WHO cho rằng chưa cần tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường cho trẻ em khỏe mạnh - Ảnh: WBEZ.
Người đã tiêm vaccine Vero Cell sẽ được tiêm liều bổ sung thế nào?
Những điều cần biết về mũi tiêm vaccine COVID-19 liều tăng cường
"Cú nước rút" của chiến dịch tiêm vaccine chống giặc COVID-19
ĐBQH: Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em có ảnh hưởng sức khỏe sinh sản không?
Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18/1, bà Swaminathan nói dù khả năng bảo vệ khỏi lây nhiễm của vaccine dường như suy giảm theo thời gian đối với biến chủng Omicron, vẫn cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác định đối tượng nào cần liều vaccine tăng cường.
"Hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên cần những liều vaccine COVID-19 tăng cường. Không có bằng chứng nào cả", bà Swaminathan nhấn mạnh.
Israel đã triển khai vaccine tăng cường cho trẻ em dưới 12 tuổi. Trong khi đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ hồi đầu tháng này đã cho phép tiêm liều thứ 3 vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi.
Tuần trước, Đức trở thành quốc gia mới nhất cho phép trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm nhắc lại. Hungary cũng đã có quyết định tương tự.
Bà Swaminathan cho biết, nhóm chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ họp vào cuối tuần này để xem xét cụ thể việc các quốc gia nên tiêm nhắc lại cho người dân như thế nào.
"Mục đích là bảo vệ người dễ bị tổn thương nhất, người có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao nhất. Đó là những người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch với các tình trạng tiềm ẩn, và nhân viên y tế", bà Swaminathan nói.
Trước đó, WHO đã nhiều lần lên tiếng phản đối các chiến dịch tiêm tăng cường đại trà cho người dân, được cho là làm gia tăng sự bất bình đẳng vaccine và trở thành "rào cản" đối với tiến trình chống lại đại dịch COVID-19.
Trong hướng dẫn chính thức về tiêm vaccine tăng cường, WHO cũng bày tỏ lo ngại về các chiến dịch tiêm tăng cường hàng loạt ở các nước giàu hơn sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vaccine và kéo dài đại dịch, bằng cách "bỏ lại phía sau" các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine, tạo cơ hội cho virus lây lan và đột biến.
Đồng tình với quan điểm đó, một số chuyên gia y tế và nghiên cứu vaccine cho biết vẫn còn quá sớm để biết liệu trẻ em có cần tiêm mũi 3 hay không.
“Điều đáng hy vọng là trẻ em có phản ứng miễn dịch mạnh hơn với vaccine, ít nhất là trong thời gian đầu sau khi tiêm mũi 2. Lúc này, trẻ em vẫn có được phản ứng miễn dịch khá tốt với vaccine. Tuy vậy, việc có cần tiêm mũi tăng cường cho trẻ hay không là điều vẫn còn đang nghiên cứu”, tiến sĩ Peter Hotez, chuyên gia y tế tại Đại học Y Baylor (Mỹ), cho biết, theo NBC News.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo những người trên 18 tuổi đã tiêm mũi 2 vaccine Pfizer hoặc Moderna thì 6 tháng sau nên tiêm mũi 3. Trong khi đó, công ty dược Pfizer mới đây đã yêu cầu các cơ quan quản lý liên bang Mỹ cho phép tiêm mũi 3 vaccine của họ với người 16 và 17 tuổi.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron và tác động của các mũi vaccine lên hệ miễn dịch. Ngoài ra, đối với trẻ em, họ cũng phải xác định mũi thứ 3 có an toàn với các em hay không.
Bình luận của bạn