Người Việt hiện đang lùn nhất Châu Á
Suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ
Việt Nam nằm trong top 20 nước có trẻ em suy dinh dưỡng
Người Việt đang lùn nhất châu Á
Hơn 73.000 trẻ mầm non được uống “Sữa học đường”
Hiểu đúng về suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chiều cao hay sức vóc không nhất thiết tỷ lệ thuận với sự thành đạt, cống hiến của mỗi con người, cũng như thể lực, tầm vóc của một dân tộc. Tuy nhiên, mỗi người có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, có chế độ rèn luyện khoa học, được sống trong môi trường lành mạnh, trong sạch, chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn. Người đó sẽ có điều kiện thành công hơn trong lập thân, lập nghiệp và phụng sự quê hương, đất nước.
Những con số biết nói
Người Việt đang lùn nhất Châu Á. Đây là thông tin được PGS.TS Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng khẳng định tại Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển.
Năm 2010, theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 10 - 13cm. Hiện nay, chiều cao trung bình của người Việt Nam là 1,64m đối với nam, và 1,53m với nữ, thấp hơn các nước khác trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia.
25,9% trẻ em Việt suy dinh dưỡng. WHO cho biết, hiện có khoảng 29,5% trẻ dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Tại Việt Nam, năm 2013, tỷ lệ này là 25,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự khác biệt ở các vùng miền, trong khi trẻ ở vùng sâu vùng xa bị suy dinh dưỡng thì trẻ thành thị lại thừa cân, béo phì. Cả suy dinh dưỡng và béo phì đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển về thể lực, trí tuệ của trẻ.
25,9% trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng
Năm 2014, Viện Dinh dưỡng Quốc gia điều tra và công bố những kết quả đáng giật mình: 1/6 trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu cân; ¼ trẻ dưới 5 tuổi bị thấp còi; Khoảng 60% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu vitamin D; Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ 1 - 3 tuổi chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu calci và 10,6% nhu cầu vitamin D; Khảo sát trong nhóm trẻ 2 - 3 tuổi thấp còi cho thấy có 24% thiếu máu, 37,5% thiếu vitamin A, 41% thiếu kẽm…
Sự thiếu hụt về dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra hơn 50% trường hợp tử vong của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu; Khoảng 12% trường hợp tử vong do thiếu 4 loại vi chất dinh dưỡng phổ biến, gồm sắt, vitamin A, iod và kẽm.
Thay đổi dinh dưỡng – cải thiện chiều cao và sức vóc
Để cải thiện tình trạng này cần sự chung tay của cả cộng đồng, đòi hỏi sự quan tâm thoả đáng trong việc hoạch định các định hướng và giải pháp can thiệp cho cộng đồng nhằm phòng chống suy dinh dưỡng, thấp còi và một số bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Để từ đó, từng bước nâng cao sức khỏe và tầm vóc của người Việt.
Điều quan trọng, mỗi người dân cũng cần ý thức xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng ngay cả khi em bé còn nằm trong bụng mẹ, trong những năm đầu đời và ở lứa tuổi học đường. Nếu người mẹ bị thiếu vi chất dinh dưỡng khi đang mang thai sẽ dẫn đến những hậu quả như thai nhi kém phát triển, dễ bị sinh non, sinh thiếu cân, thiếu máu… Trẻ không bị suy dinh dưỡng, thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành có thể đạt 1,7m, nhưng nếu bị thấp còi thì chiều cao khi trưởng thành chỉ là 1,58m.
Thực tế cho thấy, bữa ăn của gia đình Việt đang “nhiều thịt, thiếu rau và thừa chất béo”, dẫn tới tính trạng thiếu vitamin, chất xơ và các khoáng chất thiết yếu. Tính bình quân, mỗi người Việt chỉ ăn 200gr rau/ngày, trong khi khuyến nghị của WHO là ăn đủ 400gr rau/người/ngày. Sự bất hợp lý còn thể hiện ở thói quen ăn mặn của người Việt, với lượng muối tiêu thụ là 12gr/người/ngày, gấp đôi so với khuyến nghị. Đặc biệt, khẩu phần ăn của trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng, 49% nhu cầu calci, 35% nhu cầu vitamin A.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng chiều cao và sức vóc
Dinh dưỡng hợp lý còn thể hiện ở việc hạn chế tiêu thụ nước ngọt. Bởi nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có gas làm mất calci trong cơ thể, hạn chế phát triển chiều cao và dễ dẫn tới béo phì do hàm lượng đường cao. Uống sữa và dùng các sản phẩm từ sữa cũng là biện pháp được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị để bổ sung calci và các vi chất thiết yếu cho cơ thể.
Cách đây 3 năm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030”. Và mới đây, một trong những hoạt động để hiện thực hóa Đề án là chương trình “Sữa học đường” với mục đích tạo điều kiện cho trẻ được uống sữa miễn phí, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng và cải thiện thể trạng.
Hy vọng, với Đề án và những chương trình thiết thực như thế, trong tương lai, sức vóc của nguồn nhân lực quốc gia sẽ được nâng cao hơn.
Bình luận của bạn