Diễn viên Ngọc Lan: “Tuổi càng lớn sự chín chắn càng đầy”
Diễn viên Y Phụng: “Biết đủ là đủ"
Diễn viên Thanh Trúc: “Phụ nữ không nên mạnh mẽ quá”
Diễn viên Hiền Mai: Cứng cỏi để đối chọi cùng số phận
Diễn viên Mỹ Uyên: “Ai bảo NSƯT là già?!”
Khán giả mến mộ tài năng của Linh không phải ai cũng biết, chiếc vé chờ ấy được đánh đổi bằng 12 năm ròng rã chiến đấu với di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản, từng khiến em bị liệt nửa người khi mới lên hai.
Hai tuổi bị liệt, bốn tuổi tập lết
Bác sĩ tâm lý Lương Hồng Nga nhớ rõ mọi chi tiết về cú sốc đầu đời của cô con gái út: "Gia đình tôi sống bên Nga đã nhiều năm. Đến năm Linh được hai tuổi, cả nhà về nước. Về chưa được hai tháng thì con bé bị sốt cao, lên cơn co giật, nhập viện xong là hôn mê sâu 17 ngày trời". Khi ấy, các bác sĩ viện Nhi Thuỵ Điển chẩn đoán: Linh bị viêm não Nhật Bản, có một ổ mủ nằm ngay màng não. Để cứu sống, chỉ còn một cách: khoan sọ, đặt ống dẫn, hút mủ ra. Hơn mười ngày sau ca phẫu thuật, cô bé dần tỉnh, nhưng nửa thân trái đã bị liệt, cơ và dây chằng cứng lại, còn chân tay thì quặp hẳn vào trong. Nghe bác sĩ kết luận: "Trường hợp này rất khó phục hồi", cả gia đình bàng hoàng vì khả năng con bị tàn tật suốt đời. Người vực dậy tinh thần cho cả nhà là ông ngoại Linh, bác sĩ Lương Minh Châu. Từng làm công tác địch vận trong kháng chiến, bị nhiễm chất độc màu da cam, rồi mấy chục năm trời qua vẫn vui vẻ sống chung cùng hai bệnh ung thư: ung thư xương và ung thư tiền liệt tuyến, ông tin cháu gái mình sẽ có ngày đi lại được. Là con một vị thái y nổi tiếng trong Thái y viện triều Nguyễn, ông cũng giữ niềm tin vào sức mạnh của Đông y, đặc biệt là phương pháp xoa bóp, bấm huyệt và tắm rượu thuốc. Từ tuần thứ hai sau khi Linh ra viện, bác sĩ Lương Minh Châu bắt đầu chữa trị cho cháu gái. Buổi sáng là xoa bóp, bấm huyệt, buổi chiều ngâm mình trong rượu thuốc, cứ thế cả mấy năm trời, ngày nào hai ông cháu cũng cùng "vật lộn" với bệnh tật. Dùng từ "vật lộn" không quá lời: mỗi lần bị ông kéo khớp háng, khớp chân để giúp giãn cơ, lại một lần cháu khóc thét vì đau. Mỗi lần ngâm mình trong rượu thuốc nóng 42oC, cả người cô bé đỏ au như tôm lột, thế là cháu khóc ông khóc, cả nhà khóc theo…
Năm Linh lên bốn, điều kỳ diệu xảy ra: cô bé đi lại được. Dĩ nhiên, quá trình tập đi vô cùng nhọc nhằn. Đầu tiên là tập ngồi, tập lết, rồi mới đến tập đi. Tới lúc đi được thì chân vẫn bị khoèo. Nghe theo ông ngoại, cả nhà quyết định cho Linh học võ cổ truyền, môn võ chú trọng sự mềm dẻo, rất thích hợp với phụ nữ và trẻ em. Sau bốn năm kiên trì vừa luyện võ vừa xoa bóp châm huyệt, Linh đã có thể vận động tay chân gần như một người bình thường. Không những thế, cô bé còn được cử tham dự các giải võ thuật cấp thành phố hay thành phố mở rộng, và giành được cả một bộ huy chương vàng, bạc, đồng.
Múa ballet trên đôi chân bị tật.
Theo dõi màn biểu diễn hiphop đẹp mắt và tràn đầy nội lực của Linh tại vòng sơ khảo Thử thách cùng bước nhảy 2013, phải tinh ý lắm mới nhận ra, một bên bàn chân cô bé hơi quặp vào trong - di chứng của căn bệnh viêm não Nhật Bản. Nó khiến cô bé vẫn phải chăm chỉ tập mở khớp háng mỗi ngày, nếu muốn nhảy múa như một người bình thường. Mẹ Linh kể: "Đang học võ, Linh bỗng say mê hiphop. Mẹ thương nên tìm lớp, tìm thầy cho con". Tập hiphop được ba tháng, có cuộc thi Bước nhảy xì tin 2010, chưa đủ tuổi dự thi, cô bé "mượn" giấy khai sinh của chị lên đường thử sức, không ngờ giành giải nhất toàn miền Bắc. Năm sau đủ tuổi, lại đi thi Bước nhảy xì tin 2011, và cũng vô địch toàn miền Bắc. Cả nhà chưa hết vui mừng, cô bé bất ngờ muốn được học ballet với lý do: thích múa đương đại nhưng Hà Nội không có nơi nào dạy, nên phải học múa ballet để lấy kiến thức nền tảng. Vốn kỳ vọng vào sức học văn hoá luôn ở mức khá giỏi của Linh, người thân phản đối khi cô bé muốn thi vào cao đẳng Múa Hà Nội, chuyên ngành ballet. Mẹ là người duy nhất ủng hộ con gái. Thế rồi Linh được phép khăn gói từ Hải Phòng lên Hà Nội, tham dự khoá tạo nguồn của cao đẳng Múa. Một tháng miệt mài trên sàn tập, không biết bao nhiêu mồ hôi đổ xuống, có cả rất nhiều nước mắt. Ngày nào Linh cũng khóc vì đau, nhưng không bỏ cuộc. Các bạn thường chỉ tập ban ngày, Linh thì tập cả ngày lẫn tối, vì nếu tập ít đi, các vùng cơ lập tức cứng lại. Và Linh nằm trong 14 học viên được tuyển vào trường trên tổng số mấy trăm thí sinh.
Nhận được chiếc vé chờ quý giá cho mùa giải Thử thách cùng bước nhảy 2015, Linh vừa buồn vừa vui. Buồn vì phải đợi hai năm, vui vì đã "hoạch định" xong mục tiêu ngắn: "Có thêm hai năm luyện tập, ít nhất phải lọt top 3!", và mục tiêu dài: "Trở thành một biên đạo!" Thấy con gái hăng hái với những kế hoạch mới, mẹ cô trìu mến: "Con bé vừa có đam mê, vừa có nghị lực, vừa có chút hiếu thắng, nên đã định làm gì là phải làm bằng được, dù không có một cơ thể bình thường, chứ chưa nói đến một cơ thể thích hợp với ballet". Thấy mẹ bảo nằm kiểu ếch (động tác Linh phải luyện tập thường xuyên để giúp mở khớp háng, giãn cơ) cho khách xem, cô bé thực hành liền: nằm úp mặt xuống sàn, hai chân vươn ngang, rồi co lại như con ếch. Mỗi tối, cô bé đều ngủ với tư thế ấy, và còn phải đè một đống chăn gối lên chân, để hai chân luôn áp hẳn xuống mặt giường. Hỏi em "Làm thế Linh có mỏi lắm không?" "Quen rồi nên không còn đau, nhức nữa", hai mẹ con đồng thanh với nụ cười tươi. Phải rồi, nụ cười lạc quan này mới là cái quyết định!
Bình luận của bạn