Học sinh một trường Mầm non tại huyện Lâm Thao, Phú Thọ trở lại trường ngày 15/11 - Ảnh: Huyện Lâm Thao.
Đà Nẵng cho học sinh trở lại trường, Hà Nội phát sinh ổ dịch mới
Đảm bảo an toàn để học sinh được trở lại trường
Hà Nội: Học sinh khối đầu và cuối cấp trở lại trường từ ngày 8/11
Nhiều địa phương đón học sinh trở lại trường, Cà Mau có 5 xã “vùng đỏ”
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 141/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021. Điểm đáng chú ý, Chính phủ chỉ đạo cần sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Trước đó, tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trong đó, vấn đề được Thủ tướng nhắc đến đầu tiên là học trực tuyến.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch.
Cùng với đó, cần nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine. Thủ tướng nêu ví dụ: “Chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần”.
Theo tinh thần chủ động dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19, sau khi đánh giá, xác định cấp độ dịch tại một số địa bàn, nhiều địa phương đang lên kế hoạch cho học sinh vùng có nguy cơ thấp và trung bình được quay trở lại trường học trực tiếp kể từ ngày 15/11. Có thể kể đến như: Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai…
Tại Phú Thọ, địa phương này cũng cho phép các địa bàn thuộc thành phố Việt Trì, huyện Phù Ninh, Trường THPT Phong Châu cho học sinh đi học trực tiếp trở lại từ ngày 15/11.
Còn tại Bắc Giang: UBND huyện Việt Yên đã có văn bản cho phép các trường Tiểu học, THCS tổ chức học tập tại trường từ 15/11. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học ở nhà cho đến khi có thông báo mới. Trong khi đó, Sở GD&ĐT Nghệ An quyết định chuyển từ hình thức dạy học trực tuyến sang hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến cho tất cả học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Vinh đối với địa bàn có vùng dịch cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và nguy cơ trung bình). Riêng học sinh đang thuộc diện cách ly y tế tập trung hoặc đang sinh sống và cư trú trong vùng có dịch COVID-19 vẫn học trực tuyến.
Tại Hà Tĩnh: Thành phố quyết định, từ 15/11, các trường học, cơ sở giáo dục, các lớp học không có các ca F0 trên địa bàn sẽ tổ chức dạy học trực tiếp tại trường. Các lớp học có trường hợp là ca F0 tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến khi các F1 trong lớp có kết quả xét nghiệm RT-PCR 3 lần âm tính và hoàn thành cách ly theo quy định.
Ngày 17/11, Quảng Nam vừa quyết định cho học sinh trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn tạm nghỉ học vì phát hiện 25 học sinh là F0. Trước đó, các trường THPT Núi Thành, Cao Bá Quát, Nguyễn Huệ; trường THCS, tiểu học, mầm non và cơ sở, nhà nuôi dạy trẻ tại các địa phương có cấp độ dịch cấp 1 (vùng xanh), cấp 2 (vùng vàng) được dạy học tập trung trở lại từ ngày 15/11. Các địa phương ở cấp độ 3 (vùng cam) vẫn tiếp tục học trực tuyến.
Đồng Nai và Đà Nẵng cùng có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học từ ngày 22/11. Trong đó, Đà Nẵng tổ chức dạy học trực tiếp cho khối 12 từ ngày 22/11; khối lớp 10 và 11 từ ngày 29/11. Còn tại Đồng Nai, mỗi huyện, thành phố chọn từ 1 - 4 cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh các cấp đi học trở lại.
Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương cho phép UBND huyện Cần Giờ tổ chức thí điểm cho học sinh đi học trở lại, dạy học trực tiếp trên địa bàn xã Thạnh An đối với một số khối lớp của Trường tiểu học Thạnh An, Trường THCS-THPT Thạnh An để có thực tiễn cho việc mở cửa lại trường học.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, việc mở cửa lại trường học là vấn đề quan trọng với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho 1,7 triệu học sinh. UBND Thành phố đang làm việc với ngành giáo dục và y tế để sớm hoàn thiện kế hoạch mở cửa lại trường học.
Trong khi đó, tại Hà Nội, sau một tuần cho học sinh lớp 9 ở huyện Ba Vì học trực tiếp an toàn, Thủ đô vẫn chưa có quyết định cho các quận, huyện khác mở cửa trường học.
Chuẩn bị những gì để trẻ trở lại trường học an toàn?
Ngoài việc ưu tiêm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho giáo viên và nhân viên trường học, việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em cũng đang được nhiều nước đẩy mạnh trong đó có Việt Nam như một trong những biện pháp chủ chốt giúp tạo ra môi trường học đường an toàn trong đại dịch.
Theo đó, từ cuối tháng 10, Bộ Y tế đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, ưu tiên cho trẻ từ 12-17 tuổi tiêm trước và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị trước khi học sinh đi học trở lại cũng đang được các trường trên cả nước hoàn tất. Các trường hiện đã vệ sinh trường, lớp học, phòng làm việc, tổ chức phun khử khuẩn; bảo đảm trang bị mỗi lớp học 1 nhiệt kế điện tử để phục vụ công tác đo thân nhiệt. Phòng Y tế các trường được yêu cầu đủ trang thiết bị, cơ số thuốc theo quy định, bố trí 1 phòng cách ly riêng biệt để cách ly khi học sinh, giáo viên có biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở…
Ngoài ra, học sinh đến trường bảo đảm giãn cách, không bị ùn tắc tại cổng trường, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay khử khuẩn trước khi vào lớp học. Yêu cầu học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh về “một cung đường, hai điểm đến”.
Bộ Y tế cũng cho biết, đang phối hợp với Bộ Giáo dục để sớm ban hành và rà soát bổ sung hướng dẫn Sổ tay y tế phòng chống COVID-19 trong trường học, tổ chức tập huấn hệ thống trường học toàn quốc, kỹ năng dự phòng, quản lý chăm sóc và phòng chống dịch cho đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế trường học.
Bình luận của bạn