Phụ huynh cần kiểm tra và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng
Trẻ bị viêm họng sốt cao phải làm sao?
Nhà có trẻ em, tủ thuốc mùa Đông cần chuẩn bị những gì?
Những sai lầm của cha mẹ khiến trẻ hay ốm vào mùa Đông
Vệ sinh tai mũi họng cho trẻ trong mùa Đông như thế nào?
Dự án Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) đã có khuyến nghị, trong trường hợp thời tiết quá lạnh (dưới 10°C), tùy tình hình thực tế các địa phương có thể cân nhắc điều chỉnh/hoãn buổi tiêm chủng sang thời gian thích hợp để đảm bảo sức khỏe cho các con khi đi tiêm chủng. Bên cạnh đó, việc đầu tiên trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ đúng cách, bảo vệ chân tay trẻ, không để gió lùa, dính nước mưa... khiến trẻ bị nhiễm lạnh.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần giám sát phản ứng sau tiêm chủng bao gồm theo dõi, phát hiện, xứ trí và báo cáo các phản ứng sau tiêm chủng để giảm bớt tác động không tốt đến sức khỏe của con:
- Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con như: Đang ốm, sốt, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vaccine trong lần tiêm chủng trước. Đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trẻ trước khi tiêm chủng.
- Chủ động hỏi cán bộ y tế về loại vaccine được tiêm chủng lần này và những phản ứng có thể gặp, bế và giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Sau tiêm chủng, cha mẹ cùng trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại cơ sở y tế để phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.
Phụ huynh tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc hạ sốt chứa aspirin
- Các phản ứng sau tiêm chủng gồm có hai loại: Phản ứng thông thường và nhẹ: Phản ứng tại chỗ: sưng, nóng, đỏ, đau; Phản ứng toàn thân: sốt, dễ bị kích thích, cảm giác khó chịu… Tuy nhiên các phản ứng này thông thường là nhẹ và tự khỏi. Đối với phản ứng nghiêm trọng - tai biến nặng sau tiêm chủng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay hội chứng sốc phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao, co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở. Trường hợp này cần đưa trẻ ngay tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị.
- Nếu con bị sốt nhẹ sau khi tiêm phòng, điều cha mẹ cần làm lúc này là cặp nhiệt độ cho bé để theo dõi thân nhiệt. Mẹ cho bé nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái, chườm mát cho bé bằng khăn ẩm nhưng không chườm đá hay nước lạnh (nhiều bà mẹ vẫn sử dụng cách này là không nên). Hầu hết các trường hợp để giảm sốt sau 1-2 ngày. Cha mẹ chỉ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được tại nách từ 38,5 độ và tại hậu môn từ 39 độ. Nhưng cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Cảm giác thèm ăn của trẻ sẽ bị suy giảm sau khi được tiêm vaccine hoặc trẻ sẽ không thích thú với chuyện ăn uống như bình thường vì bị đau. Lúc này, cho bé bú sữa mẹ thường xuyên hơn sẽ giúp bổ sung thêm nước và ngăn ngừa sốt sau khi tiêm. Đối với những trẻ không bú mẹ, cha mẹ nên cho con uống nhiều nước hơn, ăn thức ăn dễ nuốt, dễ tiêu hóa (như soup) và chia bữa ăn chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Bình luận của bạn