Những bệnh có thể phòng tránh nhờ tiêm vaccine

Tiêm vaccine góp phần cứu mạng hàng triệu người dân trên thế giới mỗi năm

Thêm 6 ca mắc COVID-19 mới, 109.000 người được tiêm vaccine

Tại sao lại cơ thể lại xảy ra các phản ứng sau khi tiêm vaccine?

Hơn 80.000 người Việt được tiêm vaccine phòng COVID-19

Việt Nam xử lý được đông máu sau tiêm vaccine COVID-19 từ tuyến cơ sở

Ngày 26/4 tới đây sẽ là ngày khởi động “Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm 2021”. Đây là sự kiện được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 4 hàng năm, nhằm khuyến khích sử dụng vaccine để bảo vệ mọi lứa tuổi trong cộng đồng trước nguy cơ bệnh dịch. Chủ đề của tuần lễ năm nay là “Vaccine mang mọi người tới gần nhau hơn”.

Nhân sự kiện này, hãy cùng tìm hiểu một vài căn bệnh có thể phòng tránh nhờ tiêm vaccine:

Viêm gan B

Đây là một căn bệnh do virus gây ra, có thể làm tổn thương gan và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như vàng da, ung thư gan, suy gan.

Bệnh do rotavirus gây ra

Bệnh do rotavirus gây ra có thể gây nôn mửa, tiêu chảy nghiêm trọng, có thể dẫn đến mất nước ở trẻ nhỏ, khiến trẻ phải nhập viện.

Bạch hầu - uốn ván - ho gà

3 bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà có thể được phòng ngừa nhờ tiêm vaccine tổng hợp. Trong số đó, bệnh bạch hầu do vi khuẩn gây ra và có thể dẫn tới phì đại các tuyến ở cổ. Điều này có thể khiến người bệnh thấy khó thở, khó nuốt. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh bạch hầu có thể dẫn tới tổn thương cơ tim, tê liệt các cơ hô hấp.

Bệnh uốn ván do vi khuẩn gây ra, có thể dẫn tới cứng cơ, khớp hàm, khiến người bệnh không thể mở miệng hoặc nuốt.

Bệnh ho gà do vi khuẩn gây ra, có thể gây ra các cơn ho dữ dội, nghẹt thở. Bệnh cũng có thể dẫn đến viêm phổi hoặc tổn thương não ở trẻ sơ sinh.

Bệnh do vi khuẩn Hib gây ra

Bệnh do vi khuẩn Hib có thể gây viêm phổi, viêm màng não

Vi khuẩn Hib (Haemophilus influenzae type b) là vi khuẩn có thể gây viêm màng não (lớp màng mỏng bao phủ bên ngoài, bảo vệ não và tủy sống). Vi khuẩn Hib cũng có thể gây viêm phổi.

Bại liệt

Đây là bệnh do virus gây ra, có thể gây tê liệt vĩnh viễn các cơ, bao gồm cả các cơ kiểm soát hô hấp. Bệnh bại liệt cũng có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh sởi

Bệnh sởi do virus gây ra và có thể dẫn tới sốt, phát ban. Bệnh có thể gây mất thính giác, tổn thương não bộ, thậm chí dẫn tới tử vong.

Quai bị

Quai bị do virus gây ra và có thể dẫn đến sốt, đau đầu, sưng đau các tuyến dưới hàm. Bệnh có thể gây mất thính giác, viêm não, viêm tủy sống. Đặc biệt, quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới khi trưởng thành.

Rubella

Rubella (hay bệnh sởi Đức) là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh có thể gây sốt, phát ban và sưng các tuyến trong cơ thể. Nếu phụ nữ mang thai nhiễm rubella, con sinh ra có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bệnh thủy đậu

Bệnh do virus gây ra và có thể gây phát ban, ngứa, nổi mụn nước và sốt. Trong một số trường hợp hiếm gặp, virus gây Bệnh thủy đậu còn có thể dẫn tới viêm phổi hoặc viêm não, thậm chí dẫn tới tử vong.

Viêm màng não

Viêm màng não do vi khuẩn gây ra, có thể gây viêm lớp màng mỏng bao phủ bên ngoài, bảo vệ não và tủy sống. Viêm màng não có thể dẫn tới sốt cao, đau đầu và cứng cổ. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như tổn thương não, mất thính giác, thiểu năng trí tuệ. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh có thể gây tử vong.

Bệnh phế cầu khuẩn

Bệnh phế cầu khuẩn có thể do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn gây phế cầu khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm phổi, thậm chí là viêm màng não.

Cúm

Bệnh do virus cúm gây ra, có thể dẫn tới sốt, đau đầu, đau họng, ho và đau cơ bắp. Bệnh cũng có thể dẫn tới viêm phổi và tử vong, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vaccine ngừa cúm thường được tiêm chủng hàng năm vào mùa Thu.

Viêm gan A

Viêm gan A do virus gây ra và có thể dẫn đến vàng da, viêm gan cấp tính.

HPV

Virus HPV (Human Papilloma Virus) có thể gây các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một số chủng virus HPV có thể gây nổi mụn ở bộ phận sinh dục, trong khi một số chủng nguy hiểm khác có thể gây ung thư cổ tử cung… ở phụ nữ.

Để mang lại hiệu quả, nhiều loại vaccine cần được tiêm đủ liều, đúng thời điểm thích hợp. Do đó, cha mẹ nên trao đổi với bác sỹ để nắm bắt lịch tiêm chủng cho con.

Vi Bùi H+ (Theo Premierhealth)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp