Vì sao vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu?

Còn quá sớm để nói chuyện "tương lai" của đại dịch COVID-19.

Tiến tới bình thường hóa, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Thủ tướng: Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết đến thời điểm này cần coi COVID-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh COVID-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

"Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với COVID-19 và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, COVID-19 đang được Bộ Y tế xếp vào nhóm A - nhóm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Cùng nhóm này còn có các bệnh cúm A - H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết, tả...

Trong khi đó, một bệnh dịch được coi là bệnh thông thường (còn gọi là bệnh đặc hữu) khi nó lưu hành ổn định trong cộng đồng, theo nghĩa có thể dự đoán được số lượng ca nhiễm ở mỗi thời điểm nhất định. Bên cạnh đó, bệnh cần tạo miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), đồng thời ngành y tế có khả năng khống chế được dịch.

Theo tiêu chí này, PGS.TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng coi COVID-19 là bệnh lý thông thường ở thời điểm này sẽ có nhiều hệ quả không tốt. Thứ nhất, người dân sẽ chủ quan, xem thường; Thứ hai, khi đã rút COVID-19 ra khỏi nhóm A truyền nhiễm, nếu xuất hiện chủng mới thì rất khó áp dụng các biện pháp kiểm soát từ Nhà nước, ví như yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người nơi công cộng. Thứ ba, nếu coi COVID-19 là bệnh thông thường thì chi phí điều trị sẽ do người bệnh chi trả. Trong tình huống này có người chi trả được nhưng một bộ phận đáng kể sẽ gặp khó khăn, nhất là khi lây nhiễm dịch bệnh ngoài mong muốn nhưng phải chi trả khoản chi phí y tế không nhỏ.

Cùng quan điểm rằng sẽ đến lúc COVID-19 cũng được coi bệnh đặc hữu, tuy nhiên, theo một chuyên gia dịch tễ, trước làn sóng dịch mới, biến thể mới với số ca mắc tăng nhanh như thời gian qua thì việc này sẽ cần thêm nhiều thời gian, đến khi số ca mắc trở nên ổn định, không bùng phát thất thường, khó đoán như hiện nay.

"Với số ca mắc và tử vong như hiện nay, sự đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, cùng với việc biến thể liên tục của chủng virus SARS-CoV-2 và hiệu quả của vaccine phòng bệnh chưa được như mong muốn, cuộc sống chưa trở lại bình thường thì chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Bên cạnh đó, nếu không thực hiện quy định cách ly nghiêm túc, các F0 sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân" - PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích.

Các chuyên gia cho rằng cần xem xét tình hình dịch bệnh trong vài tháng nữa mới có thể quyết định, khi tỷ lệ bao phủ vaccine trên thế giới cũng như trong nước đạt mức cao, thêm nhiều thuốc đặc trị virus để người dân dễ dàng tiếp cận thuốc khi mắc bệnh.

Việc Bộ Y tế vừa cấp phép khẩn cấp ba loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị COVID-19 do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được đánh giá là động thái "rất ý nghĩa". Từ nay, Việt Nam có thể tự túc thuốc kháng virus - vũ khí chủ lực trong cuộc chiến chống COVID-19, chủ động tiến trình thoát đại dịch.

Các nước trên thế giới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu ra sao?

Nhiều nước trên thế giới đang cố gắng triển khai những giải pháp để có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 - Ảnh: MedicineNet

Nhiều nước trên thế giới đang cố gắng triển khai những giải pháp để có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 - Ảnh: MedicineNet

Trên thế giới, nhiều nước như Anh, Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch cũng đang mở cửa hoặc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cuối cùng, xu hướng dần coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo kế hoạch không yêu cầu F0 cách ly. Na Uy hủy nhiều biện pháp phòng ngừa COVID-19 từ ngày 1/2. Đan Mạch hồi tháng 1 công bố "COVID-19 không còn được phân loại là căn bệnh nghiêm trọng của xã hội". Thuỵ Điển cũng tuyên bố đã thoát đại dịch.

Tây Ban Nha là một trong số các nước đang kêu gọi xem COVID-19 như bệnh đặc hữu, có nghĩa là một căn bệnh có các đợt bùng phát theo mùa nhẹ và con người có thể sống cùng nó như bệnh cúm. Theo Hãng tin AP, nếu xem COVID-19 là bệnh đặc hữu, giới chức Tây Ban Nha sẽ không cần báo cáo số ca mắc mới theo ngày, và người có triệu chứng bệnh sẽ không cần phải xét nghiệm dù vẫn được điều trị.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược "Zero COVID", áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, chặt chẽ. Hiện số ca nhiễm nước này thấp, song khả năng miễn dịch cộng đồng không cao.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết họ có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trong vòng 4 tháng tới. Theo báo Bangkok Post, hướng dẫn để tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu của Bộ Y tế công cộng Thái Lan gồm có 3 tiêu chí: Số ca mắc mới theo ngày phải dưới 10.000 ca, tỉ lệ tử vong không cao hơn 0,1% số người nhập viện vì COVID-19, và hơn 80% người có nguy cơ cao mắc bệnh đã được tiêm ít nhất 2 liều vaccine.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn