Hạnh phúc của tuổi già… là được thảnh thơi cập bến!

Hạnh phúc tuổi già hay tuổi già đích thực chính là thảnh thơi đối diện với mọi vấn đề của cuộc sống (ảnh CountryLiving)

Nguyên tắc cá thể hóa dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường

Đi bộ sau bữa ăn có thể giúp tiêu hóa nhanh hơn?

Hà Nội tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh lớp 9 từ 27/11

Làm thế nào đề phòng ngừa tai biến mạch máu não?

…Cuộc sống con người bao giờ cũng bao gồm thể xác và tinh thần. Khi bước vào tuổi già, thì phần lớn trong chúng ta thường tập trung duy trì hoặc điều trị sức khỏe vật lý nhiều hơn. Tuy vậy, thực tế nhiều người già kéo dài tuổi thọ nhờ có niềm vui tinh thần.

Làm sao trẻ mãi?

Tôi thấy nhiều người cùng thời với tôi, sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm nghề, nhà báo thì vẫn viết báo, thầy giáo thì vẫn dạy học, thậm chí còn làm chăm chỉ hơn trước khi về hưu rất nhiều. Có một số người khác dành thời gian đi du lịch, dù thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 vào những năm 2020 và 2021 làm nhiều chương trình đi chơi xa bị phá sản. Vài người khác lại học thêm tiếng Anh, Pháp hoặc tiếng Trung, có người còn ghi tên học vẽ online (như vợ tôi).

Trên thế giới, không thiếu những tấm gương tuổi già đích thực. Mới đây, cụ Manfred Steiner đã lấy bằng tiến sỹ Vật lý tại Đại học Brown, Hoa Kỳ, ở tuổi 89. “Đây là bằng tiến sỹ thứ 3 nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì tôi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vật lý ở tuổi này”, ông Steiner, một bác sỹ y khoa, đã có hai bằng tiến sỹ,  nói trong cuộc phỏng vấn với đài NPR (Mỹ) ngày 7/11/2021. Ông nói việc ham thích học hành khiến ông cảm thấy “trẻ mãi không già”. Khắp thế giới đã gửi tới cụ lời chúc mừng và vinh danh tuổi già đích thực. Theo tôi, ở tuổi đó, mà tiến sỹ Steiner vẫn giữ được đầu óc minh mẫn để nghiên cứu, cũng nhờ sức khỏe vật lý của cụ còn tốt.

Ngày nhỏ đi học trên bảng lúc nào cô giáo cũng ghi câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện.” Sự cân bằng giữa sức khỏe thân thể và sức khỏe tinh thần là điều quan trọng mà không phải ai trong chúng ta cũng để ý, nhất là những người trên 65 tuổi. Vài người bạn của tôi - những cụ ông thất thập - cũng khoe rằng họ vẫn dùng Viagra hay Cialis để duy trì sự cân bằng giữa sinh lý và tâm lý, giữa thể chất và sảng khoái tinh thần. Bạn có cảm thấy có chút phê phán nào không khi so sánh tiến sỹ Vật lý Steiner với những người bạn vô danh của tôi dùng Viagra hoặc Cialis và cảm thấy “trẻ mãi không già”? Cá nhân tôi thì không hề phê phán, mà còn đồng cảm.

old-couple-true-love-2

"Trẻ mãi không già" là ước mơ của những người đi tìm "tuổi già đích thực"

Có lẽ “trẻ mãi không già” là mơ ước của những người muốn đi tìm “tuổi già đích thực”. Tôi thấy cả tiến sỹ Steiner và bạn tôi đều có niềm vui của tuổi già đích thực.

Niềm vui tinh thần

Nhờ thời gian giãn cách do Covid-19, tôi tìm về những cội nguồn tri thức nhân loại với các cuốn sách về các nhà hiền triết Hi La. Tôi tiếc không học tiếng Trung ngay từ thời nhỏ để có thể tiếp cận được kho tàng tri thức Trung Hoa cổ đại, mà chỉ có thể đọc qua bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Việt rất sơ sài.

Trong một bữa ăn trưa gặp mặt bạn học cũ đầu năm 2021, tôi có gặp tình cờ một giáo sư thần học, vốn là một linh mục, đã lấy bằng tiến sỹ ở Pháp và dạy học nhiều năm ở Israel. Ông ở độ tuổi 60 nhưng trông rất trẻ. Các cô bạn trong bàn ăn khen ông: “Sao các vị linh mục, ai cũng đẹp trai? Chẳng lẽ giáo hội chọn người đẹp trai để dễ truyền giáo?”. Ông nói: “ Vẻ bề ngoài của con người thường phản ảnh tâm hồn, kiến thức và sức khỏe vật lý của người ấy.” Ông nói hầu hết bậc giáo sỹ ở bất cứ tôn giáo nào cũng đều toát lên vẻ ngoài… ưa nhìn và trẻ trung. Thầy Ca Diếp, một trong 5 môn đệ đầu tiên của Phật Thích Ca, tương truyền là một người đẹp trai kiểu mẫu.

Tôi không chắc mình sẵn sàng chia sẻ ý kiến đó, nhưng tôi thấy khi mình cảm phục hay yêu thương thật tình một người nào đó, thì không còn chú ý vẻ ngoài nữa, mà thấy cái gì ở người đó cũng toát lên vẻ đẹp. Người xưa nói: “Thương người thương cả đường đi”… là vậy!

Riêng tôi, sau mỗi ngày già đi, càng chín chắn hơn và thường tìm niềm vui tinh thần trong tư tưởng của các tác giả cổ điển: Epicurus, Aristotle, Heraclitus, Plato... Các tác giả của Hy Lạp và La Mã cổ đại này, hầu hết đều ca ngợi tuổi… già và hạnh phúc tuổi già. Phần lớn các bậc thầy cổ đại đều vinh danh niềm vui tri thức và tinh thần trong tuổi già, chứ không ai khuyên thú vui vật chất (tất nhiên thời đó chưa có Viagra, nếu có, thì cũng không biết thế nào!) Trong số họ, triết gia Epicurus thường bị người đời sau hiểu lầm là cổ vũ cho niềm vui vật chất.

Cảm xúc vẹn nguyên

Những ai tin vào đạo Phật, sẽ tin rằng “tất cả những gì tạo niềm vui cho các cảm giác đều tạo ra ái dục, là tạo ra khổ”. Chính vì vậy mà cảm giác của con người không thay đổi. Người cổ đại bị nóng vì nước sôi thì người đời nay cũng vậy. Tôi không bao giờ hết ngạc nhiên khi cảm xúc, nhận thức và cảm giác của con người không thay đổi trong nhiều thiên niên kỷ, gần như đối lập với công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và rộng lớn của chúng ta.

istockphoto-1071509122-612x612

Bạn già thích hẹn nhau tụ tập cà phê để bàn luận các vấn đề xã hội (Ảnh iStock)

Tại sao, khi về hưu, nhiều bạn già hay hẹn nhau tụ tập, hoặc cà phê nhẹ nhàng, để tranh cãi về các đề tài và sự kiện thời sự. Chính trị và kinh doanh, mặc dù được buông bỏ trong hành vi, lại trở thành đề tài hấp dẫn để tranh luận. Ví dụ: Có thật Việt Nam thành công trong chống Covid-19 và tại sao? Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ đến đâu? Tình hình ở Biển Đông thế nào? Khi tranh luận họ có cảm giác vui sướng vì kiến thức của mình, cảm giác “chiến thắng” khi mình có lý hơn…

Nhưng khi tranh luận về cái chết,  câu hỏi lớn nhất vẫn là:… “Cái gì đang chờ đợi chúng ta lúc chết?”, thì không ai tỏ ra thông minh hơn ai. Vâng, một số người đã tìm thấy câu trả lời trong tôn giáo, đức tin hay ý thức hệ, nhưng hầu hết những câu hỏi này vẫn bị treo lơ lửng đâu đó.

Ở đây, ngay bây giờ, tuổi càng cao càng mang đến cho cuộc sống của bạn cảm giác thân thuộc với thế giới, khiến tâm hồn bạn gần gũi vui buồn trần thế, và làm cho bạn tin vào cuộc sống hàng ngày hơn.

Hãy xem xét những gì xảy ra ngày hôm nay, không phải ở thế giới bên kia. Ai đó đã nói một câu (hơi cải lương chút), nhưng cũng chí lý: “Bạn sẽ hạnh phúc nếu ngày sống nào cũng là ngày cuối cùng.” Trong dịch bệnh lại càng thấm thía! Mới đây, tôi có một người bạn thân là bác sỹ Lương Lễ Hoàng. Anh nổi tiếng là người tư vấn y tế duyên dáng, thường mang lại niềm vui tinh thần cho mọi người. Tôi vừa nói chuyện qua điện thoại với anh, anh tư vấn cho tôi làm sao sống an vui trong đại dịch, anh cũng khuyên tôi “sống hôm nay như ngày cuối cùng”, thì hai tuần sau anh đã chết vì Covid. Tôi hơi bất ngờ, nhưng không buồn khi nghĩ đến lời khuyên của anh: “Tất cả đều vô thường”.

Đây là điều ban đầu đã thu hút tôi đến với Phật giáo. Nhưng nó cũng thu hút tôi đến với một số triết gia cổ điển. Và Epicurus là một trong số đó.

Sự thận trọng của tuổi già

Epicurus (341–270 Trước Công nguyên) là người sáng lập ra trường phái triết học Epicure. Ông mở lớp trong vườn nhà ông và thu hút rất nhiều học sinh, kể cả phụ nữ bình thường và gái điếm. Thật bất thường, không chỉ đối với thời đại của ông, mà ngay cả bây giờ - trong thế kỷ 21 này, chưa chắc chúng ta cho đó là bình thường. Có lẽ vì vậy mà người đời sau giải thích rằng ông chủ trương hạnh phúc là vật dục.

istockphoto-1266563501-612x612

Ở người già, sự thận trọng vì tuổi tác chín muồi là quan trọng nhất. (ảnh iStock)

Thực ra, trong tất cả những gì Epicurus viết về người già, ông cho rằng sự thận trọng vì tuổi tác chín muồi là quan trọng nhất. Vì từ sự thận trọng mà sinh ra tất cả các đức tính khác. Và nó dạy chúng ta rằng, không thể sống một cách dễ chịu nếu không sống một cách thận trọng trong danh dự và công bình. Trong khủng hoảng đại dịch, quá nhiều người, dù đã bước qua tuổi 60, học hành tử tế, nhưng vì quá bức xúc trước một cơn bệnh chưa từng biết đến, gây ra bao nhiêu chết chóc, thiệt hại, mà đã thiếu kềm chế, buông lời thóa mạ người khác công khai trên mạng, trên truyền thông đại chúng. Thật đau xót vì lời không đẹp cũng là dầu đổ thêm vào lửa!

Một người bạn của tôi, tuổi thất thập, xuất thân là một thầy giáo dạy tiếng Pháp. Khi bàn về lịch sử chính trị, ông có nhận xét rằng ông đã nghe lại nhiều cuộc phỏng vấn lịch sử, trong đó một vài nhà chính trị lớn của Việt Nam thời chống Pháp, đã trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí Pháp bằng tiếng Pháp và theo ông, tất cả đều nói bằng giọng Việt Nam. Tôi thật ngỡ ngàng. Tôi cũng nghe nhiều người “phê phán” rằng: “Bạn ấy nói tiếng Anh rất chuẩn, giọng Anh, giọng Mỹ…”. Thật ra, tất cả sự phê phán đó đều thiếu sự thận trọng về tri thức. Người thông dịch cho tôi khi tôi đi học ở Nga năm 1984 nói tiếng Việt rất giỏi, sành cả văn chương bình dân Việt Nam, nhưng giọng của anh vẫn không giống “giọng Việt” của tôi. Vậy tôi có hiểu không? Tất nhiên là tôi hiểu. Ai cũng ca ngợi khả năng tiếng Việt siêu đẳng của người phiên dịch. Cho nên ông bạn già của tôi, dù đã chín muồi thời gian, nhưng nhận thức hãy còn “trẻ”, vì ông đã thiếu sự thận trọng. Ông mới đạt đến “tuổi già”, nhưng chưa cập bến cảng mang tên “Tuổi già đích thực”.

Cập bến thảnh thơi: May mắn của tuổi già

Trong bộ sưu tập được gọi là “Những câu nói của Vatican” (được đặt tên như vậy vì bản thảo được phát hiện trong thư viện Vatican vào thế kỷ 19), người ta ghi lại rằng Epicurus đã nói: “Không phải tuổi trẻ là may mắn,  mà chính tuổi già mới may mắn vì đã sống tốt; bởi vì người trẻ còn mãi đi tìm hạnh phúc, hy vọng và lý tưởng và có nguy cơ đánh mất niềm tin của mình, trong khi người già đã cập bến cảng, đã bảo vệ hạnh phúc thực sự của mình.”

Nghĩ mình là một ông già đã đạt đến điểm an toàn khi đã cập “bến cảng cuộc đời” làm tôi phấn khích khi ngồi dưới bóng cây sala trong công viên gần nhà, suy nghĩ về cách tốt nhất để trải qua giai đoạn khó khăn - đợt sóng thứ tư của Covid-19 tại thành phố HCM, với hàng trăm người chết mỗi ngày trong tháng 8/2021. Hơn nữa, đối diện với công viên là một khu chung cư cao tầng không người ở lâu ngày, nhưng nay đã trở thành một bệnh viện dã chiến số 6, số 8… gần 1.000 giường. Ngày nào cũng nghe những tiếng còi xe cấp cứu. Nhờ sự chín muồi của tuổi tác, và sự thận trọng, tôi đã học được thói quen coi tiếng còi cấp cứu là “bình thường mới”.

istockphoto-861202396-612x612

Làm sao để giữa an nhiên, tự tại như thế? (Ảnh iStock)

Bạn sẽ hỏi: Làm sao để giữa an nhiên, tự tại như thế?

Thoạt tiên, tôi tìm về thi ca, vì nhớ lời khuyên của cố bác sỹ - kiêm nhạc sỹ Trương Thìn, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc vào năm 1999 khi tôi vào bệnh viện của anh để chữa bệnh mất ngủ: “ Bạn biết gì? Có biết làm thơ, vẽ hay viết nhạc không? Thích cái gì làm cái đó, bạn sẽ hết bị mất ngủ thôi”. Bác sỹ Trương Thìn mất cách đây 10 năm.

Tất nhiên tôi may mắn vì rất thích thơ và đã từng in một tập thơ. Trong thi ca, buông bỏ và giải thoát thường gắn với tuổi già, bởi vì thời gian đã mang lại cho con người nhiều trải nghiệm và tri thức như bài thơ của nhà thơ Nhật MUSO SOSEKI (1275-1351) dưới đây:

Ông lão thảnh thơi

Dù thanh cao hay thế tục

Đối với ông chẳng khác gì

Ông thảnh thơi giũ bỏ

Trả lại thiên đường… rồi đi

Ông là người khờ dại

Đố ai biết ông nghĩ gì

Ông già này đứng giữa

đất và trời… đôi khi.

Tâm trạng thảnh thơi trong cuộc chiến đấu với chính bệnh tật là dấu hiệu của tuổi già đích thực. Dù sự thành thơi đó là tri thức như tiến sỹ Steiner 89 tuổi hay Viagra mà bạn của tôi ở tuổi 70 vẫn dùng, đều là phương thuốc chữa trị bệnh già, mà mục đích cuối cùng là sống khỏe để đi đến một cái chết êm ái, nhẹ nhàng như chiếc tàu cập bến!

Lưu ý rằng: chúng ta mới có quyền sống, mà chưa có quyền chết, nên “chiếc tàu cập bến cuối cùng” vẫn là mơ ước đẹp nhất trong các nước mơ của một đời người!

 

 

 

Trần Ngọc Châu
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết