Già hóa dân số: Thách thức và hệ lụy

World Bank dự báo đến năm 2035, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”

Cần chuẩn bị những gì trước quá trình già hóa dân số?

Dân Việt Nam "chưa giàu đã già"!

Già hóa dân số: Người cao tuổi chịu thêm gánh nặng bệnh tật

Việt Nam đối mặt với già hóa dân số nhanh

Theo Liên Hiệp Quốc, nếu một quốc gia có tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt tới 10% tổng dân số thì quốc gia đó được coi là bắt đầu bước vào quá trình già hoá; từ 20% đến dưới 30% thì gọi là “dân số già”; từ 30% đến dưới 35% thì gọi là dân số “rất già”; từ 35% trở lên gọi là “siêu già”. Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 25%. Báo cáo của World Bank vào năm 2021 đã chỉ ra Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm và có nhiều nơi thấp đến báo động, không đạt mức sinh thay thế, trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Già hóa dân số đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội, đồng thời đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Cùng tìm hiểu những cơ hội và thách thức đó của hiện trạng già hóa dân số mà nhiều nước trên Thế giới đã phải hứng chịu, và có thể sắp tới là Việt Nam.

Thách thức và hệ lụy

Tình trạng lão hóa dân số sẽ kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho quốc gia. Những thách thức mà các nước trên thế giới đã phải đối mặt do già hóa dân số gồm:

  • Hệ quả về kinh tế: Thiếu hụt lao động dẫn tới suy thoái kinh tế. Tác động kinh tế gây ra bởi tình trạng dân số bị lão hóa là điều đáng chú trọng. Người lớn tuổi có xu hướng tiết kiệm cao hơn người trẻ, nhưng mức chi tiêu cho hàng tiêu dùng lại ít hơn. Tùy vào độ tuổi diễn ra sự thay đổi này, một đất nước có dân số lão hóa có thể chứng kiến tình trạng lãi suất thấp và tỷ lệ lạm phát thấp. Cũng bởi người cao niên sẽ tiêu dùng ít hơn, các nước với tỷ lệ dân số già cao thường có mức lạm phát thấp. Đồng thời, việc thiếu hụt lao động trẻ khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, cải tiến kỹ thuật cũng bị sụt giảm.
  • Hệ quả về an sinh xã hội: Tăng gánh nặng ngân sách cho quỹ lương hưu và y tế khiến người dân phải đóng thuế nhiều hơn. Hệ thống an ninh xã hội trải qua những khó khăn khi lão hóa dân số gia tăng. Số người phải nhận lương hưu nhiều hơn, thời gian hưởng lương hưu cũng kéo dài hơn, hậu quả là nguồn cung cho quỹ lương hưu bị thiếu hụt. Để duy trì mức sống của người về hưu và tăng năng lực của các dịch vụ y tế, các quốc gia sẽ buộc phải tăng mức chi tiêu công. Sự gia tăng này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tăng trưởng. 
  • Hệ quả về an ninh quốc phòng: Suy yếu tiềm lực quốc phòng, đánh mất bản sắc văn hóa do người nhập cư ngày càng chiếm đa số dân cư. Lão hóa dân số khiến một quốc gia phải chấp nhận số đông người nhập cư nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt lao động. Về lâu dài, người nhập cư sẽ sinh con đẻ cái và ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong dân số, người bản xứ sẽ dần bị lấn át và cuối cùng sẽ trở thành cộng đồng thiểu số ngay trong chính đất nước mình. Quốc gia đó coi như "bị thôn tính mà không cần tới súng đạn".
Già hóa dân số đưa ra nhiều thách thức với cơ hội cho kinh tế và xã hội

Già hóa dân số đưa ra nhiều thách thức với cơ hội cho kinh tế và xã hội

Cơ hội: Một vài điểm sáng le lói

Bên cạnh những thách thức, già hóa dân số cũng tạo ra các cơ hội phát triển nhất định. Đó chính là nhu cầu tăng cao của ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ cho người cao tuổi. Nhu cầu chi tiêu cho sức khỏe của người cao tuổi gia tăng, đời sống kinh tế của người dân cả nước có xu hướng được cải thiện nên dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sẽ phát triển. Xu thế này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi hiệu quả, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp, chăm sóc, điều dưỡng người cao tuổi gắn với chăm sóc tại gia đình, cộng đồng. Nhiều loại hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang… phục vụ nhóm khách hàng này cũng sẽ có cơ hội phát triển hơn trước.

Dân số bị lão hóa cũng buộc công cuộc cải tiến công nghệ phải được đẩy mạnh. Để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động, chính phủ các nước muốn thúc đẩy việc tăng năng suất lao động và đầu tư hiện đại hóa thiết bị. Đây chính là cơ hội để xúc tiến quá trình tự động hóa và phát triển công nghệ. Nếu như trước đây việc tự động hóa là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng thất nghiệp do công nghệ, thì nay đây lại chính là chìa khóa giúp tháo gỡ bài toán thiếu hụt lao động do xu hướng già hóa dân số ngày một tăng.

Già hóa dân số chắc chắn là một lĩnh vực cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định dựa trên phương pháp tiếp cận theo vòng đời. Mặc dù già hóa dân số đặt ra thách thức cho xã hội và nền kinh tế, song một bộ chính sách phù hợp sẽ cho phép cá nhân, gia đình và xã hội giải quyết những thách thức này và gặt hái những lợi ích mà nó mang lại. Do đó, cần hỗ trợ thanh niên phát triển, lên kế hoạch và chuẩn bị cho tuổi già để có thể giải quyết vấn đề già hóa dân số một cách chủ động, chặt chẽ và toàn diện.

 
Ngọc Linh (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già