Chuyên gia y tế đánh giá về nguy cơ biến thể Omicron vào Việt Nam

Còn quá sớm để kết luận về độc lực của Omicron nhưng vẫn cần hành động từ sớm để tránh để lại hậu quả tai hại.

"Siêu biến thể" Omicron đang lan ra nhiều quốc gia trên thế giới

Cuộc chạy đua phát triển vaccine chống biến thể Omicron

Bộ Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Omicron - "Siêu biến thể COVID-19" nguy hiểm thế nào mà cả thế giới lo sợ?

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021, có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế nhấn mạnh, WHO đưa biến chủng Omicron vào biến thể đáng quan ngại cùng với những biến thể Alpha, Beta và Delta vì dự đoán nó nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta. Với những đặc điểm này, dự báo Omicron lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta. Nếu biến thể mới kháng lại các vaccine phòng COVID-19 hiện nay và đi cùng mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ kháng lại vaccine còn tiếp tục nghiên cứu.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất hiện nay là tạm dừng các chuyến bay đi/về từ các nước Châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, cần lưu ý có những người ở Châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi về Việt Nam. "Tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, đồng thời làm các xét nghiệm trong nước, điều tra dịch tễ, giải trình tự gene", ông Phu nói và khuyến cáo người dân luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, thực hiện 5K trong bối cảnh nguy cơ biến chủng mới có thể xâm nhập.

Trên thực tế, cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với chủng Omicron, song Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ dừng các chuyến bay đến, hay về từ Nam Châu Phi. Hệ thống giám sát dịch tại Việt Nam đã tăng cường nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Triệu chứng điển hình của Omicron và lời trấn an của các nhà khoa học

Bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA) là người đầu tiên cảnh báo về biến thể mới Omicron - Ảnh: BBC

Bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA) là người đầu tiên cảnh báo về biến thể mới Omicron - Ảnh: BBC

Nhằm trấn an đối với thế giới về sự nguy hiểm của chủng mới SARS-CoV-2, các chuyên gia y tế ở Nam Phi đã đưa ra bằng chứng cho biết, biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ so với nhiều biến thể trước đây, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, và chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện hoặc tử vong.

Bác sỹ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi (SAMA) cho biết, những bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron xuất hiện các triệu chứng rất khác nhưng đều ở thể nhẹ. Theo đó, 7 người mà bà điều trị đều cảm thấy rất mệt mỏi, đau cơ nhẹ, ngứa cổ họng và ho khan. Bác sỹ Coetzee cho biết, những người sau khi bị nhiễm hồi phục tốt tại nhà và khỏe hơn trong vòng 2-3 ngày. Không ai bị mất vị giác, khứu giác hay giảm mạnh nồng độ oxy trong máu.

Hầu hết các ca nhiễm biến thể Omicron cho đến nay là ở những người trẻ tuổi. Do đó, các chuyên gia cho rằng các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau khi Omicron lây lan sang các nhóm tuổi cao hơn, mắc bệnh mạn tính.

Theo New York Times, Tiến sĩ Eric Topol, Giám đốc và là người sáng lập Viện Nghiên cứu Scripps cho biết: “Đây có thể là tin tức bớt lo ngại nhất về biến thể mới nếu điều này thực sự được xác thông qua việc theo dõi tất cả các trường hợp bị nhiễm. Rất ít người nghĩ rằng, biến thể siêu đột biến Omicron có thể giảm độc lực”.

Ngày 29/11, Giáo sư Karl Lauterbach, người đang tranh cử chức Bộ trưởng y tế tiếp theo của Đức cho biết, đó có thể là diễn biến tích cực nếu biến thể mới Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn. Giáo sư Karl Lauterbach gợi ý rằng, Omicron có rất nhiều đột biến (nhiều gấp đôi so với biến thể Delta) có nghĩa là nó có thể được tối ưu hóa để lây nhiễm nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn, theo Dailymail.

Giáo sư Paul Hunter, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học East Anglia (Anh) cũng nhận xét lý thuyết của ông Karl Lauterbach có thể đúng và cho rằng việc tiêm phòng giúp chống lại biến thể Omicron. Tương tự, Giáo sư Abdool Karim, người từng là cố vấn chính của chính phủ Nam Phi trong đợt đại dịch đầu tiên cho biết, ông tin rằng vaccine sẽ bảo vệ con người trước các triệu chứng nghiêm trọng.

Một số chuyên gia khác cho rằng, nếu Omicron không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả ở những người chưa được tiêm chủng, điều đó có thể thấy virus đang chuyển sang giai đoạn “bệnh đặc hữu” – nghĩa là virus vẫn xuất hiện nhưng theo cách dễ dàng kiểm soát hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cộng đồng không nên chủ quan, còn quá sớm để đưa ra kết luận về độc lực của Omicron.

Kinh nghiệm của thế giới trong gần 2 năm qua, đặc biệt như với các biến chủng Alpha và Delta cho thấy, cách tốt nhất là hành động từ sớm. Nếu biến chủng thực sự nguy hiểm, không hành động sẽ để lại hậu quả tai hại.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn