Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024 (P.6): Giải pháp nào tăng doanh thu cho cơ quan báo chí?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định vẫn còn cơ hội tăng doanh thu cho các cơ quan báo chí

Nhịn ăn sao cho an toàn?

Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm họng

Y tế tuần: Phẫu thuật tim cho bệnh nhân có khối u tim khổng lồ

6 bước quan trọng giúp phòng ngừa đột quỵ khi bị mỡ máu cao

Doanh thu báo chí đang sụt giảm

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Đa dạng nguồn thu của các cơ quan báo chí” trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 diễn ra ngày 16/3 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, các cơ quan báo chí đang đứng trước thách thức lớn về nguồn thu. Nguồn thu chính từ quảng cáo đang sụt giảm mạnh. Các doanh nghiệp có xu hướng tìm những phương thức quảng cáo hiệu quả hơn so với quảng cáo trên báo chí, dẫn tới xu hướng quảng cáo “chạy” sang không gian khác như các nền tảng mạng xã hội. Theo thống kê của Bộ, nếu như trước đây nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200 - 300 triệu cho đến mức 4.000 - 5.000 tỷ đồng, thì thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng 1,2 cơ quan báo chí. Có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ.

Nhà báo Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình Vĩnh Long

Nhà báo Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình Vĩnh Long

 

Hạ tầng nền tảng số của Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long hiện có 1 trang Thông tin điện tử; 1 ứng dụng xem truyền hình miễn phí trên internet THVLi; 1 ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên internet THVLaudio. Các nền tảng mạng xã hội gồm: 48 kênh YouTube, 23 Fanpage Facebook, 4 kênh Tiktok, 1 kênh Instagram, 1 kênh X, 5 kênh Zalo, 1 kênh Threads, 6 kênh Myclip, 5 kênh Dailymotion. – Nhà báo Lê Thanh Tuấn chia sẻ.

Đây cũng là chia sẻ của ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long. Nhà báo Lê Thanh Tuấn còn chia sẻ rằng, khi ông ngồi dự diễn đàn báo chí, vẫn thường xuyên nhận được tin nhắn từ đài về việc suy giảm doanh thu hàng ngày. Điều này thể hiện rõ xu thế dịch chuyển quảng cáo từ báo chí truyền thống sang các nền tảng số và mạng xã hội. Chính vì vậy, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, nỗ lực khai thác mạng xã hội để đưa nội dung đến khán giả, tạo doanh thu, ổn định nguồn thu quảng cáo cho đài.

Sự thay đổi đã đem lại cho Đài Vĩnh Long một số kết quả. Lượng khán giả số của Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long không ngừng tăng qua từng năm; đồng thời, góp phần mang về nguồn thu mới cho đài.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết, báo Tuổi Trẻ là đơn vị tự chủ về tài chính. Mỗi tháng, chỉ riêng bộ phận in, tòa soạn cần 14 tỷ đồng để trả thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Trong khi, thói quen của người đọc đang thay đổi từng ngày, khiến cơ cấu nguồn thu của báo cũng có sự chuyển dịch. Nếu như trước kia, 75% doanh thu của báo tới từ báo in thì hiện giờ 75% là tới từ các nền tảng số.

Để thích ứng, báo Tuổi Trẻ buộc phải thay đổi, đầu tư nhiều vào công nghệ, thay đổi tư duy, thói quen làm báo của các nhóm phóng viên, biên tập viên. Báo cũng phải xoay xở vừa đặt mục tiêu giảm thiểu đà sụt giảm trên báo giấy, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nguồn thu.

Theo ông Toàn, báo Tuổi Trẻ chia khách hàng làm ba nhóm: độc giả đọc báo hằng ngày, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Trong đó, tập trung chăm sóc lớn nhất là nhóm khách hàng độc giả, cố gắng chuyển thói quen của bạn đọc từ báo giấy qua online.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, báo cố gắng để họ thấy được sản phẩm dịch vụ của họ chia sẻ trên tờ báo sẽ tiếp cận được tệp khách hàng họ mong muốn. Ông Toàn cũng chia sẻ thêm, đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, không phải cứ bán cái mình có là khách hàng sẽ tới. Cần phải tìm hiểu rõ, khách hàng mong muốn gì để tung ra các gói dịch vụ.

Còn đối với nhóm cơ quan quản lý nhà nước, báo sẽ tạo ra cách chuyển tải để công chúng dễ hiểu hơn, dễ tiếp cận chính sách hơn.

Cũng theo ông Toàn, mảng tổ chức sự kiện truyền thông cũng là miếng bánh đem lại lợi nhuận. Nhưng phần lợi nhuận này chỉ có thể thu về được nếu cơ quan báo chí dám đầu tư. Dẫn ra ví dụ Festival Phở do báo Tuổi trẻ tổ chức tại Nhật, ông Toàn cho biết, chi phí bỏ ra rất lớn, phần lợi nhuận thu về không đến trực tiếp từ Festival mà tới sau đó, khi các doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng nên đã đặt quảng cáo trên Tuổi trẻ.

Từ phải qua: Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - TBT báo Giao thông, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, ông Tô Đình Tuân (áo đen) - TBT báo Người lao động

Từ phải qua: Bà Nguyễn Thị Hồng Nga - TBT báo Giao thông, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, ông Tô Đình Tuân (áo đen) - TBT báo Người lao động

Chia sẻ kinh nghiệm của báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng Biên tập Báo Giao thông cho biết, báo Giao thông có những thuận lợi, khó khăn của một cơ quan báo chí trực thuộc bộ ngành. Để tồn tại và phát triển, báo Giao thông xác định, phải làm nội dung tốt nhất có thể, tốt lên từng ngày. Những dịch vụ sở trường phải mở rộng, gồm quảng cáo, hội thảo, tọa đàm (những hội thảo chuyên sâu, hội thảo quốc tế như đã từng làm với UNDP), phát hành sách về an toàn giao thông, thực hiện cầu truyền hình tại các sự kiện khởi công, khánh thành các dự án giao thông tại những khu vực không có điện, internet. Tất cả các dịch vụ này để phần nào bù đắp cho việc sụt giảm lượng phát hành của báo in chung trong giai đoạn hiện nay.

Bà Nga cung cấp những con số cụ thể: “Chúng tôi bán báo in được khoảng 8 tỷ đồng, quảng cáo doanh thu chuyên đề khoảng hơn 50 tỷ đồng. Tổng doanh thu tầm hơn 60 tỷ đồng”. Một kết quả đáng khích lệ trong thời buổi kinh tế báo chí còn nhiều khó khăn.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động cho rằng, không có giải pháp nào chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Mỗi cơ quan báo chí với thế mạnh của mình sẽ tìm ra những hướng đi phù hợp. Một cơ quan báo chí thực hiện nội dung tốt, nhân văn, tin cậy sẽ thu hút bạn đọc, doanh nghiệp đến với báo. Ngoài ra, mảng tổ chức sự kiện – phải chuyên nghiệp, tự tin, cũng sẽ đem lại doanh thu cho các tòa soạn.

Cũng theo ông Tuân, thu phí bạn đọc cũng là một giải pháp tăng doanh thu cho cơ quan báo chí, tuy nhiên, không phải là giải pháp trong ngắn hạn. Báo Người lao động đã thu phí bạn đọc từ năm 2022, đã có khoảng 30.000 tài khoản đăng ký, tuy nhiên, nguồn thu chưa nhiều, chưa đáp ứng mong muốn của tòa soạn. “Chủ trương của báo là không phải bán tin tức mà bán những thông tin có hàm lượng chất xám cao hơn. Mong rằng các cơ quan báo chí khác cũng đồng hành để từng bước thay đổi thói quen của bạn đọc”, ông Tuân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)

Để có thể tăng hiệu quả hoạt động kinh tế báo chí, Giám đốc Lê Thanh Tuấn đề xuất cơ quan quản lý nhà nước: Không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí; Cho phép thu phí người dùng qua hình thức trả phí thuê bao hoặc phí nội dung trên hạ tầng OTT; Miễn, giảm linh hoạt thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí tùy theo sự biến động của nền kinh tế (miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mỗi lần 6 tháng hoặc 1 năm, giống như giảm thuế VAT hiện nay). Qua đó sẽ tạo thêm nguồn thu cho các cơ quan báo chí tồn tại được.

Còn ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị, về ngắn hạn, Bộ TT&TT cần tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan để giảm thuế cho các cơ quan báo chí. Năm ngoái, sau khi Bộ TT&TT làm việc cùng Bộ Tài chính, sản phẩm báo in đã được giảm thuế VAT. Cần mở rộng diện giảm thuế cho các loại hình báo chí khác. Mặt khác, Bộ TT&TT cần tác động để các cơ quan báo chí giảm nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội. Có bình luận mới có tương tác, từ đó mới có doanh thu. Nếu giải quyết được việc này thì các tòa soạn sẽ chuyển dịch nhanh lên các nền tảng mạng xã hội. Về dài hạn, ông Đồng đề nghị, trong sửa đổi Luật Báo chí, cần đẩy mạnh xã hội hóa để tăng đầu tư từ tư nhân cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho báo chí.

Từ phải qua: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm - Ông Trần Xuân Toàn - PTBT báo Tuổi trẻ, ông Lê Đức Minh - TBT báo Đầu tư

Từ phải qua: Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm - Ông Trần Xuân Toàn - PTBT báo Tuổi trẻ, ông Lê Đức Minh - TBT báo Đầu tư

Ông Trần Xuân Toàn cũng đề xuất có một buổi đối thoại giữa các cơ quan báo chí với các nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng như Facebook, TikTok, Youtube… Tinh thần là khi chia sẻ, sử dụng nội dung của báo chí, các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm chia sẻ doanh thu với cơ quan báo chí.

Cơ hội không đến với những cơ quan báo chí khoanh tay chờ đợi

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm trong phiên thảo luận. Theo Thứ trưởng, gần đây, Bộ TT&TT đã có biện pháp mạnh đối với hành vi vi phạm quảng cáo trên không gian số, tác động để điều tiết dòng tiền quảng cáo sạch phải đi về nội dung sạch. Cuối năm vừa rồi, một số cơ quan báo chí cho biết doanh thu quảng cáo có tăng lên. Tìm hiểu thì thấy nguyên nhân do những người cầm ngân sách quảng cáo đặt vào các kênh sạch và được xác thực để tránh rủi ro. Đây là tín hiệu mới khả quan. Như vậy, trong khó khăn vẫn có cơ hội cho các cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh nguồn thu từ độc giả còn nhiều khó khăn, để độc giả trả tiền mua nội dung báo chí vẫn là vấn đề nan giải, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu một hướng khả quan: Thu phí nội dung sạch. Các cơ quan báo chí có thể hướng tới phân khúc thị trường ngách là bộ phận độc giả muốn có trải nghiệm tốt, sẵn sàng trả tiền để đọc nội dung tin bài không bị xen quảng cáo.

Người tiêu dùng bây giờ có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Các cơ quan báo chí nên kết nối để hiện diện ở những hệ sinh thái không dùng tiền mặt để đồng hưởng lợi trên hệ sinh thái này.

Cũng theo Thứ trưởng, một nguồn thu mới khác mà các cơ quan báo chí có thể khai thác, đó là tham gia chuỗi giá trị thương mại điện tử (TMĐT), lên kết phân phối sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến độc giả/khán thính giả, với điều kiện sản phẩm, dịch vụ không xung đột với nghề báo.

Bây giờ, “những người làm kinh tế báo chí không chỉ biết làm nội dung mà sẽ phải có kiến thức về xu thế của nguồn thu và dòng tiền trên không gian mạng”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm lưu ý.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần tạo nguồn thu cho báo chí. Bên cạnh vai trò quản lý báo chí, định hướng hoạt động cho các cơ quan báo chí, truyền thông chủ lực, tạo đồng thuận xã hội, thì Nhà nước có thể thành khách hàng lớn của báo chí khi đặt hàng nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách.

Tuy nhiên, báo chí chỉ là một trong nhiều phương thức để truyền thông chính sách. Cùng với báo chí còn có nhiều kênh khác nữa như cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, hệ thống truyền thông cơ sở… Vì thế, báo chí phải nâng mình lên để đón nguồn thu đến từ phần đặt hàng của Nhà nước.

“Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả mọi người, chỉ đến với những cơ quan đã sẵn sàng, tự tìm lối ra cho mình”, Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.

 
PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý