- Chuyên đề:
- Đồng tính
Người đồng tính có quyền được sống thật với giới tính, được yêu thương và chung sống với người mình yêu
WHO cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở những người đồng tính nam
Hoang mang không biết mình có đồng tính
Khoảnh khắc rơi lệ của cặp đôi đồng tính sinh con
Sang Mỹ để kết hôn vì... đồng tính
Báo động tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em gia tăng
Người đồng tính - nạn nhân của sự ngược đãi, kỳ thị
Ngày nay, các nghiên cứu xã hội học đã khẳng định, xã hội nào cũng có người đồng tính luyến ái (ĐTLA). Tuy không thể thống kê một cách chính xác nhưng ước tính người ĐTLA chiếm khoảng 3% dân số của mỗi quốc gia. Tỷ lệ này gần như không thay đổi giữa các quốc gia, thời đại hoặc nền văn hóa.
Mặc dù người ĐTLA là một bộ phận hợp thành nên xã hội nhưng ở nhiều nơi trên thế giới họ vẫn là nạn nhân của tình trạng ngược đãi, phân biệt đối xử.
Tại những nước theo đạo Hồi, đồng tính là vấn đề không thể khoan dung. Theo quan niệm của họ, đồng tính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật và trở thành rào cản nỗ lực tái sản xuất nòi giống. “Đồng tính nam hủy hoại bản chất đàn ông, đàn ông đồng tính không thể cảm thấy mình thực sự là đàn ông và điều đó là yếu tố không lành mạnh. Nếu đồng tính được coi là tự do cá nhân của mọi người thì nhân loại sẽ tiệt chủng”, bà Wedad Lootah – người viết cuốn Cẩm nang tình dục học đầu tiên dành cho người Hồi giáo, chia sẻ. Chính vì vậy, người Hồi giáo cho rằng đó là hành vi tội lỗi nên người ĐTLA thường bị lăng mạ, cấm đoán, trừng phạt, thậm chí bị tử hình chỉ vì có xu hướng tình dục khác biệt.
Những tưởng sự phân biệt đối xử với người đồng tính chỉ xảy ra ở những quốc gia Hồi giáo Trung Đông, nơi quyền lực của nam giới được xem là tối thượng, thế nhưng ngay cả những nơi cởi mở như các quốc gia phương Tây, định kiến và phân biệt đối xử đối với người đồng tính luyến ái cũng không vì thế mà suy giảm.
Biểu tình phản đối hôn nhân đồng tính ở thành phố Toulouse của Pháp ngày 17/11
Để bày tỏ quan điểm phản đối quyết liệt việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, ngày 17/11/2012 hàng trăm nghìn người Pháp đã xuống đường biểu tình rầm rộ tại những thành phố lớn, đặc biệt, tại Thủ đô Paris là khoảng 70.000 người. Những cuộc biểu tình này diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Francois Hollande đã thông qua dự luật hợp thức hóa hôn nhân đồng tính ở Pháp. Dự luật được xem là việc thực hiện lời hứa “hôn nhân cho tất cả mọi người” mà ông Hollande đã cam kết khi tranh cử Tổng thống. Điều đáng nói, dự luật được Chính phủ thông qua và đang đệ trình lên Quốc hội Pháp xem xét vào tháng 1/2013 đã gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp.
“Một đứa trẻ cần cả một người cha và một người mẹ, nếu dự luật hợp pháp hôn nhân đồng tính được thông qua thì trẻ em chỉ còn có thể có cha hoặc mẹ. Đây là điều trái với lẽ tự nhiên, vì thế chúng tôi phản đối dự luật này”, BBC dẫn lời một người biểu tình ở Paris cho hay.
Ngay tại Hoa Kỳ, nước đề cao các giá trị tự do và quyền của cá nhân, cũng còn rất nhiều bang chưa công nhận hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính cũng như các quyền dân sự của các cặp đôi đồng tính. Theo điều tra của Viện nghiên cứu Dư luận xã hội Mỹ, 41% dân số Mỹ cho rằng nếp sống của người ĐTLA mâu thuẫn với nếp sống của những cư dân còn lại. Sự miệt thị và ghê sợ người đồng tính luôn đi kèm với nhau mà hậu quả là hàng năm ở Mỹ có hàng chục người ĐTLA bị sát hại.
Hôn nhân đồng tính được công nhận
Sự phát triển nhanh của nền kinh tế, sự giao lưu với văn hóa phương Tây và sự trưởng thành của thế hệ trẻ - lớp người được sinh ra trong thời kỳ hậu chiến đã dẫn tới sự biến đổi mạnh mẽ trong thái độ và hành vi của người dân đối với nhiều vấn đề xã hội, trong đó có quyền được sống thật với giới tính của mình.
“Đám cưới” tập thể của các cặp đồng tính - một hoạt động nhân ngày Quốc tế chống kỳ thị với người đồng tính diễn ra vào tháng 5 tại Hà Nội (Ảnh: Vương Linh)
Tính đến tháng 4/2013, Pháp đã trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính mặc dù trước đó đã gặp phải làn sóng biểu tình dữ dội.
Tại Việt Nam, ĐTLA là một chủ đề khá nhạy cảm, mới nổi lên và thu hút sự chú ý của dư luận. Trong quá khứ, vì nhiều nguyên nhân xã hội khác nhau như đất nước có chiến tranh, khó khăn về kinh tế, quan niệm khắt khe về chuẩn mực, người ta nhìn nhận những người mang giới tính thứ ba là kẻ “bệnh hoạn”, kỳ thị và có thái độ phân biệt đối xử khiến rất nhiều người đồng tính không dám công khai thân phận của mình.
Nhưng đó là chuyện của 10 năm trở về trước. Hiện tại, chính từ sự nỗ lực của bản thân, dám thể hiện mình, chứng minh người thuộc giới tính thứ ba cũng bình thường như bao người khác, có đóng góp tích cực cho xã hội và khao khát hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, cộng đồng người thuộc giới tính thứ ba đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều người.
Sự cố gắng và trông đợi của cộng đồng người đồng tính không chỉ khiến xã hội thay đổi cách nghĩ mà còn mang tới cho chính họ cơ hội được “sống với cuộc đời thật của mình”. Nghị định số 110/2013/NĐ – CP của chính phủ được ban hành thực sự là một phần thưởng lớn, một niềm vui đối với cộng đồng LGBT - viết tắt cụm từ tiếng anh Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính), Transgender (chuyển giới) nói chung và người đồng tính Việt Nam nói riêng.
Trong quy định tại điều 48 của Nghị định về những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (mức phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng) thì hành vi "kết hôn giữa những người cùng giới tính" không còn được nêu ra. (Theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP đã hết hiệu lực, thì hành vi "kết hôn giữa những người cùng giới tính" được liệt vào những hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, và bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng).
Đám cưới đồng tính nữ đầu tiên theo nghi thức Phật giáo ở Đài Loan (Ảnh: AP)
Điều đó có nghĩa, kể từ ngày 12/11/2013 việc kết hôn đồng giới sẽ không còn bị xử phạt. Họ được phép tổ chức lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn mà không bị xử phạt hành chính như trước đây. Các cặp đôi đồng tính sẽ có quyền chung sống, sinh hoạt tự do và tham gia các hoạt động cộng đồng như tất cả những cặp đôi bình thường khác.
Đây thực sự là một niềm hạnh phúc lớn lao của cộng đồng người đồng tính. Mặc dù, theo pháp luật hiện hành thì "kết hôn giữa những người cùng giới tính" vẫn là hành vi không được phép nhưng kể từ đây, người đồng tính có quyền được sống với cảm xúc và con người mình, được yêu thương và chung sống với người mình yêu thương.
Bình luận của bạn