Empty
SUCKHOE+ Nha o va suc khoe-03
Empty

Chúng tôi hạn chế đề tài này bằng thuật ngữ chung “người nghèo” để chỉ tất cả những hình thức thu nhập thấp, so với giá nhà ở xã hội và tiền thuê nhà thấp nhất, tiếp cận từ hướng xã hội của nhà ở dựa trên sức khỏe, nhiều hơn các khía cạnh xử lý vấn đề bằng giải pháp.

Empty

Nhìn từ khía cạnh sức khỏe, thật ra, theo tôi có ít nhất 4 yếu tố liên quan chỗ ở gây ra bệnh tật nơi con người: chỗ ở ổn định, nội thất, tiền nhà và hàng xóm. Đối với nhà ở, thường chúng ta chỉ chú ý đến môi trường (hàng xóm) chung quanh chỗ ở, nếu chúng ta xem xét khía cạnh sức khỏe khi chọn nhà.

Năm 2018, tôi có mua một căn hộ tại quận 7, TP.HCM. Tôi chọn vì gần 2 bệnh viện, tuổi cao ở gần bệnh viện sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng khi cần bán căn hộ đó, thì giá lại thấp vì người mua “chê” phong thủy, gần nhà thương bị ám bởi bệnh (thật ra chỉ là cái cớ của bên mua: mua bao giờ cũng muốn giá thấp, bán bao giờ cũng muốn giá cao). Trong đó, còn có sức khỏe của lứa tuổi nữa. Già thì thích ở gần bệnh viện hơn, tất nhiên. Còn trẻ thì không, cũng là tất nhiên thôi!

Empty

Người xưa nói: An cư lạc nghiệp. Sở hữu được một căn hộ cũng làm sức khỏe con người ổn định.

Các nghiên cứu thực nghiệm* đã chỉ ra rằng việc không có một ngôi nhà ổn định rất có hại cho sức khỏe. Những người vô gia cư thường xuyên phải đối mặt với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn đáng kể về cả sức khỏe thể chất và tinh thần và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Empty

Ngay cả những đứa trẻ từng trải qua cảnh vô gia cư chỉ khi còn trong bụng mẹ cũng có nhiều khả năng phải nhập viện hoặc sức khỏe kém hơn so với các bạn cùng lứa tuổi.

Cuộc Tổng điều tra 2019 tại nước ta cho kết quả khá lạc quan (nhưng thiếu cảm giác đáng tin cậy) là chỉ “có 4.418 người hiện không có nhà ở trên toàn quốc” (trích nguyên văn từ báo cáo Tổng điều tra năm 2019). Con số này chỉ tính đến người vô gia cư, chứ không tính người không có nhà ổn định. Tỷ lệ hộ hiện có nhà là 88,1%, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị 15,7 điểm phần trăm (tương ứng 93,6% và 77,9%). Hiện có 11,7% hộ dân cư ở thuê, tăng 4,6 điểm phần trăm so với năm 2009 (năm 2009 là 7,1%). Tỷ lệ hộ thuê nhà ở khu vực thành thị cao gấp gần 3,5 lần so với khu vực nông thôn. Đặc biệt, tại các địa phương đông dân cư và tập trung nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ hộ sống trong nhà trọ cao như Bình Dương (56,5%), thành phố Hồ Chí Minh (32,8%), Bắc Ninh (27%).

Một nghiên cứu dân tộc học gần đây của Matthew Desmond*, minh họa cách căng thẳng về nhà ở không ổn định có thể dẫn đến gián đoạn việc làm, mạng xã hội, giáo dục và việc nhận trợ cấp dịch vụ xã hội. Việc thiếu nhà ở ổn định của nhân dân cũng làm giảm hiệu quả chữa trị bệnh của ngành y tế nói chung.

Tại Việt Nam chúng ta, số liệu thống kê từ cuộc điều tra dân số và nhà ở gần nhất (2019) mà chúng tôi trích trên đây, cho thấy tỷ lệ ở thuê tăng lên đáng kể, nhất là các khu công nghiệp lớn: Bình Dương (56,5%), thành phố Hồ Chí Minh (32,8%), Bắc Ninh (27,0%), Hà Nội (15,8%).

Empty

Bộ Y tế hay Tổng Cục Thống kê hiện nay vẫn chưa có điều tra số liệu số ca chết theo đặc tính khu dân cư (khu lao động, khu chung cư cao cấp, khu nhà ở riêng biệt…), nhằm tìm nguyên nhân phòng tránh sau này. Tuy vậy, tiếp cận từ hướng nhà ở, thì có thể nói, “những người chết vì COVID-19 thường xảy ra trong những khu đông đúc thuê mướn nhà, thiếu vệ sinh bên ngoài và bên trong nhà”.

Những người ở nhà thuê thường xuyên phải đối mặt với tiền nhà, khiến họ rơi vào các chứng bệnh tâm lý mà họ không biết. Sự bất ổn và chật chội trong khu dân cư có liên quan đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm gia tăng nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên, sử dụng ma túy sớm và trầm cảm. Tại Việt Nam chúng ta, cho đến nay, vẫn chưa có những điều tra xã hội học về dân cư tại các khu nhà trọ công nhân ở các thành phố lớn hay các khu công nghiệp tập trung. Tuy vậy, bức tranh tổng thể về sức khỏe của cư dân tại đây chắc chắn là “có nhiều nguy cơ cao”.

Empty

Còn nhớ, ngày 27/3/2014, cố nghệ sỹ nổi tiếng Nguyễn Chánh Tín (người thủ vai nhà tình báo Nguyễn Thành Luân tức đại tá Phạm Ngọc Thảo trong cuốn phim “Ván bài lật ngửa”) đã bị tịch thu nhà vì quá hạn trả nợ ngân hàng. Ông đã mất vào tháng 1/2020 vì đột quỵ. Không có kết luận nào về nguyên nhân cơn đột quỵ, nhưng chắc chắn việc tịch thu nhà ảnh hưởng nặng nề đến căn bệnh nề của ông.

Ngành chức năng của Việt Nam không có những điều tra xã hội học tương tự để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội đối với vấn đề nhà ở, nhìn từ hướng bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Phần lớn các đề tài về nhà ở tại Quốc hội thường là nói tới kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản nhiều hơn là nói về vấn đề nhà ở cho đông đảo người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện dự án lớn xóa nhà “ổ chuột” ven kênh rạch tồn tại từ bao đời nay, phần lớn ở quận 4, quận 8, Bình Thạnh… Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành bồi thường, di dời 14.000 căn nhà trên và ven kênh rạch với tổng vốn dự kiến hơn 28.400 tỷ đồng. Hãy nghĩ đến sức khỏe con người khi nghiên cứu về công trình này trước tiên, rồi mới đến những con số khác.

Empty

Nhà báo CNN Michelle Ogundehin viết cuốn sách bán chạy năm 2022 là cuốn Happiness inside (Hạnh phúc bên trong)*. Tác giả cho rằng nội thất và cách bày biện trong nhà âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe mà chúng ta hầu như không biết.

Empty

Nhà trên kênh rạch, nhà ổ chuột hay các nhà thuê trọ trong các khu công nhân ở thành phố HCM thì lấy đâu không gian mà bày biện, nên bệnh càng thêm bệnh. Ngay cả trong đại dịch vừa qua, các bác sỹ đều khuyên ở nhà nên mở cửa thông thoáng. Những nhà ổ chuột lấy đâu cửa mà mở, cho nên, không cần nghiên cứu, cũng thấy đại dịch vừa qua, tử vong nhiều nhất vẫn ở những nơi tăm tối đó.

Cách diễn đạt của người Việt rất hài hước: “Đầu tiên - tiền đâu”. Có nhà là điều kiện đầu tiên để một người hay một hộ gia đình thực hiện an cư lạc nghiệp. An cư là mục đích còn tiền là phương tiện. Làm sao để có tiền mua nhà là vấn đề làm đau đầu nhiều người lao động bình thường? Chữ “đau đầu” ở đây hoàn toàn là nghĩa đen.

Empty

Theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian qua thị trường nhà ở tại TP.HCM đã phát triển không cân đối, không nhắm tới sức khỏe đại đa số dân nghèo. Cụ thể, chỉ tính riêng trong 2 năm qua, loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong lúc nhà ở cao cấp lại chiếm đến 74% nguồn cung.

Giá nhà tăng phi mã khiến “an cư” trở thành không thực tế. "Thiếu cung trong lúc nhu cầu rất lớn nên đã kéo theo tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Với các nước công nghiệp phát triển, chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập mà thôi. Còn ở Việt Nam, chỉ số giá nhà ở đã cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều người khó có nhà ở", theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM trong tháng 6/2022.

Trong khi đó, nhiều chung cư cao tầng xây xong bỏ trống hàng năm, xuống cấp, vô cùng lãng phí và bất công. Năm 2021, khu này đã được tận dụng làm 8 bệnh viện dã chiến COVID-19. Nếu như thế thì tại sao khu này không được tận dụng thành những căn hộ cho thuê giá rẻ? Còn hơn bỏ trống, xuống cấp trầm trọng.

Hiện nay, hàng ngày tôi bị ám ảnh bởi các tòa chung cư tái định cư cao tầng (25 tầng) chung quanh nơi tôi ở. Trên 2.500 căn hộ (cao và trung cấp) bị bỏ phí hơn 7 năm. Năm 2021, “nhờ” có đại dịch COVID-19, mà các chung cư hoang phí này được làm “nhiệm vụ”, đó là 8 bệnh viện dã chiến “Khu tái định cư An Khánh”, TP Thủ Đức (tức là đại dự án “khu đô thị mới” Thủ Thiêm cũ). Đã là tái định cư thì không hiểu những hộ dân cần tái định cư đang “định cư” ở đâu? Có lẽ phần lớn những người thuộc diện tái định cư đã “chuyển quyền sử dụng” cho chủ mới và dọn đi chỗ khác, còn lại vẫn kiên trì chờ đợi hơn 10 năm nay để “tái định cư” đang chen chúc trong những khu ở tạm bợ chật chội, mất vệ sinh gần đó? Không ít trong số họ đã chết trong đại dịch.

Empty

Các nghiên cứu cho thấy các hộ gia đình có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà tăng tỷ lệ thuận với những bệnh nhân chậm điều trị bệnh khiến bệnh trở nặng. Ngược lại những người có nhà cửa ổn định chiếm tỷ lệ cao trong số những bệnh nhân được chữa lành các bệnh thông thường và cả các bệnh mạn tính. Những người thuê nhà có gánh nặng chi phí cao có nguy cơ gặp khó khăn khi mua thực phẩm cao hơn 23% so với những người có gánh nặng chi phí thấp hơn.

Empty
Empty

Người Việt Nam ta, khi chọn chỗ ở, rất coi trọng hàng xóm chung quanh: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường xung quanh đối với sức khỏe đã được tiến hành kể từ cuộc điều tra của John Snow về máy bơm ở Phố Broad*. Trong kỷ nguyên hiện đại, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự sẵn có của các nguồn lực như phương tiện giao thông công cộng đến nơi làm việc của một người, cửa hàng tạp hóa với thực phẩm bổ dưỡng và không gian an toàn để tập thể dục đều có mối tương quan với việc cải thiện kết quả sức khỏe. Ngược lại, sống gần những con đường có lưu lượng lớn là một mối nguy hiểm cho sức khỏe và có thể làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp như hen suyễn và viêm phế quản và gia tăng việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Trong trường hợp của tôi, từ năm 1975 đến nay 2022, tôi đã 4 lần chuyển nhà, từ quận 1 đến quận 3, rồi Tân Bình, và hiện nay là quận 2 (TP.Thủ Đức), và lần chuyển nhà sau càng xa trung tâm thành phố hơn, và bệnh viêm mũi mạn tính gần như khỏi hẳn. Khi còn ở trung tâm, nhà mặt tiền, xe cộ ầm ầm tối ngày sáng đêm, bụi ùa vào mũi. Thời gian đó, bác sỹ chỉ định mổ xoang mũi, nhưng tôi chưa kịp mổ thì phải chuyển nhà khỏi trung tâm, sau đó ra Tân Bình, vắng hơn, xa đường lớn, tự nhiên không còn viêm xoang nữa. Bây giờ tôi tin việc chuyển nhà có ảnh hưởng tới bệnh tật của mình.

Empty

Tại phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 8 và 9/6/2022, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, khi được yêu cầu nói thêm về vấn đề tín dụng đối với nhà ở, thì lại đọc một báo cáo chung chung về thị trường bất động sản Việt Nam mà không hề có khác biệt giữa cuộc khủng hoảng năm 2008 và cuộc khủng hoảng đại dịch 2020-2021. Đằng sau những số liệu lạnh lùng đó là thân phận thiếu nhà, hay không nhà của hàng triệu người nghèo. Không có một báo cáo nào đề cập đến sức khỏe người dân nghèo bị ảnh hưởng vì nhà ở, ngay cả báo cáo của Bộ Y tế.

Do chúng ta thường không có các điều tra xã hội học định lượng nên khi viết bài này, như thường lệ, chúng tôi buộc phải tham khảo vài kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài trên các vấn đề phổ quát, mà chúng tôi hy vọng rằng có tương đồng giữa các người nghèo, khó khăn về chỗ ở (hơn là giữa các quốc gia).

Về vấn đề thiếu số liệu thống kê, cách đây chục năm, ông Vương Đình Huệ, từng nói là thiếu số liệu chính xác thì làm sao đưa ra chính sách đúng được. Hiện nay số liệu về nhà ở cho người nghèo, các nhà trọ công nhân vẫn không đầy đủ. Các viện nghiên cứu của Bộ Xây dựng nên làm. Năm 2015 tôi đã giới thiệu một sinh viên tiến sỹ Đại học Michigan, Hoa Kỳ, đến TP.HCM làm việc với Hiệp hội Bất động sản thành phố để nghiên cứu về tình hình nhà và đất ở thành phố lớn nhất Việt Nam sau chiến tranh. Tuy vậy sinh viên này đã bỏ cuộc vì không tìm được số liệu và các điều tra xã hội nhà ở trong 5 năm.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ