cho Bệnh viện Phổi Trung ương.

Cũng trong ngày 30 Tết, Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện thành công ca ghép phổi. Người nhận phổi là nữ bệnh nhân, 21 tuổi, tỉnh Bắc Kạn. Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia và các chuyên gia khác từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội và chuyên gia quốc tế.

Sau ghép tạng toàn bộ người bệnh đều được theo dõi điều trị tích cực, cho tới nay sức khỏe người bệnh ổn định và các tạng đang dần hồi phục tốt.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Quán triệt chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; bảo đảm kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc triển khai các nhiệm vụ sau Tết Nguyên Đán năm 2024, Bộ Y tế tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Tập trung xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trọng tâm của Ngành như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế.

2. Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt đối với dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi. Tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng.

3. Chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; có phương án thường trực, sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, điều trị, khám bệnh, chữa bệnh thường quy và phòng, chống dịch bệnh.

4. Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Lễ hội Xuân năm 2024.

5. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe. Tăng cường truyền thông các chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, các chính sách mới được ban hành.

6. Tổ chức hiệu quả các hoạt động dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2024; tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác y tế.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn