Đau cẳng chân - dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm

Không nên chủ quan khi thường xuyên bị đau cẳng chân

Người bệnh đái tháo đường cần cẩn thận với bệnh động mạch ngoại biên

Làm sao để giảm đau cách hồi chân do bệnh động mạch ngoại biên?

Ngoài giảm cân, người bị bệnh động mạch ngoại biên cần làm gì?

Theo thông tin từ Mayo Clinic - một trong những bệnh viện số 1 tại nước Mỹ, bệnh động mạch ngoại biên (hay bệnh động mạch ngoại vi - PAD) có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, thiếu máu cục bộ tại các chi, khiến các mô chết trong quá trình bị thương hoặc nhiễm trùng.

 

Nguyên nhân chính gây bệnh lý động mạch ngoại biên là hẹp tắc do mảng xơ vữa. Lòng mạch bị hẹp lại do sự tích tụ chất béo và lắng đọng các chất khác trên thành mạch. Tình trạng này có thể giảm lượng máu cung cấp cho các cơ ở chân, dẫn đến đau và chuột rút.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, có tới 6,5 triệu người từ 40 tuổi trở lên tại nước này mắc bệnh động mạch ngoại biên. Một số yếu tố nguy cơ khác gây bệnh bao gồm: Hút thuốc, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, cholesterol cao và người trên 60 tuổi.

CDC Mỹ giải thích: "Triệu chứng điển hình của bệnh động mạch ngoại biên là đau cẳng chân khi hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ và sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cứ 10 người bệnh sẽ có 4 người không bị đau cẳng chân. Các triệu chứng đau, nhức hoặc chuột rút khi đi lại có thể xảy ra ở mông, hông hoặc đùi".

Tiến sĩ David Newby, từ Tổ chức Tim mạch Anh, cho biết: “Nếu thường xuyên có cảm giác bị đau, chuột rút ở cẳng chân khi đang đi bộ bạn nên đi khám bác sĩ vì đó có thể là một triệu chứng cảnh báo bệnh".

Các triệu chứng tiềm ẩn khác của bệnh bao gồm yếu cơ, da cẳng chân bóng, da mát khi chạm vào, lạnh hoặc tê ngón chân, loét da không lành...

Theo CDC, để phòng ngừa bệnh động mạch ngoại biên bạn nên có thói quen sống lành mạnh, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát tình trạng tăng huyết áp, cholesterol cao và bệnh đái tháo đường.

Các cách điều trị bệnh hiện nay bao gồm dùng aspirin, thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc giảm cholesterol. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được bác sĩ chỉ định thực hiện phẫu thuật nếu cần.

Lê Tuyết (Theo New York Post)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp