Bệnh Basedow: Tất tần tật thông tin người bệnh cần biết!

Bệnh Basedow có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được kiểm soát tốt

Mắc Basedow có nên uống carbimazole kéo dài không?

Thuốc trị bướu cổ có gây độc hại và vô sinh không?

Tìm hiểu về các phương pháp điều trị basedow

Hiểu đúng về Basedow để có cách điều trị bệnh hiệu quả

Bệnh Basedow là gì?

Bệnh Basedow là một bệnh cường giáp do tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp dẫn đến sản xuất hormone tuyến giáp nhiều hơn bình thường, gia tăng nồng độ hormone trong máu, gây nên các tổn hại về mô và chuyển hóa.

Bệnh được đặc trưng bởi hiện tượng bướu giáp lan tỏa và triệu chứng lồi mắt, thường bắt gặp chủ yếu ở nữ giới.

Bệnh Basedow ảnh hưởng khá nhiều đến hệ tim mạch, có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không có biện pháp hỗ trợ điều trị kịp thời.

“Thủ phạm” gây bệnh Basedow

Cho tới nay, nguyên nhân gây bệnh Basedow vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo thống kê bệnh phần lớn có liên quan đến di truyền khoảng 79%, phần còn lại do các yếu tố khác như: Tuổi tác, môi trường sống, cơ địa, giới tính, hóa chất có trong thực phẩm ăn uống hàng ngày.

Triệu chứng nhận biết bệnh Basedow

Việc nhận biết triệu chứng bệnh được chia làm 2 nhóm hội chứng lớn là tại tuyến giáp và ngoài giáp.

Dấu hiệu tại tuyến giáp

Bướu giáp

Bướu giáp lớn, thường lan tỏa, tương đối đều, mềm, đàn hồi hoặc hơi cứng, nếu bướu lớn có thể chèn ép các cơ quan lân cận.

Một số biểu hiện rối loạn vận mạch vùng cổ (đỏ, da nóng, tăng tiết mồ hôi), vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân không có bướu giáp lớn (liên quan kháng thể).

Tim mạch

Bệnh Basedow có thể ảnh hưởng đến tim mạch

Bệnh Basedow có thể ảnh hưởng đến tim mạch

Bệnh nhân Basedow thường xuất hiện các triệu chứng hồi hộp, nhịp tim nhanh, loạn nhịp khi làm việc hoặc ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Với những biến chứng nặng hơn có thể là phù phổi, suy tim, gan to, hai chi dưới phù to.

Thần kinh cơ

Biểu hiện điển hình nhất là ở hai bàn tay, run rẩy kèm với đó là yếu cơ. Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện cáu gắt, khó chịu, hay bực tức, bất an, nói nhiều hơn bình thường, khó tập trung và thậm chí là mất ngủ.

Rối loạn chuyển hóa

Gây loãng xương, một số biến chứng có thể gặp ở phụ nữ lớn tuổi sau mãn kinh như: Xẹp đốt sống, xương loãng tự nhiên, viêm quanh các khớp...

Tiêu hóa

Ăn nhiều nhưng cơ thể khó hấp thu hết do đó vẫn giảm cân, khó mập. Hay xuất hiện tiêu chảy, nôn ói...

Rối loạn sinh lý

Triệu chứng tiêu biểu nhất là rối loạn kinh nguyệt...

Ngoài ra bệnh còn được biểu hiện qua da, tóc như rối loạn sắc tố da, da vàng, tóc khô và rụng nhiều hơn.

Dấu hiệu ngoài tuyến giáp

Tổn thường ở mắt

Triệu chứng thường hay gặp là lồi mắt. Có 2 dạng là lồi mắt giả và lồi mắt thật (lòi mắt nội tiết).

Lồi mắt là một triệu chứng điểm hình của bệnh Basedow

Lồi mắt là một triệu chứng điểm hình của bệnh Basedow

Phù niệm

Xuất hiện ở mặt trước cẳng chân, dưới đầu gối. Vùng da tổn thương dày lên có đường giới hạn rõ ràng. Da có màu hồng bóng, lỗ chân lông hiện rõ hơn, tiết mồ hôi nhiều. Triệu chứng này đôi khi có khả năng lan tỏa dần từ các chi dưới đến bàn chân.

Đầu các chi sưng to

Các đầu ngón tay và ngón chân ở người bệnh Basedow bị biến dạng, sưng to, thậm chí là tiêu móng.

Bên cạnh một số biểu hiện được thể hiện rõ ràng trên, bệnh còn mang một số triệu chứng tự miễn khác như: Suy vỏ tuyến thượng thận, đái tháo đường, nhược cơ năng...

Bệnh Basedow có nguy hiểm không?

Basedow là bệnh rất nguy hiểm cho hệ tim mạch, nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân sẽ tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt và đặc biệt là trong tình trạng cơn bão giáp, một biến chứng rất nặng của bệnh. Khi bị cơn bão giáp, bệnh nhân sẽ sốt cao 40 - 41 độ C, tinh thần hoảng loạn, lo lắng hoặc kích thích dữ dội, tim đập rất nhanh...

Điều trị Basedow như thế nào?

Các cách điều trị bệnh Basedow hiện nay là nhằm mục đích ức chế sự sản xuất quá mức của hormone tuyến giáp bằng cách nhắm chính xác vào tuyến giáp hoặc làm giảm bớt các triệu chứng bệnh.

Thuốc kháng giáp

Hiện nay có 3 loại thuốc được sử dụng để cải thiện bệnh Basedow là propylthiouracil, methimazole và carbimazole.

Thuốc kháng giáp ngăn cho tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone dư thừa bằng cách ức chế quá trình oxy hóa iod trong tuyến giáp. Các thuốc kháng giáp có thể sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp iod phóng xạ hoặc phẫu thuật.

Liệu pháp iod phóng xạ

Iod phóng xạ khi đi vào trong cơ thể qua đường uống sẽ phá hủy mô tuyến giáp để giảm sản xuất hormone. Phương pháp này có thể khiến người mắc gặp phải tình trạng suy giáp sau điều trị và phải sử dụng thuốc hormone thay thế suốt đời.

Thuốc chẹn beta

Những loại thuốc này không ức chế sản xuất hormone tuyến giáp nhưng sẽ giúp ngăn chặn tác dụng của hormone đối với cơ thể. Thuốc có thể giúp giảm nhịp tim khá nhanh, triệu chứng rủn rẩy, lo lắng, nhạy cảm với nhiệt độ, tiêu chảy và yếu cơ.

Các loại thuốc chặn beta có thể dùng trong bệnh Basedow như: Propranolol, atenolol, metoprolol hay nadolol.

Cần lưu ý là thuốc chẹn beta thường không được kê đơn cho người mắc bệnh hen suyễn, vì thuốc có thể gây ra cơn hen phế quản cấp tính.

Phẫu thuật tuyến

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sỹ sẽ đưa ra quyết định cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Giống như phương pháp sử dụng iod phóng xạ, người bệnh có thể gặp phải tình trạng suy giáp sau phẫu thuật.

Tóm lại, Basedow là bệnh nội tiết thường gặp đi kèm với nhiều triệu chứng và biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm sẽ mang lại kết quả cao trong quá trình điều trị.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết