Công nghệ vaccine mRNA giành giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture

Ba nhà khoa học với công nghệ vaccine mRNA cứu sống hàng triệu người nhận giải thưởng VinFuture Grand Prize - Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân

Thủ tướng: Thực hiện thống nhất các biện pháp chống dịch trên toàn quốc

Hội đồng FDA khuyến nghị dùng vaccine Pfizer cho trẻ em 5-11 tuổi

Bộ Y tế tiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở từ Vingroup

Sự kiện Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội, phát trực tiếp trên các kênh truyền thông lớn của Việt Nam và thế giới với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ ban ngành trong nước, Đại sứ nhiều quốc gia; các doanh nhân hàng đầu và đặc biệt là các nhà khoa học nổi tiếng thế giới.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, hai năm qua, nhất là trong thời khắc khó khăn nhất của dịch bệnh, cả nhân loại đã đặt niềm tin, hy vọng và trông chờ vào các nhà khoa học để tìm ra vaccine, thuốc chữa, phòng, chống COVID-19. Vaccine được ví như là lá chắn thép của nhân loại để vượt qua đại dịch COVID-19. Cả thế giới biết ơn, ngưỡng mộ các nhà khoa học - những người đã thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

"Chúng ta có mặt ở đây hôm nay bình yên, an toàn cũng chính nhờ các nhà khoa học, nhờ có vaccine...Hôm nay, chúng ta tôn vinh những công trình đoạt giải thưởng là tôn vinh những giá trị khoa học đóng góp cho nhân loại, tôn vinh những nhà khoa học đã ngày đêm nghiên cứu bằng trí tuệ vượt trội, trái tim nhiệt huyết và khát vọng cống hiến cho loài người" - Thủ tướng nói.

Giải chính VinFuture Grand Prize trị giá lớn nhất (3 triệu USD) được trao cho nhóm nghiên cứu gồm ba nhà khoa học đứng sau thành công của vaccine mRNA phòng COVID-19. Hội đồng giải thưởng ghi nhận công trình nghiên cứu nền tảng với hai công trình lớn là lõi mRNA biến đổi và vỏ bọc nano lipid hiệu quả ổn định và tăng hoạt tính của mRNA.

Các tác giả gồm "mẹ đẻ" công nghệ mRNA - TS Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary tại công ty BioNTech (Mỹ); GS Drew Weissman, nhà khoa học nghiên cứu vaccine tại Đại học Pennsylvania (Mỹ); GS Pieter Rutter Cullis, Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất - Ảnh: TTXVN

Theo đó, công nghệ sử dụng mRNA đã được sửa đổi, bao bọc trong các hạt nano lipid giúp ngăn hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA khi được đưa vào cơ thể và không gây ra các phản ứng cytokine, không gây độc tính hoặc tác dụng phụ. Dựa trên khám phá của Kariko và Weissman cùng với việc tạo ra hạt nano lipid của Cullis, các công ty dược phẩm như Pfizer/BioNTech, Moderna đã sản xuất được các loại vaccine phòng chống COVID-19 hữu hiệu trong thời gian kỷ lục.

Không chỉ tạo ra "vũ khí" ngăn chặn nguy cơ lây lan và tử vong do đại dịch trên phạm vi toàn cầu, công nghệ mRNA còn có tiềm năng tạo các loại vaccine ngăn ngừa HIV, ung thư, miễn dịch và các bệnh di truyền… có thể bảo vệ sức khỏe cho hàng tỷ người trên thế giới trong tương lai.

Cùng với Giải thưởng chính là 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu trong các lĩnh vực mới; nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Hạng mục Giải Đặc biệt đầu tiên dành cho “Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới” được trao cho Giáo sư Omar Yaghi (Mỹ) với công trình tiên phong khám phá ra vật liệu khung cơ-kim (MOFs). Ông là nhà hoá học, hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia thuộc ĐH California-Berkeley (Mỹ).

Giải Đặc biệt thứ 2 dành cho “Nhà khoa học nữ” đã được trao cho Giáo sư Zhenan Bao người Mỹ gốc Trung Quốc với công trình nghiên cứu các vật liệu điện tử hữu cơ có đặc tính của da người. Đây là một loại vật liệu hữu cơ cho phép biến các thiết bị điện tử thành một phần trên cơ thể người với khả năng co giãn, tự chữa lành và tự phân hủy sinh học.

Cuối cùng, Giải thưởng cho các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về hai vợ chồng người Nam Phi, Giáo sư Salim Abdool Karim và vợ là Quarraisha Abdool Karim, với công trình nghiên cứu giúp ngăn nguy cơ lây nhiễm HIV và giảm gánh nặng bệnh AIDS. Nghiên cứu của vợ chồng Giáo sư Karim đã được Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ tại Châu Phi và trên toàn thế giới.

Phát biểu về kết quả của mùa giải VinFuture đầu tiên, Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết: “Giải thưởng VinFuture 2021 đã nhìn nhận và tôn vinh những công trình khoa học thực sự xuất sắc đang và sẽ tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới. Các nhà khoa học được vinh danh đã mang đến những giải pháp mới, giải quyết những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt, như các bệnh dịch truyền nhiễm hay nhu cầu bức thiết đối với các nguồn năng lượng sạch. Giải thưởng VinFuture tôn vinh sức mạnh của khoa học và công nghệ, để góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Ngay sau khi kết thúc Tuần lễ trao giải VinFuture lần thứ nhất, mùa giải VinFuture năm thứ hai chính thức được khởi động. Quỹ VinFuture sẽ mở cổng tiếp nhận đề cử từ ngày 15/2/2022 cho đến ngày 3/6/2022.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn