Khởi tố vụ rút ruột bảo hiểm y tế tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội
Chi trả bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS
TP HCM: Có bảo hiểm y tế, vẫn phải mổ dịch vụ
Báo động rút ruột bảo hiểm y tế
Thay đổi danh mục thuốc chi trả của bảo hiểm y tế.
Chị Bùi Lý Thị Phương (phường La Khê, quận Hà Đông): Cần thực hiện theo lộ trình thích hợp
Gia đình tôi có chị gái bị mắc bệnh nan y nhiều năm nay nên tôi rất hiểu hoàn cảnh của các gia đình có người nhà đang mắc bệnh ác tính. Mặc dù trong quá trình khám và điều trị, hầu hết các khoản chi đã được BHYT chi trả nhưng kinh tế của các gia đình có người mắc bệnh đều kiệt quệ. Khi biết Bộ Y tế công bố một số loại thuốc nằm trong nhóm điều trị bệnh ung thư và viêm khớp dạng thấp không được thanh toán hoặc giảm mức chi trả từ 100% xuống còn 50%, một số loại thuốc khác còn bị giảm mức chi trả xuống 30% thì không chỉ những gia đình có người đang mắc bệnh ung thư mà nhiều người dân đều lo lắng. Vì, theo cách tính mới, số tiền phải chi trả cho việc điều trị bệnh sẽ cao, đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ phải vay mượn để chữa bệnh hoặc đành từ bỏ cơ hội kéo dài cuộc sống. Vẫn biết, các loại thuốc trong nhóm điều trị bệnh ung thư giá cao, nếu giảm mức chi đối với nhóm này sẽ giảm một phần "gánh nặng" cho quỹ BHYT, nhưng theo tôi, Bộ Y tế nên cân nhắc kỹ việc tính mức thanh toán đối với các loại thuốc thuộc nhóm điều trị bệnh ung thư, vẫn thực hiện giảm mức chi nhưng giảm dần theo từng năm, hoặc từng giai đoạn, không nên giảm từ 100% mức chi trả hiện nay xuống còn 30-35% như dự thảo.
Ông Cấn Đỗ Hiệp (xã Cấn Hữu,huyện Quốc Oai): Xử lý nghiêm những đối tượng, cơ sở y tế trục lợi BHYT
Từ ngày chính sách BHYT được triển khai đến nay, nhiều gia đình bệnh nhân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, hộ nghèo đã được giảm đáng kể chi phí cho việc khám chữa bệnh. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân (giai đoạn 2012-2015 và 2020) với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người dân sử dụng dịch vụ y tế. Gần đây, Bộ Y tế lại công bố Dự thảo danh mục thuốc được BHYT thanh toán có nhiều điểm mới khiến nhiều người dân hoang mang. Ai cũng biết, mục đích cao cả của bảo hiểm nói chung và BHYT nói riêng là chia sẻ với người dân khi họ gặp rủi ro, bệnh tật, vậy mà BHYT lại tính đến chuyện cắt giảm mức chi đối với những bệnh nhân đang cần trợ giúp nhất. Tôi được biết, năm qua BHXH Việt Nam đã thu hồi hàng chục tỷ đồng tiền lạm dụng xét nghiệm từ các cơ sở khám chữa bệnh. Theo tôi, thay vì siết chặt danh mục BHYT thì ngành y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chi trả phí khám chữa đối với bệnh nhân BHYT, đồng thời xử lý nghiêm những đối tượng, cơ sở y tế có hành vi trục lợi từ Quỹ BHYT.
Anh Đinh Tự Đức (xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức): Cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp trây ỳ, trốn nộp tiền BHYT
Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, tính từ cuối năm 2010 đến nay, Quỹ BHYT đã kết dư. Tuy nhiên, đến hết năm 2013, số tiền chậm đóng, nợ BHXH, BHYT tới 6.448,9 tỷ đồng. Nguyên nhân của chậm đóng, nợ BH diễn ra phổ biến, có chiều hướng gia tăng là do nhiều doanh nghiệp giải thể, không có khả năng trả nợ. Thậm chí, có những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BH hoặc chiếm dụng tiền BH của người lao động… Một phần nguyên nhân của nỗi lo "vỡ" Quỹ BHYT, dẫn đến việc siết chặt chi trả nhiều loại thuốc chữa ung thư cũng là do tình trạng nợ tiền BH. Tôi cho rằng, để tránh xảy ra tình trạng nợ BH, Nhà nước cần có chế tài nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn chặn và tăng nặng hình thức xử phạt những doanh nghiệp chậm nộp, trốn đóng BH. Hơn nữa, số tiền đóng BHYT của mỗi người trong năm cũng không phải là quá lớn, đến mức ảnh hưởng tới kinh tế của mỗi gia đình. Nếu BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, cân đối tăng mức thu tiền BHYT cho phù hợp, cùng với việc tích cực thu "nợ" tiền BH, thì liệu có cần thiết phải siết chặt chi trả những loại thuốc đắt tiền?
Chị Lê Phương Ngọc (xã Mỹ Hưng,huyện Thanh Oai): Lý do siết chặt chi trả chưa thuyết phục…
Năm 2012, ngành y tế thực hiện lộ trình tăng viện phí kèm theo cam kết người bệnh có thẻ BHYT sẽ không phải chi thêm tiền để khám chữa bệnh. Nay đại diện BHXH Việt Nam cho rằng có những loại thuốc, Quỹ BHYT phải thanh toán hàng trăm triệu đồng/đợt điều trị, nhưng hiệu quả không cao, bệnh nhân chỉ kéo dài sự sống thêm 1-2 tháng, nếu tiếp tục chi trả kéo dài việc điều trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Quỹ BHYT và có nguy cơ "vỡ" quỹ. Trong khi đó, cũng theo Bộ Y tế, Quỹ BHYT năm 2012 kết dư tới hơn chục nghìn tỷ đồng. Với số kết dư đó, trong thời gian tới, Quỹ BHYT vẫn có thể tồn tại. Như vậy tôi thấy, lý giải của cơ quan chức năng về việc nhiều hoạt chất và thuốc điều trị sẽ bị hạ mức thanh toán do nguy cơ "vỡ" Quỹ BHYT là chưa thỏa đáng. Tại sao ngành y không tìm những biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập nhằm giảm tình trạng quá tải ở cơ sở y tế tuyến trên, thu hút được đa số người dân tham gia BHYT để tăng nguồn thu? Việc siết chặt chi trả BHYT có khác nào đẩy nỗi khổ cho bệnh nhân, nhất là những người nghèo mắc bệnh nan y.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng
Bình luận của bạn