Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương - Ảnh: Báo Hà Nội Mới
Tại sao người ăn chay vẫn có thể bị mỡ máu?
Làm sao để vượt qua suy nhược thần kinh?
Hiệp hội Tư vấn nâng cao sức khỏe Việt Nam: Hướng tới một xã hội khỏe!
Điểm mặt những thực phẩm càng ăn càng khát nước
Hành trình về nguồn nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là dịp để mỗi người tìm về những miền đất linh thiêng, thành kính thắp những nén nhang tri ân sâu sắc.
Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)

Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh
Tại điểm giao thông chiến lược trên tuyến đường Trường Sơn năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần quả cảm. Chính tại nơi đây, mười cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, giữ vững "mạch máu" giao thông ra tiền tuyến trong "mưa bom, bão đạn".
Để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn ấy, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ngày nay được quy hoạch thành quần thể tưởng niệm rộng lớn, gồm nhiều hạng mục thiêng liêng như khu mộ mười nữ liệt sĩ anh hùng, nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc, tháp chuông, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc, cụm tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, nhà truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, nhà truyền thống Ngã ba Đồng Lộc...Mỗi tháng Bảy, nơi đây lại đón hàng vạn lượt người từ mọi miền đất nước tìm về - những nén nhang được thắp lên bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị)

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn - Ảnh: Báo Nhân Dân
Tọa lạc trên những ngọn đồi bạt ngàn thông xanh ở vùng Bến Tắt, Quảng Trị. Nghĩa trang được khởi công ngay sau ngày thống nhất và hoàn thành năm 1977, rộng 140.000m2 (trong đó có 23.000m2 diện tích đất mộ, 7.000m2 đất tượng đài, 60.000m2 đất trồng cây xanh, 35.000m2 đất hồ cảnh, 15.000m2 đường giao thông trong khuôn viên). Đây là nơi yên nghỉ của hơn mười ngàn chiến sĩ đã hy sinh ở Quảng Trị, cùng hàng nghìn phần mộ của các liệt sĩ trên mọi miền đất nước đã gửi thân tại chốn này.
Bên cạnh đó, nghĩa trang Trường Sơn còn là một công trình kiến trúc đặc biệt. Bắt đầu là khu tưởng niệm trên một ngọn đồi cao 32m. Tại khu tưởng niệm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các tác phẩm phù điêu rất đẹp, tái hiện hình ảnh bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến. Sau đó là đài tưởng niệm. Tựa lưng ngay sau đài tưởng niệm là một cây bồ đề thiêng, có giá trị tâm linh sâu sắc đối với mảnh đất này.
Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị nhìn từ trên cao, bên trái là sông Thạch Hãn - Ảnh: Báo Nhân Dân
Nếu Nghĩa trang Trường Sơn là "bản trường ca" bất tử về tuyến đường huyền thoại, thì Thành cổ Quảng Trị chính là tượng đài sống về một mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Nằm bên bờ sông Thạch Hãn, Thành cổ từng hứng chịu trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt, nơi hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Giờ đây, Thành Cổ bình yên giữa lòng khu đô thị trẻ sầm uất, bên dòng sông Thạch Hãn. Dù vậy, dấu tích vẫn còn lưu mãi về một thời hào hùng, là cội nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo, TP.HCM)

Nghĩa trang Hàng Dương - Ảnh: Báo Hà Nội Mới
Là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị tù đày trong suốt 113 năm, nghĩa trang Hàng Dương là địa chỉ đỏ mang đậm giá trị lịch sử và tâm linh. Nghĩa trang gồm 4 khu A, B, C, D, với hơn 1.900 phần mộ, trong đó có phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (Cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam), nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, chí sĩ Nguyễn An Ninh... Không chỉ là nơi tưởng niệm, nghĩa trang Hàng Dương còn là minh chứng cho tinh thần bất khuất của người Việt trong chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo trước đây.
Bên cạnh đó, năm 2011, công trình Đền thờ Côn Đảo chính thức được khởi công bên cạnh di tích Nghĩa trang Hàng Dương. Đền thờ là nơi để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ và phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo.
Địa đạo Củ Chi (TP.HCM)

Bên trọng địa đạo Củ Chi - Ảnh: Báo Dân Trí
Cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km, địa đạo Củ Chi là một “kỳ quan quân sự” với hệ thống hầm ngầm dài hơn 250km, chia làm ba tầng sâu dưới lòng đất. Nơi đây từng là căn cứ địa chiến đấu và sinh hoạt của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ suốt hai cuộc kháng chiến. Dưới bom đạn kẻ thù, quân dân Củ Chi đã chiến đấu ngoan cường, góp phần vào những chiến thắng vang dội như cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Hiện nay, địa đạo Củ Chi là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Một trong những trải nghiệm được yêu thích nhất là chui hầm - các đoạn địa đạo dài 10 đến 20m đã được mở rộng và thắp sáng để thuận tiện cho khách tham quan. Nhiều lối vào hầm được ngụy trang khéo léo bằng lá khô, tạo cảm giác chân thực và thú vị. Du khách thường tranh thủ ghi hình để lưu lại trải nghiệm độc đáo này.
Ngoài ra, khu di tích còn có các hoạt động như bắn súng, xem phim tư liệu, mô phỏng trận đánh…giúp người tham quan hiểu rõ hơn về tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Củ Chi năm xưa.
Tri ân không chỉ trong những chuyến đi xa
Không phải ai cũng có điều kiện thực hiện hành trình dài ngày về các địa danh lịch sử. Tuy nhiên, lòng biết ơn có thể được thể hiện bằng những hành động giản dị. Thắp nén nhang tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ... cũng là hành động đầy ý nghĩa tri ân các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Tháng Bảy - mùa tri ân, không chỉ là dịp nhìn lại quá khứ, mà còn là lời nhắc nhở để thế hệ hôm nay sống có trách nhiệm, biết gìn giữ hòa bình và trân trọng giá trị của độc lập tự do!
Bình luận của bạn