- Chuyên đề:
- Tăng huyết áp
Nhiều món ăn ngày Tết có thể trở thành mối nguy cho những người bị tăng huyết áp
5 cách giúp kiểm soát bệnh tăng huyết áp tại nhà hiệu quả
Người bệnh tăng huyết áp có uống bia được không?
Dinh dưỡng cho người tăng huyết áp, mỡ máu cao phòng ngừa xơ vữa động mạch
Bảo vệ tim mạch với chế độ dinh dưỡng và tập luyện
Nhắc đến cỗ Tết, không thể không nghĩ tới những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt nấu đông hay thịt kho hột vịt. Thật không may, các món ăn đặc trưng ngày Tết hình như lại chưa phù hợp với người thừa cân, béo phì, mắc bệnh lý tăng huyết áp. Các món rau chống ngán như dưa hành, dưa món cũng chứa nhiều muối, chưa kể đến trong mâm cơm luôn có rượu hoặc bia làm đầu câu chuyện.
Theo TS. BS. Trương Tuyết Mai – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc ăn uống ngày Tết với người mắc các bệnh mạn tính không lây, trong đó bệnh tăng huyết áp cần được xem xét theo nhiều khía cạnh để mỗi người sẽ được đón Tết trọn vẹn, tràn đầy hạnh phúc.
Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh tăng huyết áp
Người tăng huyết áp luôn được khuyến cáo duy trì chế độ ăn ít chất béo, hạn chế đồ ăn mặn (giảm muối), hạn chế rượu, bia, thuốc lá. Trong ngày Tết, việc thực hiện chế độ ăn khắt khe là tương đối khó. Tuy nhiên, một vài lưu ý sau giúp người cao tuổi bảo vệ sức khỏe, giữ huyết áp ổn định trong kỳ nghỉ này:
Giảm muối
Chế độ ăn nhiều muối natri là một yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng huyết áp. Vì vậy, mỗi ngày người trưởng thành không nên dùng quá 5gr muối, người cao tuổi có chỉ số huyết áp cao có thể phải cắt giảm thêm.
Ngày Tết, để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người tăng huyết áp nên hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, thịt nguội... Giảm lượng muối khi nêm nếm gia vị, tránh dùng nước chấm mặn. Cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn.
Hạn chế chất béo và đường
Chất béo từ động vật (thịt đỏ, nội tạng, da và mỡ) là các acid béo bão hòa có hại cho sức khỏe tim mạch. Đây là yếu tố góp phần dẫn đến xơ vữa động mạch và nhiều biến chứng tăng huyết áp khác.
Gia đình có người cao tuổi, người bệnh tăng huyết áp nên thêm vào mâm cơm ngày Tết những món ăn từ cá, hải sản hoặc thịt trắng. Dùng phương pháp chế biến lành mạnh như hấp, luộc hoặc nướng không dầu để món ăn lành mạnh hơn.
Người cao tuổi muốn kiểm soát cân nặng và đường huyết cũng cần tiết chế khi thưởng thức bánh mứt ngọt, đồ nếp ngày Tết.
Cẩn trọng với rượu bia
BS Trần Châu Quyên – Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: "Rượu bia là nguyên nhân dẫn tới rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm như ung thư, các bệnh về gan, tim mạch, huyết áp, thần kinh, đột quỵ… Và người cao tuổi càng dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hơn so với những người còn trẻ tuổi nếu sử dụng nhiều rượu bia".
Thống kê cho hay chỉ cần uống 100ml rượu là đủ để tăng áp lực thành mạch lên 3 mmHg. Gia đình, người thân nên kiểm soát một cách chặt chẽ lượng đồ uống có cồn mà người cao tuổi sử dụng, tránh những nguy cơ tiềm tàng đáng tiếc như đột quỵ, vấp ngã những ngày đầu năm.
Sinh hoạt điều độ trong ngày đầu năm
Cũng theo BS Trần Châu Quyên, khi về già, sức chịu đựng và thích nghi của con người trở nên kém hơn so với những ngày còn trẻ. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nếu sinh hoạt ăn uống của ông bà, cha mẹ không được đảm bảo theo đúng giờ sinh hoạt, họ sẽ có nguy cơ cao hơn gặp phải các tình trạng không mong muốn như mệt mỏi, đói, tay chân run rẩy…
Các gia đình nên đảm bảo các bậc ông bà, cha mẹ ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ. Nếu đi chúc Tết hay đi chơi du xuân, chúng ta phải đảm bảo rằng người cao tuổi ở nhà đã có đồ ăn sẵn sàng. Việc sử dụng thuốc điều trị, thuốc hạ huyết áp cũng cần duy trì đều đặn trong suốt những ngày Tết.
Người cao tuổi cũng nên giữ thói quen tập luyện như đi bộ, yoga, thái cực quyền… khi có thời gian để giảm căng thẳng và ổn định sức khỏe ngay từ đầu xuân.
Bình luận của bạn