Già hóa nhanh, “ngại” sinh con – thách thức về vấn đề dân số thế giới

Mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Tỷ lệ sinh năm Rồng liệu có khởi sắc?

Đằng sau cơn khủng hoảng ngành y tế ở Hàn Quốc

Đi tìm lời giải cho bài toán “già hóa chủ động và khỏe mạnh”

Khám, chữa bệnh từ xa và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn

Mức sinh giảm và xu hướng kết hôn muộn

Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế, tại Việt Nam, xu hướng kết hôn muộn, không muốn kết hôn, không muốn sinh con, sinh muộn, sinh ít, sinh thưa ngày càng phổ biến.

Đây là một trong những khó khăn, thách thức về công tác dân số trong thời gian tới. Nước ta có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; Tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già. Trong khi đó, tỷ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; Chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.

Dự báo dân số Việt Nam 2019 - 2069 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng dân số sẽ còn tiếp tục giảm. Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Số người được sinh ra ngày càng ít đi thì tương lai lực lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng nhanh, dẫn đến già hóa dân số.

Đây cũng là thực trạng dân số ở nhiều quốc gia châu Á và châu Âu. Tại Nhật Bản, tỷ lệ trẻ em đã giảm năm thứ 42 liên tiếp. Dự báo đến năm 2070, dân số Nhật Bản chỉ còn 87 triệu người, giảm 30% so với năm 2020. Hàn Quốc đang là quốc gia có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới (0,72 con/phụ nữ vào năm 2023). Nguyên nhân chung dẫn tới sự chuyển dịch này mức sống ngày càng tốn kém, người trẻ dần thay đổi quan điểm về kết hôn và bình đẳng giới.

Theo nghiên cứu trên tạp chí Lancet, đến năm 2100, 97% các quốc gia trên thế giới sẽ không đạt được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) để duy trì quy mô dân số. Ở châu Âu, hiện tỷ suất sinh đã thấp dưới mức trung bình toàn cầu. Cơ cấu dân số già đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược bù đắp lực lượng lao động; Đồng thời tăng quỹ lương hưu và chi phí chăm sóc y tế, đảm bảo an sinh cho người cao tuổi.

Nỗ lực khuyến sinh, nâng cao chất lượng dân số

Bình đẳng giới giúp nâng cao chất lượng dân số và giải quyết các thách thức về dân số

Bình đẳng giới giúp nâng cao chất lượng dân số và giải quyết các thách thức về dân số

Để giải quyết các thách thức do tỷ lệ sinh thấp, nhiều quốc gia đã đề ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Tuy nhiên, ngay cả những sáng kiến đánh vào “kinh tế” như kéo dài thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp tiền mặt cho cha mẹ, hay các chiến dịch truyền thông thúc đẩy nam giới làm việc nhà và chăm con… cũng không thể đảo ngược xu hướng khi mức sinh đã giảm sâu.

Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế nhận định, nước ta cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp. Hiện thực trạng này không chỉ diễn ra ở đô thị mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa của các thách thức dân số nằm ở các vấn đề về bất bình đẳng giới và các định kiến trong xã hội. Theo Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta vẫn luôn ở mức cao, ngay cả ở thành phố lớn như Hà Nội.

Chương trình kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động về Dân số và Phát triển và Ngày Dân số Thế giới 11/7 ở Việt Nam có chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững". Điều này một lần nữa khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa chất lượng dân số và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cục trưởng Cục Dân số đề nghị thành phố Hà Nội cần tập trung vào nhiệm vụ nâng cao nhận thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, thanh niên; Tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin