Bộ Y tế: Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc

Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.

Dịch đau mắt đỏ lây lan cả nước, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng bệnh

Làm gì để phòng tránh lây lan đau mắt đỏ?

Podcast: Người dân không nên tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ

Podcast: Tại sao không nên lạm dụng corticoid nhỏ mắt khi bị đau mắt đỏ?

Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Để bảo đảm việc cung ứng thuốc và kiểm soát giá các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo hình thức phù hợp, sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; nghiêm túc tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là những trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

"Các địa phương bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Đối với các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi", Cục Quản lý Dược nêu rõ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc cần chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc.

Không tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không nên tự ý điều trị đau mắt đỏ để tránh biến chứng

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không nên tự ý điều trị đau mắt đỏ để tránh biến chứng

Theo bác sĩ chuyên khoa mắt, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp, là tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn hoặc virus gây nên với triệu chứng thường gặp là đỏ mắt. 

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh...

Thời gian qua, nhiều người dân không đến các cơ sở y tế khám để có phương pháp điều trị mà tự ý mua thuốc. Trước tình trạng người dân ồ ạt tự ý đi mua thuốc, các bác sĩ khuyến cáo: Người bệnh không tự mua thuốc mà phải đến bác sĩ nhãn khoa thăm khám. Vừa qua có tình trạng bệnh nhân tự ý dùng thuốc nhỏ mắt không qua chẩn đoán, điều trị nên dẫn đến biến chứng.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm vì thường sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn.

Các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon…) có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài…

Bệnh nhân cũng cần tránh sử dụng các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng như đắp các loại lá thuốc, xông hơi lá trầu, tra nước cốt chanh, nước tiểu, sữa mẹ, mật gấu, nha đam, thậm chí đắp thịt ếch nhái vào mắt. Nhiều trường hợp đã gây nên các biến chứng nặng nề khó hồi phục.

Để bệnh nhanh khỏi và tránh gây biến chứng ảnh hưởng đên thị lực, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên tự điều trị tại nhà, tránh việc tự ý mua các loại thuốc tra có chứa corticoid để điều trị.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin