Ung thư xương là tổn thương ác tính xương
Phát hiện sớm ung thư bằng bọt biển
Chữa ung thư xương bằng hơi nước nóng
Nhận biết các triệu chứng ung thư xương hàm
Chữa ung thư xương bằng hơi nước nóng
Ung thư xương là tổn thương ác tính (ung thư) xương, gây phá hủy mô xương bình thường. Không phải tất cả các khối u xương đều ác tính. Trong thực tế, u xương lành tính (không phải ung thư) phổ biến hơn so với những u xương ác tính. Cả hai khối u xương ác tính và lành tính có thể phát triển từ mô xương khỏe mạnh, nhưng khối u lành tính không lây lan, không phá hủy mô xương và hiếm khi trở thành mối đe dọa cho cuộc sống.
Các khối u ác tính bắt đầu trong mô xương được gọi là ung thư xương nguyên phát. Ung thư di căn (lan) đến xương từ các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như: vú, phổi hoặc tuyến tiền liệt được gọi là ung thư thứ phát và được đặt tên theo cơ quan hoặc mô. Ung thư xương nguyên phát ít phổ biến hơn so với ung thư xương thứ phát.
Nguyên nhân gây ung thư xương
Ung thư xương không có nguyên nhân rõ ràng, các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố làm tăng khả năng phát triển các khối u.
Bệnh lành tính của xương: có thể chuyển hóa thành ung thư – u tế bào khổng lồ, các chồi xương.
Chấn thương mãn tính: tỷ lệ ung thư xương cao hơn ở những bệnh nhân có chấn thương tại đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày do tai nạn. Những chấn thương mạn tính có thể kích thích tạo nên ung thư.
U xương ác tính xảy ra thường xuyên hơn ở những người đã có liều bức xạ cao bên ngoài điều trị hoặc điều trị bằng thuốc uống chống ung thư nhất định.
Một số ít bệnh ung thư xương là do di truyền. Ví dụ, trẻ bị retinoblastoma di truyền (bệnh ung thư phổ biến của mắt) có nguy cao phát triển ung thư xương, đặc biệt nếu họ được điều trị bằng bức xạ.
Ngoài ra, người có khuyết tật di truyền của xương và những người có cấy ghép kim loại, mà các bác sỹ đôi khi sử dụng để chữa gãy xương, có nhiều khả năng phát triển u xương ác tính.
Riêng Ewing sarcoma không liên quan chặt chẽ với các hội chứng ung thư di truyền nào, bệnh trẻ em bẩm sinh hoặc tiếp xúc với bức xạ trước đó.
Ảnh MicroCT xương bệnh nhân
Các triệu chứng thường gặp
Thường bắt đầu bằng những cơn đau kéo dài và đau nhiều vào ban đêm, khi cơ bắp thư giãn. Đối với trẻ em, triệu chứng này có thể bị nhầm thành bong gân hoặc sự phát triển của xương lúc dậy thì. Nếu trẻ có các triệu chứng đau xương nhiều vào đêm thì tốt nhất bạn nên đưa trẻ đi khám bác sỹ.
Sưng vù xung quanh vùng xương bị ảnh hưởng: Biểu hiện sẽ không rõ cho đến khi khối u phát triển tương đối to. Không phải lúc nào cũng nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy khối u nếu phần xương bị ảnh hưởng nằm sâu trong các mô thịt.
Giảm khả năng cử động: Nếu ung thư nằm ở gần khớp, khối u có thể làm khớp đó cử động khó khăn và do vậy ảnh hưởng đến sự di chuyển của toàn bộ chi này. Nếu ung thư nằm ở xương sống, nó sẽ tạo sức ép lên các dây chằng trong xương sống và làm các chi yếu đi, tê liệt hoặc đau nhói.
Gãy xương: Trong một số trường hợp, ung thư xương đôi khi được phát hiện ra khi một xương nào đó bị yếu đi do ung thư và gãy khi bạn bị ngã nhẹ hoặc bị tai nạn.
Các triệu chứng trên toàn cơ thể: Mệt mỏi, sốt cao hoặc ra mồ hôi, giảm cân và triệu chứng của ổ tổn thương nguyên phát di căn tới xương như phổi, vú, tuyến thượng thận.
Điều trị ung thư xương
Sau khi đã khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, tùy thuộc vào ung thư nguyên phát hay thứ phát mà có thái độ xử trí khác nhau. Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào loại, kích thước, vị trí và giai đoạn của ung thư, cũng như độ tuổi của người bệnh và tình trạng sức khỏe.
Phẫu thuật: Là điều trị thông thường đối với bệnh ung thư xương. Các bác sỹ phẫu thuật loại bỏ toàn bộ khối u (không có tế bào ung thư được tìm thấy ở rìa hoặc biên giới của các mô bị loại bỏ trong phẫu thuật). Các bác sỹ phẫu thuật cũng có thể giảm thiểu số lượng các mô khỏe mạnh bị loại bỏ với khối u. Cần lắp chi giả hoặc phục hồi chức năng sau phẫu thuật để tối đa hóa chức năng chân tay.
Hóa trị: Là sử dụng các loại thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Bệnh nhân bị ung thư xương thường nhận được một sự kết hợp của các loại thuốc chống ung thư. Tuy nhiên, hóa trị liệu hiện tại không dùng để điều trị sacom sụn.
Xạ trị: Là dùng tia gamma để tiêu diệt tế bào ung thư. Điều trị này có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật. Nó thường được dùng để điều trị sacom sụn, mà không thể được trị liệu bằng hóa trị liệu. Nó cũng có thể được sử dụng cho những bệnh nhân từ chối phẫu thuật.
Phẫu thuật lạnh: Là việc sử dụng nitrogen lỏng làm lạnh và giết tế bào ung thư. Kỹ thuật này đôi khi có thể được sử dụng thay cho phẫu thuật thông thường để tiêu diệt các khối u.
Với ung thư xương thứ phát, điều trị phụ thuộc vào tổn thương nguyên phát.
Tác dụng phụ khi điều trị ung thư xương
Các phương pháp điều trị ung thư xương rất mạnh. Thật khó khăn để hạn chế những ảnh hưởng của điều trị, không những tế bào ung thư bị phá hủy mà tế bào bình thường cũng bị tổn thương. Tác dụng phụ tùy thuộc vào phương pháp điều trị (hay gặp sau xạ trị và hóa trị) và vị trí u:
- Dễ nhiễm trùng;
- Chán ăn;
- Nôn, ói;
- Miệng khô;
- Cảm giác yếu sức, rụng tóc;
- Ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh.
Tuy vậy, các tác dụng này sẽ mất khi ngừng điều trị.
Thực tế cho thấy, các bác sỹ ít khi lý giải được nguyên nhân gây ung thư xương. Các nhà khoa học và các trung tâm y khoa cũng đang tích cực nguyên cứu để tìm ra nguyên nhân cũng như cách dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư xương.
Bình luận của bạn