Coi thường bác sỹ vì... Internet

Hãy là người dùng thông thái khi tìm hiểu các thông tin về sức khoẻ trên internet

Google phát triển công cụ chuyên tra cứu y tế

Bị chẩn đoán mắc IBS, nữ bệnh nhân thoát chết ung thư nhờ Google

Bác sỹ Google: Tin nhầm thiệt mạng

Mất mạng vì giao sức khỏe cho “bác sĩ Google”

Mất tiền, hại người vì "bác sĩ" Google

Thật dễ dàng khi lên trên Internet để tìm hiểu về một loại thuốc hay dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, các phương pháp phòng ngừa, chữa trị một căn bệnh nào đó, từ nhức đầu, chóng mặt, đi ngoài đến ung thư, u não. Không chỉ vậy, còn có vô vàn lời chào mời, quảng cáo về biệt dược, thực phẩm chức năng, thuốc điều trị đến khám chữa bệnh lưu động, bác sỹ gia đình… Thực tế này giúp người dân, nhất là những người không may bệnh tật có thêm nhiều cơ hội tham khảo để chữa trị, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Tiện ích của các trang web sức khoẻ thu hút không chỉ các bệnh nhân mà còn là "bách khoa toàn thư" của các cán bộ, nhân viên y tế

Nhưng thay vì có thể nhờ Internet để hiểu thêm về tình trạng bệnh tật của mình, nhiều bệnh nhân "tự chẩn đoán" mình mắc bệnh nặng nên tâm lý càng nặng nề, gây khó khăn hơn cho tiến trình điều trị của bác sỹ. 

Có bệnh thì vái tứ phương

Tư vấn hay tìm kiếm thông tin bệnh tật trên mạng internet chỉ mang tính tham khảo, nó giúp chúng ta phòng tránh và phát hiện bệnh sớm nhất có thể chứ không phải để tự điều trị. Đoán biết bệnh chỉ là một khâu trong quá trình khám bệnh chứ không phải là tất cả. Ði khám và tuân thủ chế độ điều trị của các bác sỹ chuyên khoa là cơ sở để điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Một cuộc khảo sát của Mỹ gần đây đã tiết lộ, có hơn 500/1000 phụ nữ đã tự chẩn bệnh cho mình trên mạng và mua thuốc điều trị mà không hỏi ý kiến bác sỹ. Một tỷ lệ tương tự cho biết họ sẽ tự mình tìm cách chữa bệnh trước khi tư vấn bác sỹ.

Theo kết quả nghiên cứu: Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người do dự khi thảo luận các vấn đề sức khỏe của mình với gia đình; 1/3 cho biết trong khi đợi câu trả lời của bác sỹ họ đã tự lên mạng tìm lời giải đáp; 1/3 cho biết họ sợ nói chuyện với bác sỹ; 1/3 cho biết họ đã dành ít nhất hai tuần để đối mặt với bệnh của mình trước khi đến gặp bác sỹ; 1/20 thì chần chừ đến cả năm mới dám nhờ đến y học can thiệp.

Các triệu chứng khiến phụ nữ tự chẩn bệnh cho mình nhiều nhất là rối loạn giấc ngủ, đau đầu và trầm cảm. Trong khi đó, những nguyên nhân phổ biến khiến chị em tư vấn "bác sỹ" Google là đau cơ, ngứa và mệt mỏi.

Gặp bác sỹ là nỗi "ám ảnh" của không ít bệnh nhân

1/5 số chị em từng cho rằng mình mắc một bệnh nan y nào đó (phổ biến nhất là những sợ hãi vô cớ về ung thư vú), số khác lại chẩn đoán nhầm mình bị tưa miệng, tăng huyết áp hoặc hen suyễn.

Người phát ngôn của Balance Active Penny, McCormick khuyến cáo: "Khuynh hướng nhờ vào internet để tự chẩn đoán mọi bất thường và lo lắng về cơ thể của mình ngày càng tăng".

Bên cạnh đó, thói quen tự tin thái quá vào hiểu biết của mình (nhờ tìm hiểu trước trên mạng internet), không ít các bệnh nhân gây ức chế cho bác sỹ bởi khi thăm khám và kê đơn, bệnh nhân đọc vanh vách những tên thuốc, liều lượng, chỉ định... Có người còn "cầm đèn chạy trước ôtô" can thiệp vào phương pháp điều trị của bác sỹ, vì trên Internet bảo "kê một đằng" nhưng bác sỹ lại "kê một nẻo". Việc đó dẫn đến sự bất hợp tác cần có giữa bệnh nhân và bác sỹ, có thể ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của quá trình điều trị.

Mất mạng vì tin "bác sỹ" Internet

Theo một kết quả nghiên cứu của Anh trên 19 trang web không chuyên nhưng rất hay đưa những thông tin về sức khoẻ, có đến 10 trang đưa tin sai nghiêm trọng, chỉ có 9 trang có thể dùng được. Tuy nhiên, 9 trang này có thể dùng được lại chỉ có 1 cái đáng tin cậy, 8 cái còn lại thì thông tin khi đúng, khi sai. 

Trong khi đó, nhiều bác sỹ tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, K, Nhi Trung ương... thẳng thắn cho biết, nơi đây thường xuyên phải tiếp nhận không ít ca bệnh khó được đưa tới trong tình trạng sức khỏe rất nguy kịch đến tính mạng chỉ vì quá tin vào “bác sỹ” trên mạng.

Các "bác sỹ ảo" trên mạng internet không thể thay thế được các bác sỹ thật, "bằng xương bằng thịt" với chuyên môn vững chắc

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, nhiều bậc làm cha mẹ tự ý cho trẻ ốm uống các loại thuốc kháng sinh, sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội là vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tốn kém tiền bạc, công sức mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ. Bởi lẽ, với trẻ em, sức đề kháng còn kém, nhiều biểu hiện bệnh không rõ ràng khiến dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau, thậm chí đến bác sỹ còn khó khăn khi phân biệt, nên đối với các bà mẹ không có chuyên môn về y khoa sẽ rất dễ nhầm lẫn và nếu tự ý chữa trị cho trẻ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo các bác sỹ, khi có bệnh thì có thể đọc và tham khảo thông tin trên mạng là bệnh đó thì khám ở đâu, bệnh viện nào, biết phải khám bác sỹ ngay chứ không nên chần chừ, kẻo quá muộn.

Các chuyên gia y tế cho rằng, việc tìm hiểu tra cứu các thông tin trên mạng liên quan đến bệnh tật và sức khỏe là cần thiết và hữu ích nhưng không phải tất cả thông tin trên Internet về y khoa, sức khỏe đều có thể tin cậy, vì nhiều thông tin chỉ mang tính kinh nghiệm và truyền miệng. Vì thế chỉ nên lên mạng tìm hiểu thông tin để tham khảo và có thể là nhằm định hướng mình về việc phòng ngừa và điều trị như tới bệnh viện nào, khoa nào, chứ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc sử dụng khi chưa tới bệnh viện khám và có chỉ dẫn của thầy thuốc.

Ngoài ra, các bác sỹ cũng khuyến cáo nên tìm hiểu các trang mạng chính thống được kiểm soát thông tin cẩn thận về sức khỏe như của Bộ Y tế, sở y tế, các bệnh viện, viện nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp cũng chỉ coi đó là nguồn tham khảo chứ không phải chỉ dẫn của thầy thuốc vì cùng một loại bệnh ở mỗi cơ thể sẽ khác nhau nên việc sử dụng thuốc, cách điều trị cũng không thể giống nhau nếu như không có sự thăm khám, chẩn đoán thực tế của bác sỹ.
Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn