"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" - Hai trong một, triết lý của cuộc sống

Chàng và nàng cùng chung tay xây dựng nơi trú ngụ của mọi cặp uyên ương.

Phát động chiến dịch 'Hành trình an toàn' phòng, chống COVID-19

"Tháp 3 tầng" chăm sóc hậu COVID-19 của TP.HCM

Vì sao vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu?

Củng cố "lá chắn" vaccine, bảo đảm thuốc điều trị COVID-19

Ronaldo - cầu thủ nổi tiếng thế giới người Brazil (đang đá cho đội Corinthians, Brazil) - năm 2010 đã “suýt” cưới cô vợ thứ ba. Suýt cưới, nhưng lại thôi vì gặp sự cố. Ba mươi tư tuổi (sinh 1976), tên tuổi lẫy lừng khắp hoàn cầu, danh vọng và tiền bạc như nước, nhưng anh chàng “răng thỏ, đầu trọc” này đã trải qua hai đời vợ với bao nhiêu rắc rối, ưu phiền. Rõ ràng, ở đời nhiều khi tiền bạc không tỷ lệ thuận với thang độ của hạnh phúc.

Câu nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" là một câu nói gồm hai mệnh đề, có liên kết chặt chẽ nhờ lặp cấu trúc, từ ngữ đối ứng chặt chẽ và rất ngắn gọn. Nhưng sự ngắn gọn này lại chuyển tải một thông điệp hết sức hàm súc: Trong cuộc sống gia đình, Chàng và Nàng gánh hai sứ mệnh khác nhau trên con đường hoàn thiện cuộc sống.

Giới tính là sự phân chia của tạo hoá. Tạo hoá làm ra đàn ông và đàn bà khác nhau như hai thái cực. Sức hút của hai thái cực đó đã kéo họ lại thành một cặp. Nhưng để cho “cặp đôi - hai trong một” này tồn tại, “chung sống hoà bình” thì chính họ phải là người quyết định chứ không phải ai khác.

Cả hai đều phải chung tay. Đàn ông xây, đàn bà cũng xây. Một người xây nhà, một người xây tổ ấm. Chả lẽ nhà và tổ ấm khác nhau sao? Nhà là nơi trú ngụ của mọi cặp uyên ương kia mà! Đúng, nhà và tổ ấm không phải là một. Hai khái niệm này thống nhất (trong một trường nghĩa) chứ không đồng nhất. Cái hay của ngôn từ lại xuất phát từ cái lô gích tuyệt vời của cuộc sống.

to-am-trong-mo1581826750

Tổ ấm, một khái niệm trừu tượng, “ví cảnh đầm ấm, hoà thuận, thương yêu gắn bó với nhau (thường là trong gia đình)

Nhà, “công trình xây dựng có mái, có tường vách để ở hay để dùng vào một việc nào đó”. Đó cũng là “chỗ ở riêng, thường cùng với gia đình” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Vậy nhà là một thực thể hiện hữu, một công trình phải đầu tư vật chất. Và người đàn ông, khi xây dựng gia đình, phải có sứ mệnh nhận trách nhiệm tạo dựng cái khung làm nên nền tảng một “tế bào xã hội” (gia đình nhỏ). Đó là nơi ở, với những nguyên tắc sống, rường cột đạo lí mà anh ta sắm “vai” chính. Điều đó là hợp lẽ, vì đàn ông trong nhà bao giờ cũng được coi là “xương sống”, là trụ cột mà.

Nhưng họ có một người đồng hành đặc biệt. Đó là người bạn đời của họ. Người phụ nữ là “một phần tất yếu của cuộc sống” vì chỉ có họ thì mái nhà kia (dù có to đẹp đến mấy) mới có cơ hồ trở thành mái ấm. Muốn vậy, bạn đồng hành này phải chìa cánh tay chia ngọt sẻ bùi trong mọi nơi mọi lúc. Cuộc đời không phải là bài ca một giai điệu. Có cấy có trông, Có trồng có ăn, Có khó mới nên... Người phụ nữ chính là nhân tố làm nên “cặp bài trùng” lý tưởng của mọi gia đình. Họ cũng không chỉ là cặp bài trùng, họ còn là “huấn luyện viên”, là “bác sỹ tâm lý”, thậm chí là “bảo mẫu” nữa cơ đấy. Chính bản thân họ góp phần làm nên tổ ấm. Mà tổ ấm, một khái niệm trừu tượng, “ví cảnh đầm ấm, hoà thuận, thương yêu gắn bó với nhau (thường là trong gia đình)” (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn) chính là một giá trị của cuộc sống. Xây tổ ấm, tức là tạo dựng nên một đặc trưng, một phẩm chất cơ bản của một gia đình hạnh phúc. Công việc này, chắc chắn không phải là một điều dễ, càng không phải là chuyện một sớm một chiều. Khi có sự hoà thuận, hết thảy mọi gian nan rồi cũng sẽ qua. Thuận vợ thuận chồng tát Bể Đông cũng cạn mà!

 

 

Vậy mà, sứ mệnh này lại đặt vào vai người phụ nữ. Cô con gái lấy chồng, gánh giang sơn nhà chồng trong đó có giang sơn nhà mình. Họ không chỉ phải chăm chỉ, tận tuỵ, tháo vát mà điều tối quan trọng là họ phải có lòng yêu người, yêu cuộc sống. Chính tình yêu chứ không phải bất cứ một điều gì khác làm nên sức mạnh từ những người “yếu ớt” như họ. Một “nam nhi quân tử” sức vóc và tài năng, có thể đảm đương được cả sự nghiệp kinh bang tế thế. Song nếu vậy thôi chưa đủ, họ chỉ hoàn hảo, “công thành danh toại” thực sự khi gặp được người phụ nữ có tấm lòng yêu thương và chia sẻ với họ. Dĩ nhiên, người đàn ông không chỉ có nhận. Vì cũng chính nhờ đàn ông (chứ không phải gấm vóc lụa là) mà người phụ nữ - vốn là phái đẹp - trở thành người đẹp nhất thế gian này.

Người ta thường nói: “Một người đàn ông hạnh phúc là một người sáng sáng muốn đến công sở và chiều chiều muốn trở về nhà”. Sự nghiệp của họ là cần, là quan trọng. Nhưng muốn vậy, đằng sau họ phải có một “hậu phương” vững chắc. Đó là một gia đình ấm êm, hạnh phúc. “Đằng sau một người đàn ông thành công có một người phụ nữ. Và đằng sau một người đàn ông thất bại cũng vẫn chỉ là người phụ nữ đó thôi”. Hai trong một (hai con người, hai giới tính, hai bổn phận...), đó chính là điều làm nên triết lý của cuộc sống về sự hoàn thiện.

PGS.TS PHẠM VĂN TÌNH
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa