Con ức chế vì bố trái tính

Câu chuyện của cái tivi

Do điều kiện kinh tế không khá giả nên nhà cả gia đình anh Hoàng gồm ba thế hệ chung sống chỉ có một cái tivi và bộ giàn đặt ở phòng khách. Nơi đó là điểm sinh hoạt văn hoá chung của cả nhà nhưng lại xuất hiện những mâu thuẫn tuy nhỏ nhưng lại làm cho không khí luôn trong trạng thái ức chế.


Anh Hoàng kể: Do cả nhà có một cái tivi nên hiếm khi vợ chồng anh được xem một chương trình mà mình yêu thích. Việc phân xử "cả hai đứa nhỏ và ông bà "giành nhau" xem chương trình nhiều khi làm cho vợ chồng anh phát mệt. Trẻ con thì thích các chương trình thể thao, phim, ông bà thì thích các chương trình của người cao tuổi. Trẻ con thì không nhường nhịn, ông bà thì hay cả nghĩ. Thế là nhiều hôm đi làm về, mệt mỏi đã đành lại còn phải ngồi phân tích giảng giải cho con, lắm khi phát tức.

Mâu thuẫn không chỉ dừng lại ở đó. Ngày Tết, ông bà không có điều kiện đi chơi nên suốt ngày chỉ quanh quẩn nơi chiếc ti vi, khi đứa cháu về nhà nó lại giành chương trình để mở các loại nhạc tây ầm ỹ với lí do là ngày Tết mở như vậy cho vui cửa vui nhà. Ông bà dỗi bỏ vào phòng, không đôi co với thằng bé rồi đâm ra mặc cảm, cho rằng nó không tôn trọng ông bà.
Sau bữa đó, anh Hoàng quyết định dùng khoản tiền mà hai vợ chồng định dành dụm để sửa trần nhà mua thêm một cái tivi mới. Mấy đứa con thì hoan hỉ ra mặt thế nhưng bố mẹ anh thì không hẳn thế. Anh kể tiếp: Mấy hôm sau, má gọi tôi vào phòng nói rằng vì cái tivi mà ba tôi không ngủ được, rằng cách "chữa cháy" của tôi không chỉ làm cho vấn đề thêm trầm trọng mà còn làm cho tình cảm của các thành viên trong gia đình thêm xa cách.

Sinh hoạt đảo lộn vì bố mẹ ở quê lên

Nhà anh Hoài vừa đón bố mẹ ở quê lên, thế là những sinh hoạt trong gia đình bỗng chốc đảo lộn. Ông bà quen nếp sống ở quê, không ngăn nắp như sống ở thành phố. Khi ăn trầu thì cả một nền gạch tráng men loang lổ. Ông lại có tính hút thuốc lào, cái mùi vừa khai vừa khắt này khiến vợ anh không chịu nổi.

Anh chị khuyên cụ nên hút ở hành lang, trong phòng nên giữ vệ sinh sạch sẽ hơn, nhưng ông cụ lại tự ái, cho là con cái khinh mình. Trong bữa ăn, ông bà thích ăn cơm nấu nhiều nước, mấy thằng nhỏ thì lại thích ăn cơm khô, nên ít khi chiều ông bà. Ông đi lại mắt kém, tai nghễng ngãng, khi bạn bè đến chơi chào ông thì bà phải ra đỡ lời hộ, chúng nó cho là ông không quan tâm… Những việc như thế cứ khiến vợ chồng anh chị luôn đau đầu, không khí trong nhà không khi nào thoải mái.
Anh Hoài tâm sự: "Bố tôi tuổi già tính khí thất thường, làm mếch lòng thì mình đâu có phải đạo làm con. Được một thời gian hai cụ đòi về quê, dẫu thương bố mẹ nhưng tôi cũng không còn cách nào khác đành tự dặn lòng mình sẽ tìm cách bù đắp cho bố mẹ".

Anh Minh là giám đốc một bệnh viện ở huyện, thường kêu ca với mọi người rằng "mình bất lực trước người bố trái tính trái nết". Anh kể: "Bố tôi là người gia trưởng nhưng cũng rất dở tính, ông cụ chẳng chịu nghe lời ai bao giờ. Trách nhiệm con trai cả nên tôi đón cụ về rồi xây cho một căn nhà trong cùng một mảnh vườn để tiện chăm sóc.

Anh em chúng tôi cố gắng lo cho cụ các vật dụng trong nhà không thiếu thứ gì. Khi ốm đau, chúng tôi luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc. Thế nhưng trong những ngày giỗ tết, tiệc tùng, bản thân tôi đã nhiều lần phát khổ vì bố. Khách khứa đến nhà chơi, vợ tôi làm cơm, chúng tôi mời bố sang ăn cùng vừa là tôn trọng bố, vừa là giữ thể diện cho gia đình. Thế nhưng mỗi khi có chút rượu vào là bố tôi nói lung tung hết cả lên, chuyện gì cũng tham gia, đặc biệt là hay kể tội con cái trước mặt khách. Rồi khi ăn thì ho sặc sụa, cơm vung vãi hết cả mâm khiến khách đến nhà rất khó chịu. Rút kinh nghiệm, lần sau, khi thấy bố đã ngà ngà say tôi ý tứ bảo con đưa ông về trước nói là để ông nghỉ ngơi. Bố tôi không hiểu mà cứ làm toáng lên rằng tôi không cho cụ ăn, rằng tôi là đứa con bất hiếu…
Tết năm ngoái có mấy người bạn ở Hà Nội về, vì muốn ngồi hàn huyên lâu vả lại tôi đã rút kinh nghiệm từ những lần "va chạm" trước nên tôi bảo con mang thức ăn sang cho ông bà chứ không mời sang ăn cùng. Khi chúng tôi đang dở cuộc rượu thì bố tôi xuất hiện từ ngoài sân, vừa đi vừa chửi : "Nó không cho bố ăn, nó chỉ biết thết đãi người ngoài chứ không bao giờ nghĩ đến bố mẹ, một thằng đạo đức giả…".

Sự khác biệt giữa hai thế hệ


Sự khác biệt giữa già và trẻ là tất yếu vì người già phải đối mặt với quá trình suy thoái nhanh về mặt tự nhiên cả tâm lí lẫn sinh lí. Đi đứng chậm chạp, hay quên, khi ăn dễ ho sặc sụa, nói năng nhiều khi không làm chủ được mình. Những trạng thái tâm lí đó hoàn toàn dễ được thông cảm . Nếu chúng ta biết rõ đặc điểm của người già là vị giác kém nên ăn cay, mặn hơn bình thường chứ không phải là một sự tham ăn tục uống; khi ăn hay ho, sặc suạ, nghẹn là do dây chằng trong hầu họng, miệng và lưỡi phối hợp kém chứ không phải là người già mất lịch sự; mắt người già không nhìn thấy rõ nên rất dễ hiểu nhầm là khinh người…thì cách ứng xử sẽ có cái nhìn thông cảm và độ lượng hơn.


Người già thường chóng quên những điều xảy ra từ hiện tại chỉ nhớ dai những gì xảy ra từ trong quá khứ. Do sống trong cảnh nghèo khó của thời trước nên dễ nẩy sinh tính tiết kiệm, thấy hoang phí là xót xa. Tuy nhiên tình thương yêu con cháu lại là những giá trị vô bờ mà người già đã mang lại cho cuộc sống.


Nếu trong gia đình bạn có những mâu thuẫn trong cách sống của hai thế hệ đến độ rất khó khăn để giải quyết thì cần phải cân nhắc khi lựa chọn giải pháp cuối cùng. Cần phải thống nhất rằng gia đình phải là nơi sống vui vẻ và hoà thuận, không nên ra ngoài ở riêng nếu chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống đời thường. Nếu như người già thấy việc ăn uống không hợp khẩu vị thì cần cho họ ăn theo chế độ riêng. Người già sống phụ thuộc vào con cái thì cũng đừng nên mặc cảm vì điều này cũng là lẽ bình thường: Trẻ cậy cha già cậy con. Chẳng may phải ra sống riêng thì người già nên sống ở gần con cháu để khi ốm đau dễ có người chăm sóc và liên lạc. Nếu vì một lí do nào đấy mà người già phải sống đơn độc thì cần phải có kế hoạch dự phòng khi còn trẻ bằng việc tích cóp một khoản tiền dự phòng.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già