Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm quảng cáo sản phẩm, thực phẩm sai quy định
Hơn 400 sản phẩm TPBVSK được cấp giấy xác nhận quảng cáo trong Quý I/2025
Inforgraphic: Cẩn trọng với quảng cáo thổi phổng công dụng thực phẩm
Bát nháo trong quảng cáo TPCN: Không chỉ là vi phạm về đạo đức!
Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra dấu hiệu vi phạm quảng cáo Kẹo rau củ Kera
Sốc với quảng cáo sản phẩm Hikid: 100g bằng 20 lít sữa!
Ngày 15/4, Cục ATTP cho biết, Cục đã nhận được phản ánh của Báo Công Thương về việc kiểm tra, xử lý nội dung quảng cáo sữa Hikid sai quy định.
Theo Báo Công Thương, những ngày gần đây, fanpage “Hikid Vietnam” có 10 nghìn lượt thích và 11 nghìn lượt theo dõi cùng các trang tiktok đang trở thành tâm điểm chú ý khi liên tục đăng tải loạt nội dung quảng cáo sản phẩm Hikid với nhiều thông tin dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Thông tin trên trang facebook này cho thấy, sản phẩm Hikid do Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh (địa chỉ: 33 Nguyễn Như Đổ, Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, Hà Nội) nhập khẩu và phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cách thức quảng cáo trên fanpage này lại thể hiện nhiều dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật Việt Nam về quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN).
Trong nhiều bài viết, video quảng cáo, fanpage này thường xuyên xuất hiện cụm từ “Hikid - số 1 chiều cao”. Đây là thông điệp do chính fanpage tự gắn vào nội dung quảng cáo sản phẩm, hoàn toàn không có tài liệu hay cơ sở pháp lý được cơ quan chức năng tại Việt Nam xác nhận.
Trong một clip quảng cáo khác, hình ảnh hộp sữa Hikid còn được so sánh trực tiếp với sữa tươi qua câu quảng cáo gây sốc: “100g Hikid = 2mg CBP = 20L Sữa tươi”.

Fanpage “Hikid Vietnam” sử dụng hình ảnh bác sĩ để khuyên dùng sản phẩm sữa Hikid - Ảnh chụp màn hình
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng khoản 10 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Cách so sánh kiểu này dễ khiến người tiêu dùng, đặc biệt là phụ huynh, ngộ nhận rằng sữa Hikid có giá trị dinh dưỡng vượt trội hơn hẳn sữa tươi thông thường, trong khi đây chỉ là thực phẩm bổ sung, hoàn toàn không thể thay thế thực phẩm chính hoặc có tác dụng thần kỳ như quảng cáo.
Điểm đáng chú ý tiếp theo là việc fanpage Hikid Vietnam liên tục sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để tăng độ tin cậy cho sản phẩm. Trang facebook này còn khoa trương: "Sữa Hikid có gì mà thu hút được Nhà báo Lại Văn Sâm". Thế nhưng thực chất, chỉ là trò cắt ghép ảnh của Nhà báo Lại Văn Sâm rồi đưa vào trong clip. Mới đây, chính nhà báo Lại Văn Sâm đã phải khẳng định trên mạng xã hội rằng bản thân không quảng cáo cho hãng nào.
Hình thức quảng cáo gắn hình ảnh người nổi tiếng, kết hợp lời lẽ thổi phồng công dụng sản phẩm, dễ dẫn dắt người tiêu dùng tin rằng sản phẩm thực sự có khả năng tăng chiều cao vượt trội như lời giới thiệu.
Thậm chí, một số video quảng cáo trên fanpage Hikid Vietnam còn sử dụng hình ảnh người mặc áo blouse trắng, tự giới thiệu là bác sĩ, khuyên dùng sữa Hikid để tăng chiều cao cho trẻ.
Trước sự phản đối của dư luận, trong thông cáo báo chí đăng tải công khai, Công ty TNHH XNK & TM Phương Linh - đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sản phẩm Hikid tại Việt Nam, đã đưa ra lời xin lỗi khách hàng.
"Liên quan đến các thông tin so sánh “hàm lượng 2mg CBP/100g bột sữa tương đương hàm lượng CBP có trong 20 lít sữa tươi”, chúng tôi nhìn nhận sự thiếu sót rằng hiện chưa có cơ sở khoa học hoặc tài liệu quy đổi chính thức từ các cơ quan chức năng xác nhận con số cụ thể. Do đó, nếu những thông tin này đã được diễn đạt chưa đủ rõ ràng trong truyền thông, chúng tôi xác nhận và sẽ điều chỉnh lại theo hướng minh bạch hơn" - thông báo của công ty này khẳng định.
Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ “thổi phồng” thành “thần dược” chữa bệnh tự kỷ
Cũng trong ngày 15/4, Cục ATTP cho biết, Cục đã có công văn số 754 /ATTP – NĐTT gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về việc đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bổ sung, sau khi nhận được phản ánh của Báo Tiếng nói Việt Nam (VOV) về vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm qua bài viết "Thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ có dấu hiệu "thổi phồng" công dụng, thành "thần dược" chữa bệnh tự kỷ".
Cục ATTP đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, quảng cáo vi phạm sản phẩm được báo chí phản ánh (nếu có) và báo cáo kết quả về Cục ATTP.
Trước đó, theo Báo VOV, sản phẩm Nutri Brain IQ “thổi phồng” công dụng thành “thần dược chữa bệnh tự kỷ", đã và đang lấy đi “cơ hội vàng” để chữa bệnh của nhiều trẻ tự kỷ.

Nutri Brain IQ được quảng cáo sản xuất tại Nhật Bản và có công dụng như thuốc chữa bệnh “rối loạn phổ tử kỷ”
Chủ nhãn sữa Nutri Brain IQ còn tự quảng cáo rằng sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản và có công dụng như "thuốc chữa bệnh rối loạn phổ tử kỷ” thông qua bài phỏng vấn độc quyền với “giáo sư trí não danh tiếng hàng đầu Nhật Bản".
Tại bản tự công bố sản phẩm của công ty này, sữa Nutri Brain IQ thực chất chỉ là thực phẩm bổ sung Nutri Brain IQ chứ không phải là sữa "chữa tự kỷ" như nhân viên đã quảng cáo. Sản phẩm do Công ty TNHH tổ hợp Thương mại và Đầu tư quốc tế Hoàng Gia có địa chỉ số nhà 27, đường 3.9/1 Khu đô thị Gamuda Gardens, Phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội, phân phối.
Đề nghị xử lý nghiêm quảng cáo sản phẩm, thực phẩm sai quy định

Bộ Y tế đề nghị xử lý người nổi tiếng vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm
Trước tình hình này, Cục trưởng Cục ATTP Trần Việt Nga đã ký công văn gửi tới Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cùng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đề nghị phối hợp tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Động thái này xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại được phản ánh bởi báo chí và các cuộc kiểm tra thực tế: nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tham gia quảng cáo các loại thực phẩm, TPCN có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, một số nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm rằng sản phẩm có khả năng điều trị bệnh, sai lệch về công dụng hoặc chất lượng thực tế, điều bị nghiêm cấm theo quy định hiện hành.
Cục ATTP yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trang mạng, nền tảng truyền thông vi phạm và cá nhân tham gia quảng cáo sai quy định. Đồng thời, đề nghị các đơn vị thông báo kết quả xử lý để tổng hợp, báo cáo và có căn cứ hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình có thông tin, Bộ này đang sửa đổi Luật Quảng cáo. Trong đó, dự kiến bổ sung một số điều cụ thể liên quan đến người nổi tiếng tham gia quảng cáo như, người tham gia quảng cáo trên mạng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật pháp nói chung và Luật Quảng cáo nói riêng liên quan đến sản phẩm mình quảng cáo.
"Chúng tôi cũng dự kiến trong Nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo sẽ quy định điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng, trong đó sẽ tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội", ông Lê Hải Bình cho biết.
Cùng với các biện pháp xử lý hành chính, các cơ quan chức năng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Người tiêu dùng cần có kỹ năng nhận diện quảng cáo sai sự thật, trong khi người nổi tiếng cần hiểu rằng việc tham gia quảng cáo không đơn thuần chỉ là hợp tác thương mại, mà còn là sự "đánh cược" với uy tín cá nhân và lòng tin từ công chúng, những giá trị mà một khi mất đi thì rất khó để lấy lại.
Bình luận của bạn