Cách nhận biết bệnh sốt xuất huyết và hướng điều trị đúng đắn

Thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết giúp phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời

Những lưu ý khi phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết

Vệ sinh nhà cửa thế nào để ngăn ngừa muỗi?

Người bệnh sốt xuất huyết nên ăn gì để nhanh khỏi bệnh?

Bí quyết sử dụng sản phẩm chống muỗi an toàn

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 19.710 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại Bình Dương (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), TP. Hồ Chí Minh (1). So với cùng kỳ năm 2020, số mắc sốt xuất huyết giảm 16,3% nhưng số ca tử vong tăng 1 trường hợp.

Bệnh sốt xuất huyết thường diễn biến nhanh. Mức độ tiến triển từ sốt xuất huyết thông thường sang xuất huyết nặng không lường trước được. Trong khi đó, các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết có thể bị nhầm lẫn với sốt phát ban.

Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Nếu phát hiện những biểu hiện nghi ngờ sau, bạn cần đến cơ sở y tế (tuyến huyện trở lên) để làm xét nghiệm sốt xuất huyết.

- Sốt cao trên 39 độ, lên cơn sốt đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và không hạ khi dùng thuốc hạ sốt.

- Cảm thấy mệt mỏi, li bì, đau nhức cơ thể (vùng sau hốc mắt, vùng trán, đau cơ, khớp hoặc xương).

- Xuất hiện các nốt xuất huyết dưới da.

Những điều cần lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Không phải tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết đều phải nhập viện. Do đó, nếu được yêu cầu theo dõi tại nhà, bạn cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ điều trị và thường xuyên cập nhật các triệu chứng với cơ sở y tế.

Giai đoạn sốt

Người bị sốt xuất huyết cần sử dụng oresol bù điện giải theo đúng liều lượng

Sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu là giai đoạn sốt như các bệnh sốt virus thông thường khác. Ở giai đoạn này, người bệnh cần thực hiện tốt 2 yêu cầu là hạ sốt và bổ sung nước cho cơ thể.

Khi có biểu hiện sốt, người bệnh có thể uống thuốc paracetamol theo chỉ dẫn của bác sỹ, kết hợp với lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để hạ nhiệt nhanh hơn. Cần cho bệnh nhân mặc đồ thoáng mát, hạn chế đắp quá nhiều chăn khiến cơ thể không thể tỏa nhiệt.

Người bệnh tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt. Không lạm dụng paracetamol liều cao bởi thuốc có thể dẫn tới ngộ độc gan, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.

Trong giai đoạn này, người bệnh nên bù nước qua đường uống bằng cách sử dụng nước có pha bột điện giải oresol, nước hoa quả giàu vitamin và ăn thức ăn thanh đạm, dễ tiêu như cháo thịt nạc, súp. Lưu ý, oresol cần được pha theo đúng liều lượng trên bao bì. Pha oresol với quá ít nước có thể gây rối loạn điện giải cho cơ thể.

Giai đoạn nguy hiểm

Nốt xuất huyết rải rác trên cơ thể là dấu hiệu điển hình của bệnh sốt xuất huyết

Ở ngày thứ 3-7, nhiều người cho rằng lui cơn sốt có nghĩa bệnh sốt xuất huyết đã sắp khỏi. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng.

Người nhà và bệnh nhân cần đặc biệt chú ý tới những triệu chứng bất thường như: Mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, tiểu ít, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh, đi ngoài phân đen (do xuất huyết nội tạng). Khi đó, người bệnh cần được cấp cứu và điều trị kịp thời để tránh tình trạng xuất huyết nguy hiểm.

Giai đoạn phục hồi

Bệnh nhân sốt xuất huyết được xuất viện khi hết sốt trong vòng 2 ngày, tỉnh táo; Mạch huyết áp bình thường; Số lượng tiểu cầu trong máu bắt đầu tăng trở lại. Trong thời gian phục hồi, người bị bệnh sốt xuất huyết có cảm giác ăn uống ngon miệng, cơ thể không xuất hiện các nốt xuất huyết mới, đi tiểu bình thường trở lại.

Khi đã hết sốt hoặc khỏi bệnh, người bệnh không được tự ý truyền dịch (muối hoặc đạm) để bồi bổ sức khỏe. Hành động này có thể khiến cơ thể thừa nước, dẫn tới biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Phương pháp phòng bệnh chủ động là vệ sinh môi trường nơi ở để diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành. Ngủ màn, sử dụng các sản phẩm chống muỗi an toàn (xịt chống muỗi, tinh dầu) còn hỗ trợ phòng các bệnh do muỗi truyền nguy hiểm trong mùa Hè.

Quỳnh Trang H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm