Đặng Thị Thúy Kiều: Độc đáo tranh gạo

Diễn viên Y Phụng: “Biết đủ là đủ"

Diễn viên Thanh Trúc: “Phụ nữ không nên mạnh mẽ quá”

Hoa hậu, diễn viên Ngô Thu Trang: “Tỷ phú mà ốm yếu thì tiền kiếm được để làm gì?”

Diễn viên Mỹ Uyên: “Ai bảo NSƯT là già?!”

Ca sĩ, diễn viên Maya: Tôi chuộng phong cách... sexy

Phòng tranh ở quê nghèo

Tốt nghiệp khoa Thiết kế truyền thông đa phương tiện - Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, nhưng khác với các bạn "bám trụ" chốn phồn hoa đô thị để lập nghiệp, Kiều trở lại quê hương khởi nghiệp với niềm đam mê nghệ thuật làm tranh gạo.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình không có, Kiều đã cố gắng tận dụng chính ngôi nhà cấp bốn của gia đình để làm phòng tranh và sáng tác. Kiều kể: "Mình nghĩ chính điều này lại làm nên nét đẹp riêng, bởi vì hiếm khi có một phòng tranh ngay giữa làng quê nghèo".

Đặng Thị Thuý Kiều đang thực hiện một bức tranh bằng gạo

Nói về quy trình làm tranh, Kiều cho biết: Làm một bức tranh gạo bắt đầu từ việc chọn hình ưng ý, sau đó canh tỷ lệ và vẽ lại trên giấy cứng hoặc ván ép, chọn màu gạo và "đi" gạo lên bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun PU để bảo quản tranh tốt hơn.

Nghe ra thì khá đơn giản nhưng lại không dễ chút nào, vì người nghệ sĩ ngoài việc chọn màu gạo còn phải biết lúc nào thì "đi" gạo đứng, lúc nào "đi" gạo nằm, khi nào dùng gạo nguyên hạt và ở đường nét nào thì dùng gạo tấm.

Gạo làm tranh là gạo rang. Khi rang với thời gian nhất định sẽ cho ra nhiều sắc độ đẹp mắt, từ trắng trong chuyển sang trắng sữa, trắng ngà, vàng mơ, vàng đậm, nâu nhạt, nâu đậm, nâu đen, đen, đen mun…

"Còn rất nhiều sắc độ mà mình vẫn chưa khám phá hết. Làm sao để hạt gạo không bị nở bung, gãy, cháy và phải cho ra màu đẹp, đó vẫn là một câu hỏi khó đối với tôi"- Kiều nói.

Chủ đề tranh cũngkhá phong phú như: Thư pháp, phong thủy, phong cảnh, đặc biệt là tranh về đề tài Tây Nguyên với những bộ Lễ hội, Chiều trên buôn, Nhà thờ gỗ Kon Tum

Nghề nối nghề

Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác tranh, với Kiều mong muốn lớn nhất là được truyền nghề cho chính các bạn trẻ Kon Tum. Hiện tranh gạo của Kiều đã được xuất khẩu cho một tổ chức từ thiện nhỏ Mỹ… nên cần thêm người theo nghề để hình thức nghệ thuật mới mẻ này vươn ra xa hơn nữa.

Với đam mê cháy bỏng từ hạt gạo, đến nay Kiều đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm với nhiều kích cỡ, từ 25 x 30cm đến 1 x 1,2m, giá tranh dao động trong khoảng 350.000 - 5,5 triệu đồng/bức (bộ).

"Sau 1 năm làm nghề, mình đã đào tạo cho khoảng 10 bạn trẻ làm tranh gạo. Hiện mình cũng đang cộng tác với các tu viện trên địa bàn tỉnh - nơi nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi để dạy nghề cho các em"- Kiều bộc bạch.

Còn sơ Nguyễn Thị Chiến, Nhà thờ Tân Phú, người học nghề từ Kiều và đang truyền dạy cho các em nhỏ sống trong nhà thờ chia sẻ: "Nghệ thuật làm tranh gạo có khả năng phát triển, tạo việc làm cho lao động trong vùng. Nghề nối nghề, sơ hy vọng tương lai sẽ có một lớp nghệ nhân làm tranh gạo ở đây".

Đối với Kiều, thành công lớn nhất của cô là đã góp phần mang thêm giá trị mới cho hạt gạo quê nhà. "Những kiến thức về văn minh lúa nước của người Việt được học ở trường đã giúp mình rất nhiều trong việc hình thành ý tưởng làm tranh gạo. Tranh của mình có hàm ý tôn vinh những người nông dân đã làm ra những hạt gạo"- Kiều thổ lộ.

Ngoài hoạt động nghệ thuật, Kiều cũng là một trong những thành viên của CLB Mỹ thuật Kon Tum. Khó khăn và thử thách vẫn chờ cô ở phía trước nhưng tin rằng với những hướng đi riêng, cùng với sức trẻ thì những thành công sẽ đến với Kiều.

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện