Bệnh viện cơ bản đủ thuốc, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo xử lý loạt vấn đề tồn đọng

Thủ tướng thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: VGP.

Thủ tướng nhấn mạnh vai trò báo chí trong truyền thông chính sách

Thủ tướng chỉ đạo những việc cần làm ngay “giải cứu” ngành y tế

Thủ tướng: Bộ Y tế không được để thiếu thuốc, thiết bị y tế

"Nút thắt" y tế được tháo gỡ, nhiều bệnh viện hoạt động trở lại bình thường

Mua sắm, đấu thầu thuốc cơ bản được tháo gỡ

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận tới 400 bệnh nhân. Trước khi Nghị quyết 30 và Nghị định 07 tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế được ban hành, nhiều lô thuốc trúng thầu mà không thông quan được. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động. Thậm chí có thiết bị trị giá hàng chục tỉ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng là phải "trùm mền" vì rất khó để thay.

Đơn cử như hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của bệnh viện phải "đắp chiếu" 3 năm do hệ thống này sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết, phải trải qua các thủ tục rất phức tạp mới có thể trở thành tài sản của bệnh viện. Nhờ có Nghị quyết 30, phía doanh nghiệp đã tặng lại hệ thống này sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết và phát huy hiệu quả rất tốt trong khám chữa bệnh cho nhân dân.

Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của Bệnh viện đã hoạt động trở lại sau 3 năm đắp chiếu - Ảnh: VGP

Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash của Siemens rất hiện đại của Bệnh viện đã hoạt động trở lại sau 3 năm đắp chiếu - Ảnh: VGP

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, một số loại máy móc chẩn đoán vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ, tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là tại các đơn vị khác của bệnh viện, cần tiếp tục khắc phục. Vì vậy, các cơ quan cần sớm ban hành quy định mua sắm, đấu thầu với hiệu lực pháp lý cao hơn; triển khai việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.

Thêm nữa là hiện nay các thuốc chuyên ngành, chống độc, hiếm với số lượng tiêu thụ không lớn vẫn có lúc chưa đáp ứng được. Do đó, bệnh viện đề nghị lập các kho thuốc hiếm ở 3 miền. Mục đích là khi cần thiết, như trường hợp ngộ độc do botulinum khi người dân ăn cá chép muối ủ chua ở Quảng Nam, sẽ hỗ trợ cho địa phương, các cơ sở y tế kịp thời...

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lãnh đạo Bệnh viện nêu những khó khăn liên quan tới quy định trước đây đã được tháo gỡ, không còn vướng mắc gì lớn trong việc mua sắm, đấu thầu. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiến hành mở 27 gói thầu về vật tư tiêu hao, sửa chữa lớn các trang thiết bị… Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các loại thuốc hiếm chưa được đáp ứng hoàn toàn đầy đủ, kịp thời.

Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu cơ bản cũng đã được giải quyết, song một số loại sinh phẩm, vật tư có thể không đáp ứng đủ khi nhu cầu tăng đột biến, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát. Ngoài ra, bệnh viện cũng gặp vướng mắc trong cơ chế tự chủ; xử lý một số loại sinh phẩm, thuốc,...phục vụ phòng chống COVID-19 còn tồn đọng…

Thủ tướng kiểm tra "đột xuất" nhiều bệnh viện tuyến cuối, tiếp tục chỉ đạo loạt vấn đề "nóng" còn tồn đọng

Ghi nhận các ý kiến sau khi khảo sát "đột xuất" một số bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn Hà Nội vào sáng 11/4, nhằm kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Y tế, nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để bảo đảm thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề cấp bách.

Thủ tướng đề nghị các cơ sở y tế phát huy trách nhiệm trong đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, vừa chống tình trạng "sợ trách nhiệm", vừa bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Thủ tướng giao Bộ Y tế trong năm nay cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh; ưu tiên các quy định hướng dẫn về thuốc men, trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, tăng cường chuyển đổi số trong đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế.

Thủ tướng làm việc với các Bộ ngành và lãnh đạo các bệnh viện để đưa ra giải pháp tháo gỡ ngay những vướng mắc còn tồn đọng - Ảnh: VGP

Thủ tướng làm việc với các Bộ ngành và lãnh đạo các bệnh viện để đưa ra giải pháp tháo gỡ ngay những vướng mắc còn tồn đọng - Ảnh: VGP

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, thành lập ngay các trung tâm chuyên dự trữ thuốc hiếm, đặt tại 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, giao một bệnh viện hàng đầu tại đó quản lý, điều phối.

Theo người đứng đầu Chính phủ, cần hoàn thiện cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa, bởi nếu lợi ích quá nghiêng về người bệnh thì doanh nghiệp không có tiền đầu tư, nếu quá nghiêng về doanh nghiệp, Nhà nước và người dân sẽ thiệt thòi.

Từ thực tiễn, Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu quy định đặc thù phù hợp với các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; luôn sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến có thể xảy ra.

Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức họp ngay trong tuần để giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Nhiệt đới; khẩn trương giải quyết các vấn đề liên quan tới sinh phẩm, thuốc… phòng chống COVID-19 của bệnh viện.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Y tế và các cơ quan cần khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn