Điều kỳ diệu là chỉ bằng những ký hiệu rất đơn giản: vạch liền - tượng trưng cho tính Dương, vạch đứt - tính Âm, nhưng hầu như mọi vấn đề, mọi lĩnh vực đều được thể hiện một cách đầy đủ, sâu sắc. Đặc biệt, trong các vấn đề xã hội, từ những việc to lớn, như: trị dân, kiến thiết đất nước, việc hình pháp, việc quân sự, đến những điều nhỏ nhặt hàng ngày của cá nhân con người, như: ăn uống, nhóm bạn, tìm thầy, yêu đương, lập gia đình, giáo dục trẻ và ngay như chuyện nghỉ hưu, làm thế nào để "hạ cánh an toàn" đều có thể tìm thấy rõ ràng hoặc qua suy nghiệm từ 64 quẻ của Kinh Dịch.
Theo sắp xếp của Kinh Dịch, quẻ đậu (tên đầy đủ là đậu) có vị trí thứ 33, sau quẻ Hằng. "Hễ ở lâu thì phải rút lui, lánh đi, hết ngày thì tới đêm, hết đông tới xuân, ngồi lâu phải đứng dậy, già rồi nên về hưu…, cho nên sau quẻ Hằng (có nghĩa là bền vững, lâu dài) tới quẻ Độn" (Nguyễn Hiến Lê - Kinh Dịch, đạo của người quân tử). "Độn" nghĩa là trốn lánh đi, thoái lui.
Ảnh: Minh họa
Sở dĩ quẻ có tên và ý nghĩa như vậy vì nó được cấu thành: trên là đơn quẻ Càn, tượng cho trời, dưới là đơn quẻ Cấn, tượng cho núi. Khi ở chân núi thì thấy đỉnh núi là trời nhưng càng lên càng thấy trời trên cao nữa, tới đỉnh núi rồi thì trời vẫn cứ xa cách trên đầu, tựa như trời đang trốn tránh núi. Cho nên quẻ mới có tên là Độn, nghĩa là trốn tránh, rút lui. Đó là cách lý giải dựa theo hình tượng của quẻ, còn theo tính chất và vị trí của các hào (vạch âm hoặc dương) thì: quẻ Độn có tượng lực lượng Âm (hai vạch đứt ở dưới) đang lớn mạnh rõ rệt, lấn át dần lực lượng Dương (những vạch liền ở trên) nên Dương phải tránh né đi, rút lui để bảo toàn lực lượng, để giữ trọn những phẩm chất cao đẹp, sáng láng của mình. Việc rút lui này phải thực hiện ngay, không thể chậm trễ hơn được nữa, vì nếu chỉ cần tăng thêm một hào âm nữa, quẻ Độn sẽ biến thành quẻ Bỉ, một trạng thái bế tắc đến cùng cực, nguy hiểm vô cùng.
Nếu suy ngẫm thật kỹ vấn đề từ góc độ của một cá nhân thì nội dung của quẻ Độn đúng là đang nói về chuyện… nghỉ hưu. Thật vậy, trong mỗi con người, những hào dương, lúc này không còn mang ý nghĩa tượng trưng cho người quân tử nữa mà là biểu hiện của năng lượng sống, sức làm việc (những giá trị tích cực) của con người, còn những hào âm thì lại tượng trưng cho sự mệt mỏi, sự suy thoái (những giá trị tiêu cực). Trải qua một quá trình làm việc, cống hiến lâu dài, bền bỉ được tượng trưng bởi quẻ Hằng, đến thời "Độn", những yếu tố tiêu cực trong bản thân của mỗi con người đã tích tụ, lớn dần lên, đủ sức lấn át những yếu tố tích cực. Và do vậy, ngay lúc này con người cần phải rút lui để có sự nghỉ ngơi cho mình. Đó chính là bản chất, là nguyên nhân sâu xa của việc nghỉ hưu mà người xưa muốn nói đến. Bởi suy cho cùng, nghỉ hưu cũng chính là quá trình rút lui, lánh né những yếu tố tiêu cực, suy thoái trong bản thân của mỗi con người trước khi những sự "âm hiểm" ấy phát tác, đóng vai trò chủ đạo khiến ai đó không còn là chính mình, không thể hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn gây những hậu quả xấu cho công việc chung, phẩm giá, thanh danh của bản thân không còn.
Tuy nhiên, đạo lý đơn giản và logic này không phải ai cũng nhận thức và tự giác thực hiện được, bởi cuộc sống có biết bao điều hấp dẫn, níu kéo. Vô số người, dù tuổi cao sức yếu, những yếu tố tiêu cực đã quá "cường thịnh" trong thân mình nhưng chưa chịu thoái lui, vẫn cứ kiên cường "bám ghế". Đương nhiên, cũng có người tuy đến tuổi, đã thực sự muốn ngơi nghỉ nhưng tổ chức, xã hội vẫn cần sử dụng tài năng, uy tín và sự ở lại của họ là có lợi cho công việc chung… Tất cả những cung bậc phức tạp, díc dắc trong vấn đề "hạ cánh an toàn" ấy, lạ thay cũng được Kinh Dịch nêu rõ qua những vạch liền, vạch đứt đơn sơ:
Hào sơ lục1 (Vạch đứt - hào âm dưới cùng) có hào từ (lời đoán, lời nhận định): "Độn vĩ, lệ, vật dụng hữu du vãng", nghĩa là: Trốn lánh sau cùng, như cái đuôi, nguy hiểm, đừng làm gì cả. Hào này muốn ám chỉ loại người nhu nhược, bản chất vốn đã thấp kém mà lại hôn ám không chịu trốn lánh rút lui, hoặc quá chậm trễ, để khi mọi thứ đã quá muộn màng, khiến bản thân gặp tai họa.
Hào thứ hai: đắc trung (chiếm vị trí tốt - ở giữa đơn quẻ Cấn), đắc chính (hào âm ở vị trí chẵn - vị trí âm) lại có quan hệ khăng khít với Hào năm nên như một người có năng lực phẩm chất, có vai trò quan trọng đối với cơ quan, tổ chức nên tuy đến tuổi nghỉ hưu nhưng cơ quan, tổ chức đó thực sự cần thiết nên níu kéo ở lại thêm một thời gian nữa. Sự ở lại này cũng rất được ủng hộ, tuy nhiên người ở lại phải cần thiết thực sự (đắc trung, đắc chính) chứ không phải là chiêu bài lừa mị của những kẻ muốn kéo dài thời gian ở lại.
Hào thứ ba, hào thứ bốn có tính chất gần giống nhau, đều chỉ đến những kẻ rút lui, nghỉ hưu nhưng vẫn bịn rịn chuyện tư tình, lợi lộc. Kinh Dịch khuyên người quân tử trong những trường hợp này phải rạch ròi, dứt khoát, hãy cố gắng không để vấn đề tài vật và những quan hệ tư riêng níu kéo, làm mờ mắt, làm sa ngã. Nếu đủ can đảm dứt được, cuộc hạ cánh sẽ an toàn, hanh thông; nếu không, số phận của họ cũng sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm như trường hợp ở Hào sơ lục. Một quẻ có 6 hào mà "loại hình" này chiếm hết 2 - tỷ lệ không phải nhỏ. Hoá ra, việc "hạ cánh" của một số đông người trong xã hội cũng chẳng dễ dàng gì.
Hào thứ năm là hào dương, lại đắc trung, đắc chính nên được ví như những bậc quân tử đường hoàng, đĩnh đạc. Đang là thời Độn, phải rút lui nên sự ra đi của họ cũng rất chuẩn mực. Hào từ ca ngợi hết lời: Gia độn, trinh cát - Rút lui một cách đẹp đẽ, chính đáng tốt lành.
Hào thứ sáu (Hào dương trên cùng), sự rút lui thực sự bay bổng, thi vị. Do tính chất dương sáng suốt, ở vị trí trên cao không vướng víu bịn rịn bởi một hào nào (hào thứ ba đối ứng cũng là hào dương) nên việc ra đi, rút lui thật nhẹ nhàng. Hào từ viết: "Phì độn, vô bất lợi", nghĩa là: Trốn lánh mà ung dung, đàng hoàng, không có gì là không lợi. Có thể nói, đây đúng là những trường hợp "hạ cánh" đạt tới trình độ thượng thừa!
Trong sử sách còn ghi lại rất nhiều những cuộc rút lui như vậy, nhưng trong tâm tưởng của nhiều người thì trường hợp rút lui, "hạ cánh" mang tính dân gian, thần thoại tuyệt vời nhất, lãng mạn nhất, đúng với tinh thần bay bổng của Hào thứ sáu (quẻ Độn) đã xảy ở Việt Nam, là… Thánh Gióng. Ai cũng biết sau quá trình anh dũng chiến đấu và chiến thắng giặc, Ngài đã cưỡi ngựa lên núi, bay thẳng về trời, bỏ lại đằng sau cả lợi và danh - những thứ mà người đời đều thèm muốn và bận bịu vì chúng.
Lên núi - Về trời! Đúng là hình tượng đẹp đẽ mà chính cổ nhân hằng mơ ước khi cầm bút viết nên những lời luận giải về quẻ Thiên Sơn Độn để truyền thừa cho ai đó ở hậu thế, đến tuổi nghỉ rồi còn chưa muốn về do vương vấn lợi lộc.
Bình luận của bạn