Chăm sóc xương khớp trước khi quá muộn

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan

Ăn gà bỏ da, lãng phí "thuốc" phòng bệnh xương khớp

Thiên niên kiện trị bệnh xương khớp

Ai nói đau xương khớp không được chạy bộ?

Chế độ ăn cho người viêm xương khớp

Phòng bệnh xương khớp như thế nào và vào thời điểm nào là hợp lý? Health+ đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam về vấn đề này.

Đau nặng khi thời tiết lạnh
Thưa PGS.TS, Nguyễn Thị Ngọc Lan, các bệnh cơ xương khớp thường “kỵ” với thời tiết lạnh. Có những bệnh nào cần đặc biệt chú ý những khi thời tiết chuyển lạnh này?

Hầu hết bệnh nhân xương khớp có dấu hiệu tăng nặng khi thời tiết chuyển lạnh.

Về cơ bản, hầu hết các bệnh nhân mắc các bệnh về cơ xương khớp đều có cảm giác đau khớp tăng khi thay đổi thời tiết, trời trở lạnh... Tuy nhiên, trong nhóm bệnh xương khớp có một số bệnh nên được đặc biệt chú ý trong thời điểm tiết trời ngày càng lạnh này. Đó là các bệnh có viêm mạch, có hội chứng Raynaud. Đây là một hội chứng gây nên thiếu máu nuôi dưỡng ở đầu chi, bệnh nhân thường than phiền về cảm giác đau, tê, lạnh tại ngón chân, tay, nhiều trường hợp có hoại tử tại các ngọn chi. Các bệnh thường kèm theo hội chứng này là xơ cứng bì toàn thể, Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, bệnh viêm khớp dạng thấp và một số bệnh khác. Các bệnh này là bệnh tự miễn dịch, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm tại nhiều cơ quan, gây tàn phế ở người bệnh. Các bệnh này hiện chưa có phương pháp điều trị triệt để, do là bệnh mạn tính nên phải điều trị kéo dài.Ngoài thuốc men theo chỉ định của bác sỹ, mỗi khi thay đổi thời tiết, bệnh nhân bệnh này cần có các biện pháp tránh lạnh. Các tác nhân lạnh có thể khiến bệnh hoạt động. Nhiều bệnh nhân xơ cứng bì không được điều trị, bảo vệ, đã có hoại tử các ngọn chi, thậm chí phải đã phải tháo bỏ khớp.

Bác sỹ có thể giải thích rõ hơn về ba căn bệnh nêu trên?
Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm nhiễm khớp mạn tính tiến triển, thường dẫn đến dính khớp và biến dạng khớp. Điều đáng nói là nhiều người đến khám, điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, nguy cơ tàn phế cao. Đa phần bệnh nhân bỏ qua những triệu chứng sớm của bệnh là đau sưng các khớp, đặc biệt là các cổ tay, khớp ở bàn tay, ngón tay, khớp gối, thường có kèm theo cứng khớp vào buổi sáng - những triệu chứng này xuất hiện ở lứa tuổi trung niên. Khám và phát hiện sớm các triệu chứng bệnh trong giai đoạn này sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả, tránh dính khớp.

Một số các thông tin về bệnh viêm khớp dạng thấp hiện đã được các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến và người dân đã có một số hiểu biết về bệnh này. Riêng bệnh xơ cứng bì toàn thể và lupus ban đỏ hệ thống chưa thực sự được quan tâm. Xơ cứng bì toàn thể là bệnh tự miễn, đặc trưng bởi tình trạng da cứng, giảm hoặc mất độ chun giãn, kèm theo tổn thương đến nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Tổn thương bộ máy vận động bao gồm đau cơ, khớp, da toàn thân xơ cứng khiến bệnh nhân khó vận động. Phổi không giãn nở được do dày và xơ da là một nguyên nhân gây suy hô hấp, suy tim. Ngoài ra còn có rất nhiều triệu chứng khác về tiêu hóa (nuốt khó, trào ngược thực quản, rối loạn tiêu hóa...), về tim mạch (rối loạn nhịp tim, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim...). Đa phần bệnh nhân xơ cứng bì có Hội chứng Raynaud và gây các triệu chứng, di chứng như đã nêu ở trên. 


Lupus ban đỏ hệ thống biểu hiện đau khớp, sưng khớp ở bàn tay, cổ tay và khớp gối đối xứng hai bên kèm theo các tổn thương da ở mặt và các triệu chứng tại thận, tim mạch, hô hấp, huyết học... Đối với những bệnh nhân lupus, đặc biệt là những người phải sử dụng corticoid liều cao, có thể một số dạng tổn thương hoại tử xương do giảm máu nuôi. Tình trạng này được gọi là hoại tử vô mạch và thường gặp nhất ở đầu trên xương đùi. Tình trạng bệnh thường nặng.

Bệnh nhân ngày càng trẻ hóa
Gần đây, độ tuổi mắc bệnh cơ xương khớp hiện nay ngày càng trẻ. Đã có ghi nhận những ca bệnh dưới 35 tuổi bị thoái hóa khớp. Sự thật có đúng như vậy?

Một thực tế thăm khám hiện nay tại các bệnh viện chuyên khoa xương khớp là số người dưới 35 tuổi đến khám, điều trị xương khớp nhiều hơn, tập trung vào thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống cổ, cột sống lưng... Một ghi nhận tại TP.HCM cho thấy, tỷ lệ người trẻ bị thoái hóa khớp tăng khoảng 20% so với trước đây, chủ yếu là giới văn phòng và người phải hoạt động thể lực quá mức.

Phải khẳng định rằng, không phải chỉ người già mới mắc bệnh cơ xương khớp. Có bệnh viêm khớp mạn tính ở trẻ em. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống cũng có một tỷ lệ cao ở nữ, trẻ tuổi. Gần đây, cũng có một tỷ lệ cao các bệnh nhân khoảng 30 - 40 tuổi đau lưng mỏi gối đến khám, các bệnh nhân này thường là do ngồi nhiều, ít vận động, đặc biệt ít hoạt động ngoài trời, làm việc trí óc căng thẳng.

Vì sao có hiện tượng này, thưa bác sỹ?
Đau mỏi lưng, khớp có nhiều nguyên nhân. Đối với những nhân viên văn phòng, thường là do ngồi nhiều, ít vận động, cũng là một nguyên nhân gây co cứng cơ. Nhiều trường hợp làm việc trí óc căng thẳng gây các bệnh lý đau xương khớp do stress. Đặc biệt những người này ít hoạt động ngoài trời, dẫn đến thiếu vitamin D, kém hấp thu calci, cũng gây yếu bộ xương.

Về nguyên tắc, bệnh thoái hóa khớp là do quá trình lão hóa của sụn khớp, xảy ra ở người 38 - 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, người có thể có thoái hóa sớm: Mắc một số bệnh gây tổn thương sụn khớp, trục khớp không bình thường, yếu tô di truyền, béo phì. Hiện nay có nhiều người béo phì do chuộng thức ăn nhanh dẫn đến khớp dễ thoái hóa do phải “gánh” quá nhiều trọng lượng, đây là một yếu tố gây thoái hóa sớm. Một số người đã có thoái hóa khớp lại đi bộ quá nhiều, gây tăng tình trạng thoái hóa. Lối lối sống tĩnh tại, ít vận động, phụ thuộc nhiều vào máy móc, phương tiện hỗ trợ cũng khiến nhiều bệnh gia tăng: Tim mạch, chuyển hóa. Chế độ ăn uống không đủ chất, ăn kiêng khiến không đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng cơ thể và khớp nói riêng cũng cần được quan tâm.

Phòng bệnh khi chưa phát bệnh
Làm thế nào để phòng bệnh và khi đã mắc bệnh thì phòng ngừa tái phát bệnh?
Mỗi bệnh cần có các phác đồ khác nhau và mỗi giai đoạn bệnh cần các thuốc khác nhau, mỗi cá thể cần một chế độ điều trị riêng biệt. Khi còn trẻ, bạn nên có chế độ hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý thì sẽ tránh tổn thương xương khớp cũng như toàn bộ cơ thể nói chung. Bạn nên có chế độ ăn uống có đủ calci, đủ thành phần dinh dưỡng cho sụn khớp và tránh các thói quen có hại đối với khớp, ví dụ như ở khớp gối là ngồi xổm, leo cầu thang, khiêng vác nặng… với cột sống thắt lưng là tránh cúi, xoắn, vặn cột sống... 

Cần phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh. Dấu hiệu của thoái hóa khớp là đau khớp (thường gặp là khớp gối, cử động khớp có tiếng lạo xạo). Triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp là sưng đau các khớp ở cổ tay, bàn tay. Cơn gout cấp điển hình là sưng đau dữ dội các ngón chân cái. Nếu gặp những triệu chứng sưng đau khớp, người bệnh nên đi khám để được điều trị sớm và không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Đỉnh phát triển xương của con người thường là khoảng 25 nên cần bổ sung sớm, trước tuổi này để đạt được bộ xương có chất lượng tốt nhất. Và khi qua độ tuổi 25 - 30, mọi người cũng vẫn nên quan tâm, phòng ngừa bệnh xương khớp. Đây cũng là khuyến cáo từ Kế hoạch Hành động Quốc gia về Viêm khớp của nước ta.
 
Để phòng ngừa thoái hóa khớp, chăm sóc xương khớp tốt cần có một chế độ sinh hoạt điều độ, tập luyện thể thao thường xuyên, ăn uống cân đối với đầy đủ các chất. Về vận động, tùy lứa tuổi, tình trạng sức khỏe mà có môn thể thao phù hợp với sức khỏe. Các môn thể thao phù hợp là đi xe đạp, bơi lội (tốt cho cột sống). Về chế độ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung calci, vitamin D (có thể ra ngoài nắng 15 phút/lần và 3 lần/tuần), uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Loại bỏ các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá khỏi cuộc sống. Và cuối cùng là tầm soát bệnh sớm, khám bệnh định kỳ 2 lần/năm.

Có một xu hướng hiện nay trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các căn bệnh liên quan đến xương khớp là sử dụng các loại thực phẩm chức năng được“viên hóa” từ các loại thảo dược truyền thống. Bác sý đánh giá thế nào về lợi ích của xu hướng này?
Tùy theo mỗi bệnh mà sử dụng loại nào. Nên nhớ đây không phải là thuốc chữa bệnh. Tất cả các thực phẩm chức năng nên được bác sỹ tư vấn và bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng 

Cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ!

Khánh Hạ (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bác sỹ ơi