WHO lên tiếng cảnh báo khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện liên tiếp ở 2 quốc gia Châu Á là Hàn Quốc và Singapore - Ảnh: Getty Images
Gần 107.000 thí sinh tại Hà Nội thi vào lớp 10, 42 nước ghi nhận đậu mùa khỉ
WHO xem xét công bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ
TP.HCM hướng dẫn xử trí khi phát hiện trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ
Nhiều tỉnh miền Tây tồn vaccine COVID-19, dịch đậu mùa khỉ có thể lây lan qua không khí
Theo CNBC, ngày hôm nay (23/6), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để đánh giá liệu sự lây lan hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ có phải là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) hay không.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông đã quyết định triệu tập ủy ban khẩn cấp vì virus đậu mùa khỉ đã có những biểu hiện "bất thường" gần đây sau khi bùng phát ở các quốc gia ngoài khu vực Châu Phi.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, là một tuyên bố chính thức của tổ chức này do Ủy ban khẩn cấp IHR ban hành Quy định Y tế Quốc tế về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.
Việc WHO xếp một căn bệnh là PHEIC sẽ khuyến khích các quốc gia hợp tác với nhau để tìm biện pháp đối phó, đồng thời cho phép cơ quan này đề xuất những bước để kiểm soát dịch.
Ông Tedros cho biết cuộc họp của các chuyên gia sẽ giúp nâng cao hiểu biết và kiến thức về virus khi WHO đưa ra hướng dẫn mới về việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ.
Tiến sỹ Ibrahima Soce Fall - Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO tại Châu Phi cho biết, số ca bệnh đậu mùa khỉ đang tăng lên mỗi ngày và các quan chức y tế phải đối mặt với “nhiều lỗ hổng kiến thức về động lực của sự lây truyền”.
“Với lời khuyên từ ủy ban khẩn cấp của WHO, chúng tôi có thể ở vị trí tốt hơn để kiểm soát tình hình. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ chuyển thẳng đến PHEIC. Chúng tôi cũng không muốn đợi cho đến khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát mới bắt đầu gọi cho ủy ban khẩn cấp” - ông Fall cho hay.
Theo CNBC, nếu được tuyên bố là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe quốc tế, bệnh đậu mùa khỉ sẽ được đặt tên như đại dịch COVID-19 và có nghĩa là WHO coi căn bệnh bình thường hiếm gặp này trở thành một mối đe dọa mới đối với các quốc gia trên toàn cầu.
Hàn Quốc có 2 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên
Yonhap ngày 22/6 dẫn lời các quan chức y tế công cộng Hàn Quốc cho biết, nước này đã báo cáo 2 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông tin, 2 ca nghi mắc được xác định ngày 21/6 và các xét nghiệm đang được triển khai.
Theo KDCA, một trong hai ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Hàn Quốc là một công dân nước ngoài, được cho là có các triệu chứng bao gồm: đau họng, tổn thương da và các triệu chứng nghi virus đậu mùa khỉ kể từ ngày 20/6, nhập cảnh vào nước này hôm 21/6 và hiện đang được điều trị trên giường cách ly tại một bệnh viện ở TP Busan, cách thủ đô Seoul khoảng 300 km về phía Đông Nam.
Người còn lại là một công dân Hàn Quốc xuất hiện triệu chứng khi trở về nước từ Đức vào chiều 21/6, đã được đưa đến Trung tâm Y tế Incheon để điều trị.
Trước đó vào đầu tháng này, Hàn Quốc đã xếp bệnh mùa đậu khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp độ hai, theo hệ thống bốn cấp của nước này, với 22 bệnh truyền nhiễm bao gồm COVID-19, dịch tả và thủy đậu được đưa vào cùng một danh mục.
Singapore trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ
Theo SCMP, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở đảo quốc này. Bệnh nhân (42 tuổi) là một tiếp viên hàng không mang quốc tịch Anh.
Bộ Y tế Singapore cho biết, người đàn ông người Anh đã có kết quả dương tính với bệnh đậu mùa khỉ trong lần trở lại Singapore vào ngày 20/6 sau khi đã bay đến và rời khỏi quốc đảo này vào giữa tháng 6.
Hiện người này đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm Singapore (NCID) và tình trạng của bệnh nhân đã ổn định. Bộ Y tế Singapore cho biết thêm rằng họ đang bắt đầu truy vết và cho cách ly 21 ngày đối với 13 người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
WHO xóa bỏ phân biệt quốc gia lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, điều tra khả năng virus tồn tại trong tinh dịch
Hôm 17/6, WHO cho biết họ đã xóa bỏ sự phân biệt giữa quốc gia lưu hành và không lưu hành virus đậu mùa khỉ trong dữ liệu của mình để có thể phản ứng tốt hơn trước làn sóng lây nhiễm mới, theo hãng tin AFP.
"Chúng tôi đang xóa bỏ sự phân biệt giữa quốc gia lưu hành và không lưu hành bệnh để có thể thống nhất trong cách phản ứng và thu thập báo cáo từ các quốc gia cùng nhau nếu có thể" - WHO cho biết.
Trước đó, WHO cũng cho biết họ đang xem xét các báo cáo cho rằng virus đậu mùa khỉ tồn tại trong tinh dịch của bệnh nhân, một trong những tác nhân làm bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bệnh đậu mùa khỉ hiện vẫn đang trong giai đoạn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới. Tính đến ngày 21/6, tổng cộng có khoảng hơn 40 quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Trước đây, bệnh thường chỉ xuất hiện ở Châu Phi nhưng giờ đã lan ra nhiều châu lục. Tại Châu Âu, ngày 21/6 Pháp đã phát hiện 277 trường hợp mắc bệnh, tăng mạnh mẽ theo ngày. Tại Châu Á cũng đã có một số quốc gia khác ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ, bao gồm Israel, UAE, mới đây là Hàn Quốc và Singapore.
Bình luận của bạn