Đi dọc bản Mường Hòa Bình

Chùa Kè - ngôi chùa cổ nhất xứ Mường Hòa Bình

Những thực phẩm nên hạn chế trong dịp Tết

Trẻ về quê ăn Tết bằng xe máy, chuẩn bị thế nào để khỏi bị ốm?

Kỳ vọng sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong năm 2023

Người cao tuổi, tăng huyết áp cần lưu ý gì trong ngày Tết?

Tháng 12/2022, chúng tôi tham gia đoàn Famtrip điền dã văn hóa các bản làng Mường do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức. Trong hành trình, chúng tôi đến các bản Mường: bản Ké, bản Đá Bia (huyện Hà Bắc); bản Ngòi Hoa, bản Mường Ải (huyện Tân Lạc), bản Giang Mỗ (huyện Cao Phong)…

Người Mường là “gốc” của người Kinh

“Mường” là tên mà người Kinh gọi dân tộc này, thực ra người Mường từ xưa thường tự gọi mình là Mol, Moan, Mual. Theo Kết quả điều tra dân số tại Việt Nam năm 2019, tổng số người Mường tại nước ta có gần 1,5 triệu người, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình chiếm 42% và các tỉnh lân cận là Thanh Hóa 29%, Phú Thọ 15%, Sơn La 6%, Ninh Bình 4%. Các vùng còn lại chiếm hơn 4% dân số Mường.

Vào thời Pháp thuộc, các nhà nghiên cứu người Pháp khi nghiên cứu nhân chủng học ở Đông Dương, đã xếp người Kinh và người Mường vào cùng một chủng tộc, với ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường trong ngữ chi Việt thuộc ngữ tộc Môn-Khmer của ngữ hệ Nam Á. Các nhà dân tộc học đưa ra thuyết cho rằng người Mường và người Kinh có nguồn gốc chung là người Việt - Mường cổ.

Về mặt huyết tộc và ngôn ngữ, thì người Kinh – Mường có khoảng cách rất xa so với những dân tộc còn lại ở Bắc Bộ. Nguyên nhân là bởi, các dân tộc Dao, Thái, Mèo, Tày, Nùng… di cư đến đất Việt Nam từ thế kỷ 13 trở về sau, họ là những tộc người từ nước Đại Lý (nay thuộc Vân Nam – Trung Quốc) bị quân Nguyên Mông đánh chiếm nên phải chạy xuống phía Nam. Trong khi đó, người Mường đã có mặt ở Bắc Bộ nước ta từ thời đại Hùng Vương trở về trước. Việc người Mường - Kinh có huyết thống gần với các chủng tộc người Khmer, người Malaysia…, khiến các học giả tin vào giả thuyết: Từ cách đây 4.000-10.000 năm, những tộc người từ khu vực bán đảo Mã Lai (Malaysia) và các đảo thuộc Indonesia đã di cư đến vùng Bắc Bộ của nước ta để hình thành tộc người Mường.

Người Mường chỉ sống ở các vùng núi cao, bởi thuở ấy, đồng bằng sông Hồng vẫn còn là biển. Vào các thời đại vua Hùng dựng nước, cư dân của đất nước Văn Lang chủ yếu là người Mường. Đến thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc, người Mường từ đồi núi đã chuyển xuống sống ở vùng đồng bằng, có sự hòa trộn với người từ phương Bắc di cư xuống về văn hóa, ngôn ngữ và nhân chủng thì thành người Kinh.

Ông Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết Hòa Bình có 4 vùng Mường lớn: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động. Mường là đơn vị tổ chức xã hội, tập hợp nhiều làng trong cùng một thung lũng, hay nhiều thung lũng, liền kề nhau.

IMG_0369

Nhà Lang duy nhất còn sót lại của xứ Mường Hòa Bình

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến điền dã lần này là Bảo tàng không gian văn hóa Mường nằm trên con đường Tây Tiến, cách trung tâm thành phố Hòa Bình 7km. Đây là bảo tàng tư nhân do họa sỹ Vũ Đức Hiếu xây dựng, tọa lạc trong thung lũng núi đá vôi nhỏ có diện tích khoảng 5ha.

Chị Bùi Thị Vân - Hướng dẫn viên của Bảo tàng này cho biết từ trước năm 1945, người Mường chia làm 4 giai cấp chính: Nhà Lang là người thống trị cả Mường; Ậu là những người giúp việc cho nhà Lang; Noóc là tầng lớp dân thường; Noóc trọi là lớp người bần cùng trong xã hội Mường xưa kia. Chức Lang được truyền theo hình thức cha truyền con nối, và Nhà lang thường cử người nhà làm Lang Đạo ở các xóm trong Mường. Người Mường ở Hòa Bình có 4 dòng họ chính: Đinh, Quách, Bùi và họ Hà. Họ Đinh đều là con cháu của nhà Lang, từ Quan Lang, đến các chức Ậu, các Lang Đạo đều là người thuộc dòng họ này. Ba họ còn lại đều là dân thường, trong đó họ Bùi đông nhất.

Độc đáo Nhà Lang

Ấn tượng nhất với chúng tôi là Nhà Lang trong Bảo tàng không gian văn hóa Mường, đây là ngôi Nhà Lang duy nhất còn sót lại của tỉnh Hòa Bình. Chị Vân cho biết chủ của ngôi nhà này trước đây là bà Lợi - con gái của một Quan Lang thời Pháp thuộc. Ngôi nhà này được di dời về Bảo tàng vào năm 2007, khi đó bà Lợi đã 108 tuổi. Bà Lợi sau đó qua đời năm 2010, thọ 111 tuổi. Khi bà mất, gia đình có tất cả 106 người cả con, cháu, chắt, chút. Tuy nhiên, ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi này đã bị cháy vào tháng 10/2013, do một nhóm du khách đã nhóm bếp và bất cẩn gây hỏa hoạn, nên sau đó phải phục dựng lại theo nguyên mẫu nhà xưa.

IMG_0297

Nhà Lang được ví như trung tâm quyền lực của xứ Mường

Nhà Lang được ví như trung tâm quyền lực của xứ Mường, nên thường được dựng ở vị trí đắc địa. Ở giữa có một ngôi nhà sàn lớn để điều hành tất cả các công việc, gọi là nhà sàn chính, xung quanh có các dãy nhà của người hầu, nhà kho... Ngôi nhà sàn chính cũng là nơi để hội họp, đưa ra những quyết sách về quản lý và điều hành của nhà lang. Điểm độc đáo nhất trong ngôi Nhà Lang là có tới hai bếp lửa, một bếp ở gian cuối dùng để nấu nướng, sinh hoạt chung cho gia đình quan lang, một bếp ở gian đầu hồi dùng để giải quyết việc công và tiếp khách. Theo quan niệm của người mường thì chỉ có nhà lang mới được xây 2 bếp, nhà dân thường chỉ có một bếp. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là bàn thờ trong nhà Lang có một chiếc cột cái chắn giữa, điều này khác với nhà của người Kinh. Trước bàn thờ có treo lịch Đoi, gồm những que tre vót tròn có khắc nhiều vạch. Đây là bộ lịch cổ xưa nhất của người Mường. Tại mỗi gian nhà sàn đều được bày biện và treo những đồ vật linh thiêng như trống đồng, cồng chiêng, súng nỏ… tượng trưng cho sự giàu có và uy quyền tối cao của chế độ nhà lang. Cồng chiêng là loại nhạc cụ chủ đạo của người Mường, sử dụng trong cả đám cưới, đám ma, giỗ, Tết… Bộ cồng chiêng bao gồm 12 chiếc từ to đến nhỏ, ứng với 12 tháng trong năm.

Ngất ngư trên những bản Mường cổ

Những năm gần đây, ngành Văn hóa – Du lịch tỉnh Hòa Bình đã có nhiều hành động thiết thực bảo tồn, lưu giữ, giúp văn hóa Mường thăng hoa. Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa phong tục độc đáo của người Mường, ngày nay nhiều Bản của người Mường đã trở thành những điểm du lịch cộng đồng, giúp tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Du lịch bản Mường cũng là xu hướng du lịch đặc biệt thu hút khách, nhất là trong bối cảnh sau tác động của dịch COVID-19, du khách đang quay trở lại những giá trị cốt lõi và tìm đến sự an toàn.

IMG_0003

Người Mường vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường Hòa Bình

Đi ngược phía tả sông Đà, điểm dừng chân tiếp theo trong chuyến điền dã là xóm Ké, cách thị trấn Đà Bắc khoảng 10km, nằm ở góc vịnh Hiền Lương của hồ sông Đà. Nơi đây sinh sống của cộng đồng người dân tộc Mường vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Mường, cùng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng tạo nên sức hút của điểm du lịch cộng đồng. Đến với xóm Ké, du khách được trải nghiệm đạp xe đạp hoặc đi bộ thăm bản, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng sơn cước, nghỉ tại nhà dân, xem biểu diễn văn nghệ, tắm lá thuốc dân tộc, trải nghiệm bơi bè mảng, chèo thuyền…

Chị Đinh Văn Sánh, chủ homestay Sánh Thuấn ở bản Ké cho biết trước thời dịch COVID-19, hầu như tuần nào cũng có khách quốc tế đến thăm bản. Họ thường đi theo nhóm khoảng trên dưới mười người, nghỉ lại qua đêm, thích tìm hiểu bản sắc văn hóa, đời sống của nhân dân địa phương. Sau thời gian không vắng khách do dịch COVID-19, từ giữa năm 2022 đã có khách trở lại, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với trước đây.

Rời xóm Ké, đến bản Đá Bia, xã Tiền Phong nằm sát mép hồ sông Đà, có 40 hộ người Mường sinh sống. Từ năm 2014, dự án “Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc” được triển khai từ sự giúp đỡ của tổ chức phi chính phủ Úc là Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam kết hợp với UBND huyện Đà Bắc. Hiện nay bản Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng, mỗi nhà có sức chứa từ 15 đến 20 người.

IMG_5669

Cuộc sống yên bình vẫn tiếp diễn ở những bản làng Mường ngày nay

Đi thuyền sang bờ bên kia sông Đà, đoàn chúng tôi ghé bản Ngòi Hoa thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ai nấy đều không khỏi kinh ngạc khi đặt chân tới đây vì giữa một xã hội đang đổi thay từng ngày mà bản Mường cổ Ngòi Hoa vẫn bảo tồn được những nét văn hóa xa xưa lâu đời cho tới thời điểm hiện tại. Đặc biệt, ở đây có 4 hang động, với các khối nhũ, khối măng tuyệt đẹp. Nhưng thích thú nhất là đón bình minh và ngắm hoàng hôn trên vịnh Ngòi Hoa. Giữa một khung cảnh yên bình đến thế, bình minh đã đẹp lộng lẫy rồi nhưng hoàng hôn còn hút hồn gấp nhiều lần.

Trên đường bộ, tiếp tục hành trình, đoàn điền dã đến xóm Mường Ải, nằm trong thung lũng Mường Bi. Đây là điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng nhất huyện Tân Lạc. Ông Bùi Văn Dựng, một người dân ở đây cho biết từ nhiều đời nay, người dân Mường Ải vẫn giữ nguyên bản sắc dân tộc Mường từ ăn, ở, trang phục, phong tục tập quán. Nhà sàn vẫn giữ nguyên bản nhà sàn người Mường (hình con rùa), trong nhà có bếp lửa, phía trên bếp là khựa (giàn làm bằng cây vầu, cây bương), cuối nhà là khạp (giàn được gép bằng cây bương). Trên nhà sàn gia đình nào cũng có khung dệt vải, dưới sân là cối xay lúa, cối giã gạo. Phụ nữ Mường Ải từ già đến trẻ ai cũng thông thạo việc dệt vải, tạo nên những tấm thổ cẩm rực rỡ muôn màu với nét hoa văn tinh tế mang đậm bản sắc núi rừng. Được biết năm 2008, xóm Ải được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người của cả nước.

Về đến huyện Cao Phong, đoàn chúng tối ghé thăm bản Mường Giang Mỗ thuộc xã Bình Thanh. Bản Giang Mỗ có trên 100 nóc nhà sàn với gần 500 nhân khẩu đa số là người dân tộc Mường, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Giữa một thung lũng nhỏ nằm nép mình chân núi Mỗ, nơi đây có không gian yên bình và những nếp nhà sàn thấp thoáng trên sườn núi, phía sau những ruộng bậc thang.

Khi đến tham quan các bản Mường, du khách luôn được chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn truyền thống có kiến trúc theo mô hình con rùa, gắn liền với những phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản Mường. Ta sẽ được ngắm nhìn những cô gái Mường duyên dáng trong trang phục truyền thống, nghe các thiếu nữ Mường giới thiệu về nghề dệt và những sản phẩm từ thổ cẩm. Trong những bữa ăn, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Mường như xôi nếp nương, xôi cẩm, cỗ thịt lợn bày trên lá chuối, cá suối đồ và uống rượu cần để rồi ngất ngư theo những nhà sàn, kẽ rêu bậc đá.

 
Bài & ảnh: Chu Minh Khôi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa