Hiểm họa khi ăn cá kênh Nhiêu Lộc: Ung thư, suy thận...

Câu cá ở kênh Nhiêu Lộc vừa phá hoại môi trường mà ăn cá đó còn có nguy cơ mắc bệnh (Ảnh minh họa)

​Quảng Trị tạm dừng hoạt động nhà máy gây ô nhiễm

Môi trường ô nhiễm thế này - Bảo sao không ung thư!

Môi trường ô nhiễm tăng nguy cơ béo phì?

Gene + Môi trường = Đái tháo đường

Buổi sáng và xế chiều là thời điểm thu hút nhiều người đi câu tại kênh Nhiêu Lộc và Tàu Hủ

Hiện, mỗi ngày có hàng trăm người câu cá trên kênh Nhiêu Lộc (dài gần 9km) và kênh Tàu Hủ (dài 22km). Nhiều người coi việc câu cá là hình thức giải trí nhưng cũng có người câu chuyên nghiệp với 2-3 kg mỗi ngày để đem bán. Ngoài cách câu thông thường, nhiều người còn sử dụng cần câu chùm 6 lưỡi để giật cá lên bờ.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (còn được gọi tắt là kênh Nhiêu Lộc hay kinh Nhiêu Lộc, riêng đoạn kênh ở quận 1 còn có tên là rạch Thị Nghè) là con kênh tại thành phố Hồ Chí Minh. Kênh dài 8,7 km (trước kia dài khoảng 10 km) chảy qua các quận Tân Bình, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và 1 từ đầu nguồn tại cửa cống hộp sau lưng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ đến cửa Ba Son tại cảng Ba Son đổ ra sông Sài Gòn. 

Trên đoạn kênh dài 4km từ cống xả đường Út Tịch (quận Tân Bình) đến chân cầu Thị Nghè (quận Bình Thạnh), cá rô phi, diêu hồng... kích cỡ vài ngón tay nổi chết hàng loạt. Xác cá dạt vào hai bên bờ kè hoặc bám theo những đám lục bình, ở một số đoạn mùi hôi đã bốc lên nồng nặc.

Kênh Nhiêu Lộc đang có chiều hướng ô nhiễm trở lại khi phải hứng nhiều tấn rác người dân xả xuống mỗi ngày

Giai đoạn 1 của dự án cải thiện vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành năm 2012 nhưng mới dừng lại ở việc xây dựng bờ bao, nạo vét kênh, làm các tuyến cống thu gom nước thải..., còn nguồn nước vẫn chưa được xử lý sạch.

Kết quả quan trắc năm 2013 của Tổng cục Môi trường cho thấy nước sông Sài Gòn cũng như hệ thống kênh rạch ở TP.HCM bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp mà không qua hệ thống xử lý hoặc có xử lý nhưng không đạt chuẩn.

Theo ông Cao Tung Sơn - Phó Trưởng chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm hữu cơ trên các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Vàm Thuật, Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ tăng cao trong năm 2009 và giảm dần từ năm 2010 đến năm 2013. Tuy nhiên, trong năm 2014 mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng trở lại.

Mắc bệnh nặng khi ăn cá ở nguồn nước ô nhiễm

TS Nguyễn Phúc Cẩm Tú - Khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết, các loài thủy sinh như cá, tôm có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp có chứa chất như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, các hợp chất hydrocarbon. Các chất ô nhiễm này gây rối loạn hành vi và sinh sản ở cá tôm ngay cả ở nồng độ cực thấp. Với mức ô nhiễm đang tăng trở lại ở kênh Nhiêu Lộc, nếu cá, tôm có thể sống và tăng trưởng được trong môi trường nước ô nhiễm thì cũng tích lũy các chất ô nhiễm gây hại cho người tiêu dùng.

Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cá là thực phẩm rất tốt nhưng cần được nuôi dưỡng trong môi trường sạch: Nguồn nước sạch, thức ăn sạch, công đoạn chế biến sạch. Nếu cá sống trong môi trường nước ô nhiễm sẽ bị nhiễm kim loại nặng, vi trùng và kí sinh trùng. Kim loại nặng ở kênh rạch bẩn thì nhiều nhất là chì, cadimi, niken, thủy ngân.

Cá ăn thức ăn, sau đó chuyển hóa vào cơ thể, kim loại nặng nằm trong thịt con cá. Khi ăn cá này vô hình trung chúng ta đã ăn những kim loại nặng nêu trên. Nó có thể phá hủy tế bào máu, tế bào non trong tủy gây suy gan, suy thận, gây tổn thương dạng viêm ở đường tiêu hóa, loãng xương, tổn thương các tế bào máu. Hậu quả lâu dài là suy các cơ quan, làm biến đổi các tế bào của các cơ quan, khơi nguồn phát sinh ung thư.

Ở kênh rạch nước chưa xử lý tốt có nhiều vi trùng gây các bệnh nhiễm trùng, vi khuẩn đường ruột, vi khuẩn sinh bệnh tả và các kí sinh trùng như giun, sán có thể gây ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa. “Nước ở kênh Nhiêu Lộc vẫn còn ô nhiễm, cá ở đây chưa được đảm bảo an toàn. Tôi khuyến nghị bà con không nên câu cá ở kênh Nhiêu Lộc lên ăn vì không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Bản thân con cá cũng tham gia làm sạch môi trường nước, nhà nước thả cá để xử lý môi trường, không phải thả cá để câu lên ăn”, BS Diệp nói.

TS Tú cho biết, các loại cá nhỏ được các cần thủ câu lên sau đó thả xuống thì chắc chắn cá đã bị thương. Nếu nhẹ thì cá sẽ bị tổn thương ngoài da, mang, miệng, vẫn sống được nhưng hoạt động bơi lội, bắt mồi bị ảnh hưởng. Nếu bị thương nặng, cá có thể chết do nuốt lưỡi câu.

GS TS Nguyễn Văn Phước - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, khuyến cáo người dân không nên sử dụng cá được đánh bắt trực tiếp trên các dòng kênh. Bởi vì theo ông Phước, ngoài yếu tố kim loại nặng thì ẩn họa về một số loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh có thể hiện diện trong các loài cá, đặc biệt các dư lượng về hóa chất khác có thể tích tụ trong cá.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin