Đề xuất bệnh hiểm nghèo, ung thư được chi trả 100% mức hưởng BHYT

Người dân đi khám chờ lấy thuốc bảo hiểm y tế - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức Khỏe+.

Chạy vì... trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

Mẹ thiếu dinh dưỡng – trẻ dễ mắc bệnh hiểm nghèo

Chạy vì... trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

Bộ Y tế đề nghị chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa tựu trường

Tại báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2 đang lấy ý kiến rộng rãi và sẽ kết thúc vào ngày 12/10 tới đây, trong nội dung về điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn, Bộ Y tế đề xuất quy định tỉ lệ hưởng BHYT 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng đối với các trường hợp:

 - Một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.

- Trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo quy định của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định này giúp tiết kiệm chi cho quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên. Từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Cùng đó, người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.

Theo danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 42 loại bệnh như: ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt,...., nếu như với đề xuất trên, người mắc các bệnh trong danh mục sẽ không cần phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT nhưng vẫn được hưởng tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ bao phủ BHYT hiện tại đạt 92,04% dân số. Tỷ lệ này cần tăng lên ít nhất 95% vào năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TƯ.

Trong gần 10% dân số chưa tham gia BHYT, chủ yếu tập trung vào nhóm phi chính thức như người lao động trong các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ hai trở đi, người tham gia theo hộ gia đình.

 

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu người tham gia bảo hiểm sức khỏe do các công ty bảo hiểm thương mại cung cấp hàng năm, nhưng nhiều người trong số này chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc do nhà nước thực hiện. Tình trạng này gây lãng phí nguồn lực trong khi nhà nước vẫn phải đầu tư cho chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bộ Y tế đánh giá, các chính sách trong luật BHYT sửa đổi giúp bảo đảm cơ chế tài chính cho người dân, tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, của một số đối tượng được bổ sung, sẽ cải thiện tình trạng sức khỏe và chất lượng sức khỏe của người dân.

Bộ Y tế dẫn chứng như bệnh nhân chạy thận nhân tạo có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc; mỗi tuần phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc. Chi phí để điều trị các bệnh lý này đối với những người có hoàn cảnh khó khăn là quá sức và từ đó sẽ dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như giảm sức lao động, tăng nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Khi họ tham gia BHYT và được Quỹ BHYT chi trả chi phí thì các khó khăn trên đã được giải quyết.

"Hiện nay, tính trên cả nước, tổng số lượng chạy thận nhân tạo được BHYT thanh toán là 4,3 triệu lượt/năm với tổng chi phí được chi từ quỹ BHYT cho thận nhân tạo chu kỳ là 2400 tỷ đồng/năm - là dịch vụ có tỷ trọng chi lớn nhất từ quỹ BHYT" - Báo cáo của Bộ Y tế cho biết.

Vì vậy, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT, không được chi trả từ quỹ BHYT, người dân sẽ đối mặt với khó khăn rất lớn về mặt tài chính đặc biệt khi mắc các bệnh hiểm nghèo.

Theo Báo Tuổi trẻ, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) lý giải, đề xuất tỉ lệ hưởng 100% BHYT với một số trường hợp cụ thể nghĩa là người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Điều này không đồng nghĩa với việc BHYT chi trả 100% chi phí khám, điều trị bệnh.

Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT hiện hành theo tỉ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, những bệnh chỉ có cơ sở y tế chuyên môn tuyến cuối mới điều trị được, người bệnh không cần xin giấy chuyển tuyến theo trình tự. Bệnh nhân đến cơ sở chuyên môn và được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định.

Tương tự, với những bệnh nhân mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,… cũng sẽ được chi hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định mà không cần chuyển tuyến theo trình tự khám chữa bệnh BHYT.

 

Ai được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh khi đồng thời đạt đủ các điều kiện sau đây:

- Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên.

- Có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh của những lần đi khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

- Đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Như vậy với đề xuất của Bộ Y tế, người bệnh được mở rộng tỉ lệ hưởng BHYT 100% đối với một số trường hợp không cần khám, chữa bệnh đúng tuyến.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn