Hà Nội sương mù dày đặc, bảo vệ sức khỏe thế nào?

Sương mù dày đặc bao trùm Hà Nội trong sáng 2/2 - Ảnh: Lê Tuyết

Ăn gì có lợi cho sức khỏe mùa Đông?

Podcast: Không để viêm tụy cấp ảnh hưởng đến sức khỏe cận Tết

5 thực phẩm tăng cường sức khỏe tim mạch

5 thói quen ăn uống giúp cải thiện sức khỏe trong năm mới

Gần 100 chuyến bay "bất động" trong sương mù dày đặc

Sáng ngày 2/2, khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội xuất hiện sương mù dày khiến nhiều phương tiện bị hạn chế tầm nhìn, rất nguy hiểm vào giờ cao điểm. Trong khoảng thời gian từ 2h15-9h, do sương mù dày đặc tại Hà Nội có khoảng 37 chuyến bay không thể hạ cánh tại sân bay Nội Bài, trong đó 12 chuyến bay đã chuyển hướng hạ cánh tại các sân bay lân cận.

Từ 4h30, Nội Bài tạm dừng tiếp nhận máy bay đến. Do đó, nhiều chuyến bay nội địa từ các sân bay khác đến phải dừng cất cánh. Đến 9h, có 54 chuyến bay dự kiến khởi hành từ Nội Bài phải lùi thời gian cất cánh để chờ thời tiết tốt hơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sương mù là một trong số hơn 20 loại hình thiên tai thường gặp ở Việt Nam. Trên thực tế, những ngày có sương mù bao phủ ở Hà Nội cũng không phải là hiếm. Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát bề mặt Trái đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km. Thông thường, sương mù màu trắng, nhưng ở một số khu vực có thể có màu vàng đục hay xám.

Cấp độ rủi ro thiên tai do sương mù như sau:

- Rủi ro thiên tai do sương mù cấp độ 1 gồm các trường hợp sau: Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa từ 50m trở lên, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay; Cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên biển, trên sông hoặc đường đèo núi.

- Rủi ro thiên tai do sương mù cấp độ 2 xảy ra khi cảnh báo sương mù dày đặc, tầm nhìn xa dưới 50m, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường cao tốc hoặc khu vực sân bay.

Theo AirVisual (tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Thủ đô vào sáng nay là trên 200 (0-50 là chỉ số tốt). Đây là tình trạng ô nhiễm ở mức nguy hại. Dự báo tình trạng sương mù tại Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới, điều này đồng nghĩa với việc chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ còn xấu kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Cách bảo vệ sức khỏe khi sương mù dày đặc thế nào?

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, những ngày sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí. Với chất lượng không khí như vậy, những người nhạy cảm sẽ gặp vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít gặp hơn. Để có thể chủ động bảo vệ sức khỏe của mình, người dân nên thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình chất lượng không khí tại các trang công bố công khai của cơ quan nhà nước, để biết được mức độ ảnh hưởng, từ đó có các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Chia sẻ trên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết khi có sương mù người dân nên nên đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường. Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể. Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay. Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.

Những hộ dân sống ở nơi có "mù khô" (mù quang hóa) cần tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý natrichlorid 0,9% nhiều lần trong ngày. Trong khoảng thời gian xảy ra tình trạng sương mù quang hóa, phụ nữ có thai, người già, người bị bệnh mạn tính hoặc trẻ em cần hạn chế ra đường hạn chế ra đường. Khi bắt buộc phải ra đường cần đeo khẩu trang, mắt kính và che chắn cẩn thận.

Sương mù cũng có thể làm giảm ánh sáng mặt trời và ảnh hưởng đến nội tiết tố serotonin, gây ra cảm giác buồn chán, thiếu năng lượng và trầm cảm. Để khắc phục điều này, người dân nên tận dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể hoặc sử dụng đèn giả lập ánh sáng ban ngày.

Bên cạnh đó, tình trạng sương mù dày đặc còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì vậy, khi lái xe trong sương mù hãy giảm tốc độ, bật đèn và còi xe, tránh vượt xe và giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác. Khi đi bộ trong sương mù hãy mặc quần áo sáng màu hoặc có phản quang, để dễ dàng nhận biết và tránh bị va chạm.

 
Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp