Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V - Ảnh: Việt An/Sức khỏe+
Già hóa nhanh, “ngại” sinh con – thách thức về vấn đề dân số thế giới
Đằng sau cơn khủng hoảng ngành y tế ở Hàn Quốc
Đi tìm lời giải cho bài toán “già hóa chủ động và khỏe mạnh”
Khám, chữa bệnh từ xa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn
Đón "dân số già", không có nhiều thời gian chuẩn bị
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, già hóa dân số đã và đang là thách thức lớn cho toàn xã hội. Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số từ năm 2011 và dự kiến sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036.
Già hóa dân số đặt ra những áp lực nặng nề cho hệ thống y tế Việt Nam, vốn còn nhiều hạn chế cả về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Tác động của già hóa dân số lên hệ thống y tế của Việt Nam bao gồm cả việc gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh lý thoái hóa thần kinh. Điều này sẽ gây ra tình trạng quá tải ở bệnh viện và các cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế.
Cùng với đó, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng tăng, gây áp lực lại trên hệ thống bảo hiểm y tế, an sinh xã hội và cho hộ gia đình. Việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn cũng là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo nhân lực lão khoa và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi.
Chia sẻ về thực trạng già hóa dân số ở nước ta, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, nước ta có tốc độ già hóa nhanh gấp đôi, gấp ba các nước phát triển. Người Việt Nam “già nhưng chưa giàu”, vì vậy xã hội đối mặt với thách thức đảm bảo an sinh, y tế và kinh tế cho người cao tuổi.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng chỉ ra thực tế, Bệnh viện Lão khoa Trung ương - bệnh viện lớn nhất cả nước về lĩnh vực lão khoa, cũng chỉ mới có 300 giường, tương đương một khoa của bệnh viện lớn như Bạch Mai. Hiện mới có 26 bệnh viện đa khoa cấp tỉnh có khoa Lão khoa riêng biệt. Nguồn nhân lực và cơ sở vật chất khó có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của gần 13 triệu người trên 60 tuổi hiện nay, chứ chưa nói tới tương lai.
Lãnh đạo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tham mưu tới Bộ Y tế làm việc với các địa phương đầu tư thỏa đáng hơn cho lĩnh vực lão khoa cả về nguồn cơ sở vật chất lẫn con người; Mở thêm các mã ngành, mở rộng quy mô để đào tạo nguồn nhân lực và các bác sĩ chuyên khoa lão khoa.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V
Hội Lão khoa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V vào 4-5/10. Đây là diễn đàn quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học, nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận về các vấn đề sức khỏe liên quan đến người cao tuổi, cũng như chiến lược phát triển nhân lực chuyên ngành lão khoa.
Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V gồm tổng số 22 phiên hội thảo, 79 bài báo cáo với sự tham gia của 53 báo cáo viên trong nước, cùng các báo cáo viên quốc tế là các chuyên gia hàng đầu cho lĩnh vực lão khoa.
Ngay trong phiên họp thứ nhất vào chiều 4/10, các chuyên gia trong lĩnh vực lão khoa đã có các bài báo cáo, tham luận về chủ đề già hóa dân số và các bệnh lý liên quan tới người cao tuổi như Alzheimer, sa sút trí tuệ. 3 trường đại học lớn đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam là trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế và Đại học Y Dược TP.HCM đã chia sẻ khung chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành lão khoa – nguồn nhân lực mũi nhọn trong tương lai.
Các chuyên gia đến từ Australia, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng chia sẻ kinh nghiệm trong chẩn đoán bệnh lý thoái hóa thần kinh như Alzheimer, sa sút trí tuệ; Hệ thống chăm sóc người cao tuổi tại các nước phát triển.
Việt Nam là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ trong cộng đồng được dự đoán ngày càng tăng. Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi suy giảm chức năng nhận thức, thay đổi về hành vi và mất các chức năng xã hội thường gặp ở người cao tuổi.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Viện Nghiên cứu Nari, Australia, không chỉ là gánh nặng gây tàn tật và tử vong cho người cao tuổi, sa sút trí tuệ còn tạo ra căng thẳng, áp lực cho người chăm sóc. Thực tế ở Việt Nam, hầu hết người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ là các thành viên trong gia đình, không được trả công và thiếu kiến thức, kỹ năng về bệnh lý này.
Để hỗ trợ chăm sóc chính những người sống chung với bệnh nhân sa sút trí tuệ, PGS.TS Tuấn Anh cùng nhóm nghiên cứu của mình đã áp dụng công nghệ số tạo ra nền tảng e-DiVA (trợ lý ảo) và ứng dụng thử nghiệm tại Việt Nam. Nền tảng này giúp giải đáp thắc mắc và cung cấp kiến thức ứng phó với bệnh nhân sa sút trí tuệ. Nội dung cũng được trình bày bằng ngôn ngữ tiếng Việt, với những tình huống phù hợp với văn hóa, giúp giảm gánh nặng cho người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ trong cộng đồng.
Bình luận của bạn