Omicron - "Siêu biến thể COVID-19" nguy hiểm thế nào mà cả thế giới lo sợ?

Biến thể mới phát hiện ở Nam Phi đang một lần nữa khiến cả thế giới phải lo sợ.

Thực hư câu chuyện biến thể Delta "tự diệt" ở Nhật Bản?

Biến thể Delta Plus có thể đe dọa thành quả chống dịch của thế giới?

Thách thức từ những thay đổi của biến thể virus SARS-CoV-2

WHO đang theo dõi 2 biến thể mới có khả năng kháng vaccine ở Nam Phi và Colombia

Những ngày qua, cả thế giới đã phải "run sợ" trước thông báo của giới khoa học về loại một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào ngày 24/11. Nó khiến nhiều quốc gia trên thế giới đồng loạt hạn chế di chuyển với Châu Phi và bày tỏ sự lo ngại về những gì sẽ xảy ra tiếp theo cho thế giới vốn đã khốn khổ trong 2 năm qua.

Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa biến chủng mới có tên Omicron vào danh sách những "biến chủng gây lo ngại", đồng thời cho biết các nghiên cứu đang được gấp rút tiến hành và tiếp tục theo dõi sát sao nó. Giới khoa học thì nhận định đây là một "siêu biến chủng" với số lượng đột biến cao bất thường và dường như có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ hơn cả biến chủng Delta đang hoành hành hiện nay.

Với một biến thể mới xuất hiện, các nhà khoa học phải mất ít nhất vài tuần để xem có bất kỳ thay đổi nào về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng hoặc tác động đến vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị COVID-19 không. Tuy nhiên, với "siêu biến chủng" Omicron thì khác.

Omicron đã xuất hiện ở đâu?

Omicron là biến chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, chứa nhiều đột biến nhất từ trước đến nay - Ảnh: Telegraph

Omicron là biến chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi, chứa nhiều đột biến nhất từ trước đến nay - Ảnh: Telegraph

Biến thể SARS-CoV-2 mới được các nhà khoa học phát hiện ban đầu mang tên B.1.1.529, được phát hiện lần đầu ở phía Nam Châu Phi. Ngay sau khi được phát hiện, B.1.1.529 đã được WHO đưa vào danh mục biến thể "đáng lo ngại" cùng với biến thể Delta đang thống trị toàn cầu và các "đối thủ" yếu hơn là Alpha, Beta và Gamma.

“Dựa trên những bằng chứng được trình bày cho thấy, sự thay đổi có hại trong dịch tễ học COVID-19, WHO đã chỉ định B.1.1.529 là biến thể đáng lo ngại (VOC), có tên là Omicron" - AFP dẫn thông báo của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc.

Các dấu hiệu ban đầu từ những phòng thí nghiệm chẩn đoán cho thấy biến thể Omicron đã tăng nhanh ở tỉnh Gauteng của Nam Phi và có thể đã có mặt ở 8 tỉnh khác của đất nước. Tính tới thời điểm hiện tại, Omicron đã xuất hiện ở Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc) và Bỉ. 

WHO cho biết, ở thời điểm hiện tại, số ca nhiễm biến chủng Omicron mới đang có xu hướng tăng ở gần như mọi tỉnh thành của Nam Phi. Tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của quốc gia phía Nam Châu Phi hiện chỉ dưới 36% dân số trưởng thành, và tỉ lệ tiêm mới đang giảm trong những ngày gần đây.

Đáng lưu ý, tính đến ngày 26/11, Hong Kong đã phát hiện 2 ca nhiễm biến thể mới này là du khách đến từ Nam Phi. Bỉ cũng xác định được 1 trường hợp trở về từ Ai Cập (và chưa tiêm vaccine) đã dương tính với biến chủng mới - cũng là trường hợp đầu tiên tại Châu Âu.

Theo CNN, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Châu Âu nhận định, Omicron có "tiềm năng thoát khỏi hệ miễn dịch và có lợi thế lây nhiễm mạnh hơn ngay cả khi so với Delta". Vậy nên, có rủi ro rất cao là nó sẽ lây lan ra toàn Châu Âu. Trong khi, Anthony Fauci - Giám đốc Viện dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cho biết, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Omicron đã xuất hiện tại Mỹ, nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra.

“Chúng tôi vẫn chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron nào, nhưng virus đã cho thấy khả năng lây truyền và nhiều ca mắc bệnh liên quan đến người trở về từ nước ngoài được ghi nhận ở Israel, Bỉ và một số nơi khác. Khi có loại virus như thế này, chắc chắn nó sẽ lây lan khắp thế giới”, ông Fauci nói với BBC hôm 27/11.

Lo ngại về một biến thể "tồi tệ nhất"

Siêu biến thể Omicron được đánh giá là rất dễ lây lan và có thể có khả năng né miễn dịch cao hơn so với các biến chủng trước đây

"Siêu biến thể" Omicron được đánh giá là rất dễ lây lan và có thể có khả năng né miễn dịch cao hơn so với các biến chủng trước đây

Theo Reuters, sở dĩ, biến chủng Omicron gây lo ngại là bởi nó chứa số lượng đột biến "chưa từng thấy". Theo kết quả giải trình tự gene, biến chủng này có khoảng 50 đột biến, trong đó 32 đột biến gắn trên protein gai, một cấu trúc giúp virus tăng độ bám dính và xâm nhập vào tế bào cơ thể người. Delta chỉ chứa khoảng 13 đến 17 đột biến trên protein gai. Các đột biến ở protein gai có thể làm thay đổi khả năng của virus truyền bệnh cho các tế bào cơ thể người và lây lan, hoặc cũng có thể làm cho các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh.

Theo Tiến sĩ Angelique Coetzee, người đứng đầu Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho đến nay, các trường hợp biến thể này chủ yếu xuất hiện ở những người trẻ tuổi, khiến họ kiệt sức và đau nhức cơ thể. “Chúng tôi không nói về những bệnh nhân có thể đến thẳng bệnh viện và nhập viện” - bà nói với BBC.

So với đỉnh đại dịch, các ca bệnh ở Nam Phi hiện nay tương đối thấp. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể về số ca nhiễm mới: Vào ngày 26/11, Nam Phi đã báo cáo 2.828 ca nhiễm COVID-19 mới, với 90% trong số đó có khả năng do biến thể Omicron gây ra - theo AP.

"Chúng ta đã thấy nhiều biến chủng xuất hiện trong vòng 5 - 6 tháng qua, và hầu hết đều không có ảnh hưởng gì mấy. Lần này thì khác. Nó phản ứng rất khác, và có vẻ còn lây nhiễm nhanh hơn cả Delta - vốn đã rất nhanh rồi," - Tiến sĩ Ashish Jha, Trưởng khoa Y tế công cộng thuộc Đại học Brown (Mỹ) chia sẻ với CNN.

Delta hiện vẫn đang là biến thể COVID-19 chiếm ưu thế toàn cầu, với khả năng lây nhiễm được CDC Mỹ nhận xét là "tương đương bệnh thủy đậu". Vấn đề là với các biến thể khác, sẽ cần vài tháng để nó trở thành biến thể chiếm ưu thế trong một khu vực. "Nhưng với Omicron lại chiếm ưu thế rất nhanh ở Nam Phi và những nơi nó xuất hiện. Chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, thay vì tháng," - Tiến sĩ Ashish Jha nhận xét.

"Hiện tại số ca nhiễm ở Nam Phi vẫn còn thấp, vậy nên có thể do một vài nguyên nhân khác chứ không hẳn là vì biến thể này lây nhiễm mạnh hơn. Nhưng tốc độ này là thứ chúng ta chưa từng chứng kiến." - Tiến sĩ Ashish Jha cho biết thêm.

Trong khi đó, WHO cũng đưa ra những bằng chứng sơ bộ cho thấy, Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể đáng quan tâm khác.

Các nhà sản xuất vaccine lên tiếng

Moderna cho biết, họ đã gấp rút kiểm tra khả năng vaccine của họ ứng phó với biến thể mới, và các dữ liệu dự kiến sẽ tới trong những tuần kế tiếp. Nếu vaccine hiện hành (bao gồm cả mũi bổ sung) tỏ ra yếu thế trước biến thể mới, một giải pháp được của Moderna đưa ra sẽ là tăng liều lượng mũi bổ sung cho cộng đồng - điều mà Moderna đang thử nghiệm. Hiện tại công ty đang thử tiêm 2 mũi bổ sung cho một số ứng viên để đánh giá khả năng bảo vệ trước Omicron như thế nào. Ngoài ra, họ đang nghiên cứu mũi tiêm bổ sung chỉ dành riêng cho Omicron.

AstraZeneca cũng cho biết họ đang tìm hiểu sự ảnh hưởng của Omicron với vaccine của họ. "AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu tại những nơi biến chủng hiện diện - cụ thể là Botswana và Eswatini, để thu thập được dữ liệu thực tế," - người phát ngôn của hãng phát biểu. Ngoài ra, công ty chia sẻ họ đang thử nghiệm loại thuốc kháng thể điều trị Covid-19 mang tên AZD7442 dành riêng cho biến chủng này.

Tương tự BioNTech - công ty hợp tác sản xuất vaccine với hãng dược Pfizer, và Johnson & Johnson cũng đang tiến hành thử nghiệm hiệu quả của vaccine với Omicron.

Một loạt các quốc gia gấp rút hành động, lệnh "đóng cửa" trở lại

Hành khách xếp hàng tại sân bay Johannesburg để rời Nam Phi sau tin tức về Omicron - Ảnh: AP

Hành khách xếp hàng tại sân bay Johannesburg để rời Nam Phi sau tin tức về Omicron - Ảnh: AP

Biến thể mới đã khiến nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại. Họ lập tức ban hành lệnh hạn chế di chuyển mới nhằm nhanh chóng kiểm soát sự lây lan của Omicron.

Ngày 26/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố những hạn chế đi lại mới đối với 8 quốc gia Châu Phi gồm: Lesotho, Nam Phi, Eswatini, Namibia, Zimbabwe, Mozambique, Malawi và Botswana, có hiệu lực từ ngày 29.11. Lệnh cấm đi lại có thể giúp chính phủ có thời gian tìm hiểu thêm về biến thể cũng như bảo vệ người dân tốt hơn.

Theo New York Times, các quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu như: Anh, Đức, Italia, Cộng hòa Séc, Áo, Pháp và Hà Lan cũng đang hạn chế việc đi lại từ các quốc gia ở miền nam Châu Phi để điều tra các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thế mới, bất chấp những lời chỉ trích từ chính phủ Nam Phi. Trong khi, Hàn Quốc ra thông báo sẽ áp dụng lệnh cấm du lịch đối với 8 quốc gia Châu Phi và Malawi. Nhật Bản cũng ban hành các hạn chế đi lại đối với hành khách từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Nam Phi hoặc Zimbabwe. Còn Israel cho biết sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và tái áp dụng việc theo dõi sự lây lan của virus.

Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về biến thể Omicron, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng đó là một sự phát triển đáng lo ngại trong đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, các công cụ hiện có vẫn sẽ có hiệu quả trong việc ngăn chặn Omicron - xét nghiệm PCR để phát hiện biến thể. Ngoài ra, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đều là những chiến lược đã được chứng minh để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cũng như tiêm vaccine COVID-19 và tiêm nhắc lại.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Reuters/CNN/BBC/New York Times)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin